Mở rộng sân chơi Startup Runway

.

Từ năm 2016, một yêu cầu từ cuộc thi khởi nghiệp Starup Runway là mỗi nhóm phải có sinh viên đến từ 2 trường trở lên nhằm giúp sinh viên liên kết với nhau trong khởi nghiệp để tạo nên những sản phẩm có giá trị sáng tạo lớn.

Nhiều chuyên gia khởi nghiệp đã thừa nhận, điều cốt lõi của khởi nghiệp là sự sáng tạo nên cần thiết phải có sự kết nối đa văn hóa, cộng với kiến thức chuyên ngành mà mỗi sinh viên có được.

Ông George Bulman, Giám đốc điều hành Trung tâm đào tạo Khởi nghiệp Rubicon, Ailen, chia sẻ kiến thức liên quan đến khởi nghiệp cho các nhóm tham gia Startup Runway 2018. (Ảnh do Trường ĐH Kinh tế cung cấp)
Ông George Bulman, Giám đốc điều hành Trung tâm đào tạo Khởi nghiệp Rubicon, Ailen, chia sẻ kiến thức liên quan đến khởi nghiệp cho các nhóm tham gia Startup Runway 2018. (Ảnh do Trường ĐH Kinh tế cung cấp)

Cuộc thi Startup Runway do Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) tổ chức đã bước vào mùa thứ 3. Theo quy định, mỗi đội tham gia phải có sinh viên (SV) ít nhất của 2 trường, do đó cuộc thi Startup Runway được xem là hoạt động khởi nghiệp có tính kết nối lớn nhất với sự tham gia của SV đến từ nhiều trường ĐH, CĐ. Năm 2018, các đội dự thi với sự tham gia của sinh viên (SV) các trường ĐH ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên như các trường thành viên của ĐH Huế, ĐH Quy Nhơn, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum.

PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế cho rằng, khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở ý tưởng kinh doanh mà đòi hỏi phải có sản phẩm cụ thể, nên nếu chỉ có SV khối kinh tế tham gia thì sẽ gặp khó khăn trong công nghệ, trong sản xuất.

Chẳng hạn như với ý tưởng về bộ test nhanh trong sử dụng, kiểm tra một số bệnh thì chỉ có SV Y khoa mới thực hiện được nhưng thiết kế test như thế nào thì phải có sự tham gia về mặt công nghệ của SV Trường Bách khoa, SV Kinh tế chỉ thực hiện ở bước đưa sản phẩm ra thị trường, lập chiến lược kinh doanh. Cái gốc của khởi nghiệp phải trên nền tảng kỹ thuật, công nghệ, nên sự kết hợp đó sẽ giúp hiện thực hóa sản phẩm tốt hơn.

Startup Runway tập trung khởi nghiệp cho các SV có ý tưởng và giúp SV đưa ý tưởng đó đến thực tế. Ngoài việc chấm chọn các dự án của SV, Startup Runway còn mời chuyên gia đến từ Trung tâm khởi nghiệp - Học viện Công nghiệp Cork (CTI), Ailen chia sẻ kinh nghiệm bổ ích về các phương pháp, tư duy để tạo nên ý tưởng kinh doanh.

Trong tuần đầu tiên của tháng 4-2018, 15 đội lọt vào vòng chung kết Startup Runway 2018 đến từ các trường ĐH ở Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quy Nhơn và Kon Tum đã được chia sẻ thông tin trong 3 ngày liên tục từ các chuyên gia đến từ Ailen hỗ trợ, trang bị những kiến thức cơ bản về khởi sự kinh doanh nhằm hoàn thiện dự án để tham gia vòng chung kết vào tháng 6 sắp tới.

Bí thư Đoàn Trường ĐH Kinh tế Lê Đình Quang Phúc cho rằng, việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cần sự chung sức của cộng đồng và quan trọng nhất là các trường cần liên kết với nhau để có thể tạo thành những nhóm khởi sự, khởi nghiệp với những dự án khởi nghiệp mang tính hoàn thiện.

Sau một thời gian đưa khởi nghiệp vào đào tạo ở các trường đại học, hoạt động khởi nghiệp đã không còn được tổ chức đơn lẻ ở mỗi trường mà đã có sự phối hợp để có thể khai thác thế mạnh và thừa hưởng được thành quả của nhau.

Nhiều năm qua, Trường ĐH Kinh tế cũng đưa môn Khởi sự kinh doanh vào chương trình giảng dạy, truyền cho SV cảm hứng khởi nghiệp, từ ý tưởng đến việc hiện thực hóa ý tưởng, kêu gọi đầu tư cho từng dự án. Nhà trường còn tổ chức cho SV gặp gỡ các nhà đầu tư, giúp các bạn được nghe những người có kinh nghiệm truyền kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trên thương trường.

Mỗi năm, cũng có 3 nhóm SV được trường gửi sang học tập tại một trung tâm khởi nghiệp ở Ailen. Đây là cơ hội để SV hiểu hơn việc hiện thực hóa ý tưởng, hiểu việc mô hình kinh doanh vận hành ra sao… Ngoài ra, Trường ĐH Kinh tế còn hỗ trợ cho các trường ở Đà Nẵng cũng như liên kết với các trường ở Quy Nhơn, Huế, Kon Tum thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp, xúc tiến hình thành các vườn ươm, kết nối để SV có cùng ý tưởng có thể gặp nhau cũng như gặp gỡ nhà đầu tư.

PGS.TS Nguyễn Phúc Nguyên, Trưởng phòng Khoa học-Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho rằng trường đại học như một cái nôi khởi nghiệp, một vườn ươm cho những ý tưởng sáng tạo, cùng với cuộc thi Starup Runway thì việc xây dựng khung chương trình đào tạo cử nhân khởi nghiệp để khởi nghiệp đi vào quy cũ, hình thành ngành học cho SV.

Trường cũng là đơn vị được nhận hỗ trợ cho chương trình khởi nghiệp 4 năm liên tiếp từ chính phủ Ailen, nên mỗi thế hệ SV được đào tạo khởi nghiệp sẽ “truyền lửa” cho các thế hệ tiếp theo.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.
.