Học khởi nghiệp từ trường phổ thông

.

Không chỉ ở bậc đại học, nhiều trường học đã có những hoạt động truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh phổ thông nhằm khơi gợi tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm như là một cách đặt những viên gạch đầu tiên cho hành trình khởi nghiệp của các em.

Học sinh Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky – Line thuyết trình về dự án khởi nghiệp truyền thông “Quỹ Hoa hướng dương vì bệnh nhi ung thư” để kêu gọi đầu tư từ nhà trường và hội phụ huynh.
Học sinh Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky – Line thuyết trình về dự án khởi nghiệp truyền thông “Quỹ Hoa hướng dương vì bệnh nhi ung thư” để kêu gọi đầu tư từ nhà trường và hội phụ huynh.

Truyền cảm hứng khởi nghiệp

Trong quá trình thực hiện hội thảo với sự tham gia của đại diện Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, các em HS được định hướng để phát triển các kỹ năng, kiến thức cơ bản về lập chiến lược kinh doanh khởi nghiệp phù hợp độ tuổi của các em, chú trọng trách nhiệm xã hội của dự án khởi nghiệp.

Mỗi nhóm HS còn có sự hỗ trợ của một số SV Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) để có thể được hướng dẫn và hoàn thiện dự án của nhóm. Bảo Duy, HS lớp 9/2, chia sẻ rất thật rằng, “Con muốn phát triển thương hiệu chả bò của gia đình để được chia sẻ cùng ba mẹ những lo toan, vất vả trong nghề nghiệp gia đình của mình”.

Ông Trần Hùng, Giám đốc Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng, một phụ huynh có con tham gia dự án khởi nghiệp trong Tuần lễ “Những công dân nhỏ Sky – Line” thì cho rằng: “Điều quan trọng ở tuổi của các con là dám nghĩ, dám làm và các con sáng tạo tốt. Hành trang quý giá nhất của các con bây giờ là sự tự tin mà nhà trường mang lại cho các con”.

Mới đây, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (ĐH Đà Nẵng) đã tổ chức cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo U-Invent với sự tham gia của 14 nhóm HS với 17 đề tài đến từ các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng.

TS Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Giám đốc phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh cho biết: “Với U – Invent, HS được trình bày các sáng kiến công nghệ và ý tưởng thiết kế của mình, từ đó nhận ra tiềm lực của bản thân trong việc phát triển một giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoàn chỉnh cho những vấn đề thực tiễn, khả năng làm việc nhóm, tự do sáng tạo, chia sẻ và hiện thực hóa các ý tưởng thông qua quy trình trải nghiệm sáng tạo để tạo ra các sản phẩm hữu ích cho xã hội và cộng đồng”.

Ngoài việc được các chuyên gia công nghệ hướng dẫn về những kiến thức, kỹ năng cần thiết, cách triển khai ý tưởng trên các bản mạch điện tử, HS tham gia U – Invent còn được các chuyên gia và các doanh nhân thành đạt trong giới khởi nghiệp hướng dẫn kỹ năng thuyết trình, hoàn chỉnh dự án, khơi gợi khả năng thương mại hóa các ý tưởng để các em nâng cao tính ứng dụng trong thực tiễn.

Ông Trần Vũ Nguyên, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp TP Đà Nẵng kể, sau khi nghe Trần Đình Duy, HS lớp 11, Trường THPT Phan Châu Trình thuyết trình về dự án giao thông thông minh BETTER, ông hỏi: “Em mong muốn tương lai của mình sẽ làm gì? Nhà khoa học hay doanh nhân?” để “kiểm tra” xem có phải đội của Duy chuyên “đi săn” giải thưởng hay không, thì Duy đã trả lời nhẹ nhàng:

“Thần tượng của em là Thomas Edison, vừa làm phát minh vừa bán kiếm tiền. Em muốn giống thần tượng của mình”. Và đề tài của nhóm Duy đã được đại diện Công ty Global Cybersoft mời đến để trình diễn giải pháp và bàn thêm về cơ hội hợp tác; Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng cũng nhận lời hỗ trợ các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Tạo chân đế vững chắc

Đoàn trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đang tiến hành một dự án dài hơi khi tổ chức các lớp học nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho HS các trường THPT trên địa bàn Hòa Vang. Anh Lê Đình Quang Phúc, Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế cho biết:

“Những bạn HS khi kết thúc THPT nếu theo các ngành kỹ thuật sẽ có những giải pháp về công nghệ nhưng không biết cách thương mại hóa sản phẩm. Nếu được trang bị các kiến thức cơ bản về kinh doanh, có tinh thần doanh nhân thì có thể tính tới chuyện “bán” được sản phẩm”. Hiện các lớp học được tổ chức vào chủ nhật hàng tuần và đã có 15 nhóm HS của 2 trường THPT Ông Ích Khiêm, Phan Thành Tài (huyện Hòa Vang) và một số HS ở các trường THPT khác trên địa bàn Đà Nẵng cùng tham dự.

Bà Đoàn Bích Ngọc, Phó Giám đốc điều hành của tổ chức Junior Achievement Viet Nam (JA Vietnam) cho rằng, việc đào tạo kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp ngay từ bậc học phổ thông là điều cần thiết:

“Nhiều người quan niệm trường đại học là môi trường tạo ý tưởng, trang bị kiến thức cho những người khởi nghiệp. Để khởi nghiệp thành công, theo tôi, kiến thức về kinh doanh, tư duy tài chính, khả năng thích ứng và ứng dụng công nghệ thông tin, các kỹ năng mềm… cần được trang bị từ gốc và hình thành ngay từ khi các em còn ở phổ thông. Kiến thức có thể chuyển hóa thành kỹ năng khi học sinh có cơ hội thực hành liên tục và nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm”.

Ông Gary Conroy, người sáng lập The Startup Studio, một công ty chuyên về đào tạo khởi nghiệp ở Mỹ cho rằng: “Khởi nghiệp là một kỹ năng sống cần nhiều năm để phát triển. Khởi nghiệp bắt đầu từ việc hiểu biết về bản thân và tin tưởng rằng bạn có thể tự chủ về mặt kinh tế.

Nó bắt nguồn bằng câu chuyện, sự học hỏi từ thất bại và hiểu được bạn thực sự đam mê cái gì. Do đó, nền tảng của giáo dục khởi nghiệp phải dựa trên việc định hướng lâu dài và học hỏi từ những kinh nghiệm”. Các kiến thức khởi nghiệp, nếu được đào tạo từ sớm, sẽ tác động tích cực tới tư duy, hướng tiếp cận, cách thức triển khai khởi nghiệp cho thế hệ tương lai.

HÀ TRẦN

;
.
.
.
.
.
.