Níu chân du khách

.

Ngoài việc quan tâm đến du lịch tâm linh, du lịch hội thảo, để chủ động “kéo” khách đến Đà Nẵng, bên cạnh việc nghiên cứu nguồn khách, thành phố cần tăng cường nghiên cứu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mùa thấp điểm, từ đó có chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch.

Việc cải tạo cảnh quan môi trường đã góp phần thu hút khách, nhất là khách nước ngoài, du lịch tâm linh đến với danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: V.T.L
Việc cải tạo cảnh quan môi trường đã góp phần thu hút khách, nhất là khách nước ngoài, du lịch tâm linh đến với danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: V.T.L

Từ “trầm tích” văn hóa tâm linh của vùng đất Phật

Đà Nẵng có nhiều địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh, trong đó nổi bật là Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, nơi quy tụ 13 chùa, 14 động, 3 hang, 1 tháp, 2 đài, 1 miếu và 1 địa đạo. Thủy Sơn - ngọn núi đẹp nhất, nhiều chùa chiền, hang động nhất trong năm ngọn Ngũ Hành, ở đó có chùa Tam Thai được phong là quốc tự, được xem là cổ nhất nơi này.

Phía sau chánh điện chùa, trong Nhà Tổ vẫn còn cất giữ tấm kim bài bằng đồng hình trái tim lửa có khắc lời tôn vinh quyền năng siêu nhiên của Đức Phật và ân sủng của ngài dành cho nước ta theo ngự bút của vua Minh Mạng.

Năm 2017, điểm đến được mệnh danh là “Vùng đất Phật của Đà Nẵng” này đón gần 1,488 triệu lượt khách tham quan, tăng 23% so với năm 2016. Số khách tăng cao không hẳn vì năm 2017  diễn ra Hội nghị Cấp cao APEC mà còn xuất phát từ nỗ lực tự làm mới mình của khu danh thắng trên nền những chùa chiền, hang động nhuốm màu sắc tâm linh.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, lý giải: “Tuy không có sự kiện quốc tế lớn nào diễn ra ở Đà Nẵng, chỉ có Lễ hội Quán Thế Âm, nhưng từ đầu năm đến hết tuần 16 của năm 2018 (18-4), đơn vị đã đón 665.497 lượt khách (trong đó có 420.911 lượt khách nước ngoài), tăng 49% so cùng kỳ năm trước”.

Có được lượng khách “trong mơ” đó, ngoài sức hút của văn hóa tâm linh mà cao điểm là Lễ hội Quán Thế Âm, phải kể đến sự nỗ lực của đơn vị: Cải thiện môi trường văn hóa du lịch; trùng tu, tôn tạo thường xuyên những nơi chốn tâm linh; chuyên môn hóa đội ngũ nhân sự...

Bên hông chùa Tam Thai, trên đường vào động Huyền Không có một điểm dừng chân đã mở được mấy năm rồi nhưng chưa hoàn thiện. Ông Hiền cho biết, đơn vị đang khảo sát, thẩm định để trình cấp trên đồng ý cho đơn vị được cải tạo nơi này thành điểm dừng chân trung tâm của toàn khu danh thắng, mang lại sự an toàn, thoải mái cho du khách khi họ đến vãn cảnh Ngũ Hành Sơn.

Vừa qua, nhân Giỗ Tổ Hùng Vương và đón khách đến Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2018, đơn vị đã cải tạo cảnh quan chung quanh khu vực thang máy, đưa màu xanh của cây lá và sắc màu các loại hoa để tạo điểm nhấn thiên nhiên, làm dịu vẻ khô cứng của bê-tông, sắt thép và cửa kính.

Khai mạc DIFF năm nay trùng vào ngày Giỗ Thạch nghệ Tổ sư của Làng đá mỹ nghệ Non Nước, diễn ra vào 16 tháng Ba âm lịch (1-5-2018) tại Nhà thờ Thạch nghệ Tổ sư dưới chân ngọn Mộc Sơn. Phường Hòa Hải đã nâng tầm ngày giỗ thành lễ hội và mở rộng hoạt động thành 2 ngày thay vì một buổi như trước.

Khác với mọi năm, năm nay có phần hội với các hoạt động như: Hội Cờ làng quy tụ 4 khu vực nguyên là các làng cũ làm nghề đá Non Nước, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh diễn vở “Thoại Khanh – Châu Tuấn”...  

Quận Ngũ Hành Sơn đang tiến hành lập hồ sơ đề nghị công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử quốc gia Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Các hoạt động này sẽ làm “dày” thêm lớp “trầm tích” văn hóa tâm linh của vùng đất Phật và thêm sức hút đối với du khách gần xa.

 “Kéo” khách mùa thấp điểm

Nếu danh thắng Ngũ Hành Sơn níu chân du khách quanh năm thì nhiều điểm đến ở Đà Nẵng lại có mùa du lịch thấp điểm. Để chủ động “kéo” khách đến Đà Nẵng, bên cạnh việc nghiên cứu nguồn khách, thành phố cần tăng cường nghiên cứu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mùa thấp điểm, từ đó có chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch.

Theo số liệu Sở Du lịch Đà Nẵng, thời gian qua, Đà Nẵng đã đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và tăng cường quảng bá thu hút khách quốc tế tới thăm thành phố, kết quả năm 2017 khách du lịch quốc tế tăng trưởng khá cao, 38% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, để tăng cường thu hút khách quốc tế, ngành Du lịch thành phố đã xác định phát triển du lịch MICE (du lịch sự kiện, triển lãm) để thu hút khách, góp phần hạn chế yếu tố bất lợi của thời tiết, giảm tính mùa vụ, đặc biệt từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm.

Thời tiết vẫn luôn là vật cản “đáng gờm” đối với những nhà thiết kế sản phẩm du lịch. Mấy năm trước, cứ đến mùa đông là các bãi biển du lịch ở Đà Nẵng “đắp chiếu”. Gần đây, tình hình đã khác.

Ông Nguyễn Đức Vũ, Phó ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết vào khoảng thời gian “thấp điểm”, đơn vị vẫn phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở Du lịch thành phố) cố gắng duy trì các dịch vụ bãi biển, trừ những ngày mưa bão.

Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao tổ chức các hoạt động thể thao bãi biển mùa đông phục vụ khách du lịch, nhất là khách nước ngoài. “Người trong nước ngại mưa gió mùa đông nhưng với khách nước ngoài thì không.

Diễn biến thực tế các hoạt động của mùa du lịch biển năm 2018 đang diễn ra cho thấy các hoạt động đua thuyền Kayak, ngoáy thúng, lướt sóng... hoàn toàn có thể diễn ra vào mùa đông khi thời tiết không quá “đỏng đảnh”.

Thành phố đã phê duyệt đề án phát triển tuyến biển du lịch Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018 – 2020. Đây sẽ là lợi thế để chúng tôi nghiên cứu, đầu tư các hoạt động du lịch bãi biển thời gian tới”, ông Vũ lạc quan.

Vừa qua, ngành Du lịch đã tham mưu thành phố hình thành phố du lịch An Thượng, tạo sản phẩm du lịch, vui chơi giải trí về đêm để phục vụ du lịch. Các phố đi bộ, chợ đêm Triệu Việt Vương (quận Sơn Trà), Bạch Đằng (quận Hải Châu) cũng đang được các ngành, địa phương tích cực chuẩn bị để tạo thêm điểm vui chơi cho du khách xuyên... mùa đông.

Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết thêm, thời gian qua, các doanh nghiệp như Sun Group, Furama, Thành Đô Cocobay... cũng đã phối hợp rất tốt với Sở Du lịch để phát triển các dịch vụ, gói sản phẩm hấp dẫn phục vụ khách.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch để tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch như tổ chức các chương trình biểu diễn lưu động (roadshow), hội thảo du lịch trong nước và quốc tế, tham gia các hội chợ du lịch, tổ chức đón các đoàn báo chí, các công ty lữ hành tới khảo sát sản phẩm, tăng cường công tác quảng bá hình ảnh điểm đến.

Hy vọng các hoạt động đồng bộ và nhịp nhàng này sẽ góp phần “kéo” khách về với Đà Nẵng trong mùa thấp điểm.

“Thời gian qua, Đà Nẵng đã quan tâm tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa, phát triển các loại hình du lịch bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Đây là những yếu tố góp phần rất lớn vào việc tạo sản phẩm thu hút khách du lịch quốc tế tới thăm Đà Nẵng.

Các thị trường ASEAN, Nhật Bản, Úc, châu Âu là những thị trường mà ngành Du lịch Đà Nẵng đang tăng cường các hoạt động xúc tiến để góp phần tăng trưởng lượng du khách quốc tế đến Đà Nẵng trong thời gian tới”

Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.