Giúp ngư dân giám sát môi trường nước nuôi thủy sản

.

“Hệ thống tự động giám sát chất lượng môi trường nước cho ngành thủy sản”, công trình nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) vừa đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” do Trường Đại học Bách khoa tổ chức và được đánh giá là sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Nhóm nghiên cứu và sản phẩm giám sát chất lượng môi trường nước trong ngành nuôi thủy hải sản. Ảnh: C.D
Nhóm nghiên cứu và sản phẩm giám sát chất lượng môi trường nước trong ngành nuôi thủy hải sản. Ảnh: C.D

Nhóm sinh viên gồm Huỳnh Văn Tiến, Trần Thanh Hiếu, Dương Ngọc Quốc, Huỳnh Ngọc Tân. Đây là công trình nghiên cứu thứ 2 của nhóm sau khi sản phẩm “Thiết bị giám sát phòng học thông minh” đoạt giải nhì tại cuộc thi Smart Campus do Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng  phối hợp với Đại học Côte d’Azur (Pháp) tổ chức.

Huỳnh Văn Tiến (trưởng nhóm) cho biết mình sống ở vùng đầm phá nên biết được những khó khăn của người dân khi nuôi trồng thủy sản vì họ dựa vào kinh nghiệm là chính. Các hồ nuôi xa khu dân cư, đa số không có hệ thống đo đạc các thông số môi trường nước.

Khi có sự cố thì người dân không biết cách khắc phục, dẫn đến thủy sản dịch bệnh và chết hàng loạt. Bởi thế nhóm nghiên cứu hệ thống “Tự động giám sát chất lượng môi trường nước cho ngành thủy sản”; ngoài ra còn khắc phục nhược điểm của những sản phẩm đã có trước đó bằng việc áp dụng công nghệ Lora với khoảng cách truyền xa từ 3 - 10km.

Để đưa công nghệ tiên tiến vào khâu chế tạo, các bạn phải dành 2 tháng để đọc và dịch nhiều tài liệu bằng tiếng Anh. Sau khi vạch ra kế hoạch cụ thể, hệ thống được lắp ráp hoàn thiện trong vòng 2 tháng và chỉnh chi phí lắp đặt khoảng 50 triệu đồng, rẻ hơn một nửa so với sản phẩm đang có trên thị trường.

Số tiền này các bạn chia sẻ từ tiền học bổng của mình. Bạn Trần Thanh Hiếu còn tranh thủ làm gia sư vào thời gian rảnh để có thêm tiền trang trải và mua linh kiện.

Sản phẩm gồm các chức năng: Đo đạc thông số từ xa và tự động, hiển thị và lưu trữ dữ liệu trên website để người dùng kiểm soát được môi trường nước bất cứ khi nào. Ưu điểm lớn nhất của sản phẩm là người nuôi có thể xem thông số trực tiếp tại điểm đo hoặc tại trung tâm xử lý nếu ở nhà không có mạng Internet. Ngoài nguồn điện, sản phẩm có thể thay bằng năng lượng mặt trời.

Người nuôi trồng thủy sản dễ dàng giám sát các thông số môi trường thủy sản bằng 3 cách: Giám sát ngay tại hồ nuôi thông qua thiết bị đo, giám sát mọi lúc mọi nơi thông qua giao diện web. Trong trường hợp không có Internet có thể giám sát các thông số qua màn hình LCD trên thiết bị gateway, hỗ trợ trung gian truyền dữ liệu các thông số môi trường từ điểm đo lên web.

Điểm vượt trội của sản phẩm là tự thiết kế thiết bị gatewate với các tính năng vừa đủ cho hệ thống với giá khoảng 1 triệu đồng, giảm được rất nhiều chi phí so với mua Gateway Lora công nghiệp trên thị trường với giá lên đến hơn 1.000 USD.

Thiết bị được lắp đặt gồm có 3 phần: phần điểm đo, phần gateway, phần web. Chỉ cần đặt phần điểm đo tại điểm cần đo đạc các thông số hồ nuôi. Phần gateway đặt tại nhà có kết nối Internet. Sau khi cài đặt,  dữ liệu từ điểm đo (được đo bằng hệ thống cảm biến và vi xử lý) sẽ được gửi từ điểm đo đến gateway sau đó được đẩy lên máy chủ để hiển thị trực tuyến trên màn hình.

Thầy Lê Quốc Huy, giảng viên bộ môn Tự động hóa, khoa Điện cho biết: “Ưu điểm lớn nhất của hệ thống chế tạo này là giá thành thấp hơn nhiều so với sản phẩm trên thị trường, cung cấp nhiều tính năng, có thể sử dụng trong vùng không có kết nối Internet.

Giao diện hướng đến dễ sử dụng cho người nông dân, có cảnh báo giúp người nông dân biết được tình trạng hồ nuôi từ đó kịp thời xử lý”.

Hiện tại nhóm đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và đưa vào thử nghiệm tại các hộ nuôi trồng thủy sản. Các bạn cũng đang nghiên cứu để lắp thêm cảm biến đo được các thông số khí gây hại cho thủy sản như: SO2, NH3, NO2... cảnh báo cho người nuôi điều khiển, xử lý kịp thời. Các thiết bị trên sản phẩm với các vi xử lý nhỏ gọn hơn có thể điều khiển tự động khi phát hiện ô nhiễm vượt quá ngưỡng cho phép.

CẨM DUYÊN

;
.
.
.
.
.
.