Nghĩ

Toa thuốc

Ngay trước ngày 1-3-2018, đến một quầy thuốc tây đạt tiêu chuẩn GPP (tiêu chuẩn Thực hành tốt nhà thuốc) của thành phố, tôi nghe một ông bố trẻ nói với cô bán thuốc: Bé một tuổi rưỡi, ho, sốt, sổ mũi nhưng sổ mũi ít. Cô bán thuốc (mà cũng chỉ là người phụ bán chứ không phải người bán chính của quầy thuốc này) nghe xong liền quay vào tủ vừa tìm thuốc vừa lẩm nhẩm “bé một tuổi rưỡi, ho, sốt, sổ mũi nhưng sổ mũi ít”…

“Tự kê toa, tự phán bệnh” là chuyện chẳng lạ, nhưng đây lại là trường hợp mua thuốc cho bệnh nhi mới hơn 1 tuổi! Kiểu đi mua thuốc rất “tự tin” của ông bố này khiến tôi đoán, hẳn đây không phải là lần đầu tiên bé được bố “chẩn bệnh”. Bé cũng có thể đã uống không biết bao nhiêu lần thuốc do bố mẹ tự mua của những “thầy thuốc” chưa hề thấy mặt bé. Hơn 1 tuổi đã uống thuốc kiểu đó thì đến tuổi trưởng thành bé sẽ nạp bao nhiêu kháng sinh vô tội vạ vào cơ thể? Khả năng hết thuốc chữa vì cơ thể lờn thuốc, bệnh bình thường bỗng trở nên khó chữa không là kịch bản xa xôi với cách sử dụng thuốc như thế này. Nghĩ đến đây, tôi muốn nói với ông bố trẻ ít nhất một câu: Anh không nên mua thuốc cho con như vậy! Nhưng tôi đã chưa đủ tốt để bật ra được câu nói đó. Cái cảm giác mình hơi vô duyên khi “làm quá” chuyện rất chi bình thường ai ai cũng thấy, ai ai cũng biết khiến tôi chỉ im lặng nhìn nạm thuốc theo tay người bố này ra khỏi quầy.

Theo Thông tư 52/2017 của Bộ Y tế ký ngày 29-12-2017 thì từ ngày 1-3-2018, đơn thuốc ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi phải có thêm số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước của cha mẹ, người giám hộ cho trẻ. Quy định này ra đời trong bối cảnh việc kiểm soát mua thuốc theo toa còn gần như bỏ ngỏ, nên yêu cầu quản lý cả nội dung thông tin trên toa thuốc xem ra hơi “lý tưởng”.

Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) giải thích rằng, khi kê đơn thuốc, các bác sĩ phải điền đầy đủ thông tin nêu trên nhằm bảo đảm 3 ý nghĩa. Một là bảo đảm tính chuyên môn trong việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả. Hai là bảo đảm tính kinh tế: người bệnh tính được chi phí khám, chữa bệnh. Ba là bảo đảm tính pháp lý, đó là mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh trong cung cấp dịch vụ y tế.

Dù Bộ Y tế đã giải thích nhưng nhiều người vẫn thắc mắc trước quy định mới vừa có hiệu lực này, rằng ghi thêm thông tin như vậy có giúp bảo đảm trẻ được sử dụng thuốc đúng mục đích hay không, vì thuốc do bác sĩ kê toa chứ không phải cha mẹ ghi? Ghi thêm số chứng minh nhân dân thì giúp gì cho người bệnh trong việc “tính được chi phí khám, chữa bệnh” để “bảo đảm kinh tế”? Nếu một đơn thuốc không được ghi số chứng minh nhân dân của bố mẹ mà vẫn giao dịch trót lọt thì sao?... Mua thuốc không theo toa đang diễn ra tràn lan, nghĩa là cơ quan chức năng kiểm tra số lượng toa thuốc còn chưa xong thì làm sao kiểm tra nổi thông tin trên mỗi toa thuốc?

Theo quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế (Nghị định 176/2013/NĐ-CP), hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của bác sĩ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng – 500.000 đồng. Số tiền xử phạt này tính ra chẳng nhằm nhò gì so với lợi nhuận bán thuốc của các nhà thuốc, bởi “xui” lắm nhà thuốc mới bị cơ quan chức năng phát hiện. Tình trạng mua, bán thuốc tự do phổ biến đến mức như hiện nay đã minh chứng cho điều đó.

Với góc độ một người mẹ có con nhỏ, điều tôi quan tâm và mong muốn thành hiện thực hơn không chỉ cho con mình mà cho nhiều trẻ em khác là toa thuốc cho trẻ phải được kiểm soát chặt chẽ hơn. Cụ thể, thuốc theo đơn mà không có đơn thì không được tự do mua bán; nếu để xảy ra việc này phải bị xử phạt thật nghiêm, thật nặng để đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh chưa hợp lý không chỉ xảy ra ở những trường hợp mua thuốc không theo đơn, mà kể cả ở những người rất thận trọng trong việc dùng thuốc. Thực tế là ngay cả khi phụ huynh đã đưa con đến bác sĩ khám để được chẩn đoán bệnh trước khi mua thuốc, thì kháng sinh được kê toa cho con mình vẫn chưa chắc hợp lý, bởi thiết bị giúp bác sĩ đưa ra quyết định lựa chọn kháng sinh cần thiết với tình trạng bệnh của trẻ ở các bệnh viện trên cả nước còn rất khan hiếm, ở các phòng khám tư càng hiếm hơn, nên đa phần bác sĩ kê kháng sinh dựa vào kinh nghiệm. Thế nên, kháng sinh được sử dụng hợp lý hay chưa vẫn còn mơ hồ, dù đã được kê toa bài bản.

Việc kiểm soát mua thuốc theo toa và mỗi toa thuốc kê cho trẻ em làm thế nào phải có cơ sở khoa học đáng tin cậy hơn là điều tôi nghĩ những bà mẹ bình thường như mình quan tâm hơn việc số chứng minh nhân dân của mẹ cần thiết phải được ghi trên toa thuốc.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.
.