Một mô hình liên doanh hiệu quả

.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2015, Trung tâm Văn hóa-Thể thao (VHTT) quận Thanh Khê từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi thể thao của người dân trên địa bàn. Với mục tiêu từng bước hoàn thiện các thiết chế thể thao tại Trung tâm, hơn một năm qua một số công trình như sân bóng đá mini, sân bóng rổ được đầu tư theo chủ trương xã hội hóa đã phát huy hiệu quả tích cực.

Các vận động viên là học sinh THCS và THPT trên địa bàn thành phố tham gia giải Hội khỏe Phù Đổng do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Thanh Khê. (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Các vận động viên là học sinh THCS và THPT trên địa bàn thành phố tham gia giải Hội khỏe Phù Đổng do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Thanh Khê. (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Nhà thi đấu bóng rổ nằm trong Trung tâm VHTT quận Thanh Khê là công trình xã hội hóa 100% với sự đầu tư của Công ty TNHH T&B, có tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng, đi vào phục vụ người dân và các đội tuyển thi đấu gần một năm qua. Nhà thi đấu được trang bị thảm đấu, bảng điện tử đúng chuẩn, sức chứa 500 người xem; đáp ứng tốt các tiêu chí của một sân bóng rổ chuyên nghiệp và được đánh giá là sân bóng rổ đạt chất lượng tốt nhất trong khu vực miền Trung hiện nay.

Ông Vương Tuấn Kiệt, Giám đốc Trung tâm VHTT quận cho biết, nhà thi đấu bóng rổ tại Trung tâm góp phần giải quyết và đáp ứng nhu cầu tập luyện hiện nay của giới trẻ yêu thích bộ môn bóng rổ. Bên cạnh phục vụ tập luyện cho các đội tuyển của các cấp CLB thành phố, trên địa bàn quận, đây còn là nơi để các ngành, các đơn vị tổ chức các hoạt động thể thao. “Từ ngày có sân bóng rổ này, phong trào bóng rổ của quận Thanh Khê phát triển vào hàng mạnh nhất nhì thành phố. Chúng tôi tổ chức các giải đấu trong quận, giải mở rộng thu hút các quận khác. Sân bóng đá mini cũng thường xuyên có các em học sinh tập luyện”, ông Vương Tuấn Kiệt nói. Có thể nói, trong điều kiện nơi luyện tập, giải trí cho người dân còn ít, Trung tâm VHTT Thanh Khê ra đời đã đáp ứng nhu cầu của người dân về rèn luyện sức khỏe. Đặc biệt là các sân, nhà thi đấu, phòng tập được đầu tư bài bản, thì như “hữu xạ tự nhiên hương”, người có nhu cầu sẽ tìm về.

Trung tâm VHTT này còn có các hạng mục nhà thi đấu đa năng, sân tennis, sân bóng đá mini, bể bơi… nhiều năm qua được đánh giá hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực thể dục thể thao, so với hệ thống các Trung tâm VHTT quận, huyện trên toàn thành phố. Trong năm 2017, Trung tâm VHTT quận đã tổ chức thành công trên 100 giải thể thao cấp quận và phường; giải Cầu lông-Bóng bàn của Công an 5 thành phố trực thuộc Trung ương, một số giải đấu của Bộ Giao thông vận tải và các ngành…

Ngày nào Trung tâm cũng luôn sôi động. Sau mấy ngày nghỉ Tết, mỗi sáng và chiều, nơi đây trở lại thu hút hàng trăm lượt người đến tập luyện các môn như bóng rổ, bóng đá, bơi lội, tennis, cầu lông, thể dục nhịp điệu, yoga. Ngoài ra còn có những lớp dạy đàn, lớp khiêu vũ thể thao… Ông Vương Tuấn Kiệt cho rằng Trung tâm “may mắn khi gặp những người liên doanh với mình làm vì sự yêu thích, sự mong muốn có một bộ môn, một phong trào thể thao phát triển mạnh mẽ, không đặt nặng chuyện kinh doanh”.

Từ những việc đã làm được, năm nay Trung tâm VHTT quận Thanh Khê được UBND quận giao tự chủ một phần tài chính (bao gồm trả lương cho 21 cán bộ, nhân viên và chi thường xuyên). Đây là đơn vị sự nghiệp đầu tiên của thành phố được giao tự chủ một phần tài chính. Trung tâm vừa lo kinh phí và phải phát triển các phong trào để đáp ứng công việc. “Việc thí điểm tự chủ một phần tài chính giúp chúng tôi có cơ chế mở để hoạt động. Bắt buộc tiếp tục liên doanh để khai thác tốt nhất mặt bằng sẵn có và xây dựng phong trào đi lên”, ông Kiệt nhấn mạnh. Và dự kiến Trung tâm sẽ tiếp tục liên doanh với tư nhân qua hình thức xã hội hóa ở một số bộ môn như tập thể hình. Bên cạnh phong trào thể thao đã phát triển khá mạnh 2 năm qua, ông Vương Tuấn Kiệt còn ước mơ phát triển văn hóa ở địa phương, muốn thế phải có một nhà biểu diễn đa năng quy mô vừa.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.