Phương hay Thuốc quý

Tuệ tĩnh đường

.

Rằm tháng Hai âm lịch hằng năm là ngày tưởng niệm Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, không chỉ được Bộ Y tế long trọng tổ chức tại khu di tích Đền Bia (xã Cẩm Văn, Cẩm Giàng, Hải Dương) mà còn diễn ra nhiều nơi trong hệ thống y dược cổ truyền Việt Nam, nhất là các cơ sở phòng khám nhân đạo tuệ tĩnh đường.

Lễ khai trương Tuệ tĩnh đường Hòa Nam (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), ngày 11-8-2010. Ảnh: V.T.L
Lễ khai trương Tuệ tĩnh đường Hòa Nam (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), ngày 11-8-2010. Ảnh: V.T.L

Tuệ Tĩnh là một thiền sư, đồng thời là nhà y học, nhà văn hóa - tư tưởng lớn của dân tộc ta. Nói đến Tuệ Tĩnh, trước hết cần khẳng định đó là một thầy thuốc Việt Nam vĩ đại, được nhân dân ta suy tôn là vị Thánh thuốc Nam, Tổ sư của nghề thuốc dân tộc. Là tác giả  các tác phẩm y học kinh điển Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư và Nam Dược Thần Hiệu, nhất là với tuyên ngôn “Thuốc nam Việt chữa người Nam Việt” rất nổi tiếng, Tuệ Tĩnh được xem là người đặt nền móng cho nền y dược học cổ truyền VN.

Theo cố GS Đỗ Tất Lợi, Tuệ Tĩnh không những là một nhà lý luận uyên bác, mà còn là một nhà tổ chức và thực hành lỗi lạc; người đã có sáng kiến sử dụng cơ sở nhà chùa cùng lực lượng tăng ni để xây dựng một hệ thống y tế nhân dân; biến vườn chùa thành vườn thuốc, kho thuốc để cung ứng cho việc chữa bệnh cho nhân dân. Giảng đường trong các chùa không chỉ là nơi giảng kinh kệ, mà còn là nơi truyền bá các kiến thức vệ sinh phòng bệnh và phổ biến các phương pháp, kinh nghiệm chữa bệnh.

Tương truyền, sinh thời Tuệ Tĩnh đã lần lượt xây dựng được 24 ngôi chùa, vừa là nơi tu học, vừa là cơ sở khám chữa bệnh. Một điều đáng nói là hệ thống y tế mà Tuệ Tĩnh sáng lập trải qua hàng thế kỷ vẫn tồn tại cho đến ngày nay dưới tên gọi mới là tuệ tĩnh đường. Lưu ý tên tuệ tĩnh đường có thể không viết hoa, như là danh từ chung chỉ các cơ sở y tế, chủ yếu là phòng chẩn trị thuốc nam châm cứu, đôi khi có cả khám bệnh cấp thuốc tây y, hoạt động mang tính nhân đạo từ thiện.

Hiện nay trên cả nước có hàng trăm cơ sở tuệ tĩnh đường, phần lớn hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo dưới sự quản lý của các ban công tác xã hội từ thiện của các cơ sở tôn giáo. Tại Đà Nẵng, Tuệ tĩnh đường chùa Pháp Lâm (574, đường Ông Ích Khiêm) trực thuộc Thành hội Phật giáo, đã hoạt động gần 30 năm, chủ yếu dùng châm cứu và thuốc đông tây y kết hợp. Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi cùng đồng nghiệp kết hợp với các cơ sở tôn giáo ở  huyện Hòa Vang thành lập được 3 tuệ tĩnh đường: Lộc Quang (thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn), Hòa Nam (thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn) và Thiên Bảo (nguyên là phòng khám Nhà điều dưỡng tình thương Suối Hoa, nay dời về thôn An Châu, xã Hòa Phú), chuyên sử dụng thuốc nam - châm cứu chữa bệnh miễn phí mỗi tuần 2-3 ngày.

Theo chúng tôi, các nhà quản lý y tế nên nghiên cứu học tập mô hình tuệ tĩnh đường để nhân rộng và phổ biến theo phương châm xã hội hóa công tác y tế với sự huy động nhân tài vật lực rộng rãi trong toàn xã hội. Các cấp chính quyền đứng ra cấp đất để xây dựng cơ sở khám và trồng thuốc; các tổ chức từ thiện - xã hội thuộc tổ chức tôn giáo hay tổ chức phi chính phủ quyên góp tiền bạc, trang thiết bị; các tổ chức hội nghề nghiệp như Đông y, Dược liệu, Chữ thập đỏ… vận động hội viên tham gia góp công khám chữa bệnh, khai thác dược liệu tại chỗ.

Tổ chức tuệ tĩnh đường có thể bao gồm các hội đồng điều hành, hội đồng bảo trợ, hội đồng chuyên môn… đều hoạt động theo quy chế thống nhất. Có như vậy, không những chúng ta phát huy được ưu điểm sẵn có về hoạt động nhân đạo từ thiện của các tuệ tĩnh đường, mà còn nâng cao được công tác quản lý nghiệp vụ chuyên môn, thừa kế và phát triển mô hình y tế nhân dân mà Đại danh y Tuệ Tĩnh đã khởi xướng để chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Hy vọng đó không chỉ là thiển ý của người viết bài này, mà đó còn là tâm nguyện chung của tất cả thầy thuốc Đông y Việt Nam, bởi vì tuệ tĩnh đường không chỉ là nơi cứu giúp dân nghèo ốm đau bệnh tật mà còn là môi trường tốt nhất để các thầy thuốc chân chính cống hiến tài năng và  rèn luyện y thuật, trau dồi y đức cho mình.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.
.