Nghĩ

"Kiết"

Anh rể tiếc không nỡ bán chiếc ti-vi cũ, mà nấn ná để lại chỉ thêm bám bụi nên chuyển nó sang nhà tôi. Nhìn vẻ cồng kềnh của nó, tôi đoán nó có thể từng là món hàng đẳng cấp một thời nên không đành lòng tập kết vào kho đồ cũ mà đặt chễm chệ trong phòng. Đến khi tìm hiểu ra thì càng thấy chẳng có lý do gì bỏ một chiếc ti-vi hay ho đến vậy.

Chiếc ti-vi hiệu Panasonic này có màn hình 29 inch. Khoan thất vọng “29 inch thì to gì mà to”, vì bây giờ toàn ti-vi rộng như tranh, nhưng vấn đề là “em” này được mua vào năm 1999, 2000 – thời điểm nhà nhà dùng ti-vi màu tầm 14 inch là ngon và “em” là sản phẩm “khủng” được hãng sản xuất giới hạn để chào mừng sự kiện giao thời giữa hai thế kỷ 20 và 21.

Anh rể tiết lộ, hồi đó anh bỏ ra… 6 lượng vàng để sở hữu chiếc ti-vi độc đáo này. Không những lạ, nó còn rất bền khi từ ngày được nhập nguyên thùng ở nơi sản xuất là Malaysia về đến nay, qua… 2 thế kỷ nó chưa từng “õng ẹo” đòi sửa chữa.

Vì bị “em” choán chỗ nên chiếc Samsung 21 inch tôi mua tầm năm 2009 phải dời qua góc khác. Tôi nhớ khi mình mua “em” Samsung này cũng là lúc bắt đầu bùng nổ thế hệ ti-vi màn hình phẳng. Nhưng “em” vẫn “về đội của tôi” vì giá 1,7 triệu đồng, trong khi những chiếc màn hình phẳng khác rẻ nhất thời điểm ấy cũng gần 5 triệu đồng.

Thấy giờ mà còn người chịu xài ti-vi cũ rích, kể cả đồ người khác thải ra, một bà chị bật cười rồi thốt lên: Kiết! Thời buổi ti-vi đổi đời xoành xoạch và cái nào không “smart” (thông minh), không “Full HD”, chưa “Ultra HD” (4K, siêu nét) thì coi như lỗi mốt.

Tôi cũng không cảm thấy mình kiết. Thật ra chẳng có người kiết nào trên đời lại nhận ra mình đang kiết. Tôi chỉ bâng quơ nghĩ ngợi về khái niệm “xã hội tiêu dùng” sau câu nói ấy của chị. 

Đúng là chị, tôi và chúng ta đang sống trong một xã hội ngập tràn hàng hóa. Chúng ta vẫn luôn nói đùa mà rất thật với nhau rằng: Bây giờ chẳng sợ thiếu đồ, chỉ sợ thiếu tiền. Những siêu thị sáng lóa, những cửa hàng di động, cửa hàng tiện lợi, những nhà buôn qua mạng mọc lên như nấm luôn trong tư thế “síp” hàng tận nơi, và chúng ta nếu có khó trong việc mua sắm chỉ là khó vì quá nhiều sự lựa chọn.

Đi “shopping” không còn là hoạt động mua sắm theo nghĩa đen mà nhiều khi chỉ là thú vui đơn thuần. Mua đồ để mua vui, để xả căng thẳng chứ chưa chắc vì ta không thể thiếu món đồ đó. Nhiều người hẳn sắm đồ đạc đã đời để rồi nhiều ngày, nhiều tháng sau mới sực nhớ ra nó chưa có cơ hội được bóc tem.

Tôi có chiếc đầm giá bằng nguyên một tháng lương của mình. Lúc ướm thử trong cửa hàng, dù nhìn số tiền muốn xỉu nhưng tôi cảm giác nếu không mua bằng được chiếc đầm đó thì mình cũng không thể sống yên ổn nổi vì trót yêu quá rồi.

Mê đến vậy nhưng đã 2 năm trôi qua, chiếc đầm vẫn nằm im trong tủ quần áo của tôi với cái mác còn nguyên vẹn và tôi vẫn… sống bình thường dù không thể mặc nó, bởi về nhà nhìn kỹ lại mới sáng mắt nhận ra không hợp với mình chút nào.

Thi thoảng mở tủ thấy chiếc đầm này, tôi được một cái là mỉm cười vì kiết như mình cũng từng “chi bạo” đến vậy. Chúng ta cũng chẳng lạ chuyện mỗi năm đôi ba lần gom vứt bỏ mớ đồ đạc cho đỡ mệt… con mắt, mà nhiều thứ trong số đó hoàn toàn còn sử dụng được.

Cứ cảm tưởng mình đích thực là chủ nhân của những món đồ đó nhưng lúc vật vã dọn dẹp thì chẳng biết ai mới là “đầy tớ” của ai. Càng làm “chủ” nhiều, càng tốn tiền, mất công, càng ít làm “chủ” càng nhẹ người, nhẹ óc.

Nhiều người không thiếu tiền mua sắm nhưng quyết chọn “lối sống tối giản” bởi theo họ, đó là sự “thăng cấp giá trị cuộc sống” khi thoát khỏi sự lệ thuộc của đồ đạc để hướng vào chất lượng cốt lõi của cuộc sống. Chúng ta không ít lần nghe các tỷ phú, người nổi tiếng chỉ có vài bộ quần áo trong tủ cũng vì lý do như vậy.

Có phải “giàu đồ đạc” là sẽ “giàu sự thỏa mãn” hay không? Tôi cho là không. Bởi mặt tích cực của xã hội tiêu dùng hay chủ nghĩa tiêu dùng là thúc đẩy sản xuất, đổi mới hàng hóa, tạo động lực làm ra nhiều của cải, vật chất.

Nói nôm na là chúng ta muốn có nhiều đồ đẹp thì phải cố kiếm thêm thật nhiều tiền, nhà sản xuất cũng nhờ đó làm ăn thịnh vượng hơn và hai bên cung – cầu theo đó thúc đẩy xã hội phát triển. Nhưng mặt tiêu cực của chủ nghĩa tiêu dùng là chúng ta gần như không biết “đủ”, luôn ham muốn có thêm và thêm nữa.

Tham vọng theo đó cũng không thể dừng lại và sự tự ti thua chị kém em cũng đầy thêm nên chưa chắc càng có nhiều đồ đạc chúng ta càng giàu sự thỏa mãn. Cái mà mình đang có vẫn “chưa là gì” với những cái mình chưa có.

Ta ngồi xem một chương trình truyền hình hấp dẫn nhưng chưa chắc đang cảm nhận trọn vẹn niềm tận hưởng đó mà có thể đầu óc bị buồn phiền vì “giá có cái ti-vi đỉnh hơn, cho màu sắc, âm thanh chân thực hơn”. Mà không tận hưởng được cảm giác thỏa mãn thì làm sao cảm nhận được hạnh phúc.

Nên ngày nay chúng ta thấy nổi lên cái gọi là “vay tiêu dùng”, tức không phải vay tiền để tiêu chung chung nữa mà cụ thể là vay vào việc mua nhà, tậu xe, sắm đồ đạc mới. Việc mua sắm đang là một phần chi tiêu lớn và chính trong tổng thể các loại chi tiêu mỗi ngày của chúng ta.

“Không sợ thiếu đồ, chỉ sợ thiếu tiền”, trong bối cảnh này chúng ta tưởng mình đang được tự do sở hữu vật chất nhưng ở góc độ khác lại là nô lệ của tiền bạc khi phải lao đầu kiếm tiền mua đồ, đổi đồ, trả nợ…

Trong báo cáo thường niên về phát triển con người năm 2010, Liên Hợp Quốc xếp chủ nghĩa tiêu thụ là một trong hai hiểm họa lớn nhất đe dọa cuộc sống con người (cùng với hiện tượng trái đất ấm lên). Nhìn chiếc đầm giá tính theo lương của mình và chuyện cái ti-vi cũ bị chê cười, tôi thấy ý này có lý.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.
.