Núc nác chữa lở ngứa

.

Núc nác là cây thuốc chữa bệnh ngoài da rất hiệu quả. Đã có nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy chế phẩm từ vỏ núc nác có tác dụng chống dị ứng và làm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân độc hại; theo dõi điều trị các bệnh vảy nến, tổ đỉa, mề đay có kết quả khỏi và đỡ khoảng 80%.

Núc nác -  cây thuốc quý chữa bệnh lở ngứa. Ảnh: P.C.T
Núc nác - cây thuốc quý chữa bệnh lở ngứa. Ảnh: P.C.T

Núc nác, còn gọi Nam hoàng bá, tiếng Hán gọi Mộc hồ điệp (木蝴蝶); tên khoa học là  Oroxylum indicum (L.) Kurz, thuộc họ Núc nác - Bignoniaceae.

Đây là loài cây nhỡ, cao 5-13m. Thân nhẵn, ít phân cành, vỏ cây màu xám tro, mặt trong màu vàng. Lá xẻ 2-3 lần lông chim. Hoa màu nâu đỏ sẫm mọc thành chùm dài ở ngọn thân. Đài hình ống, cứng, dày, có 5 khía nông. Tràng hình chuông, phình rộng, có 5 thùy họp thành hai môi, 5 nhị, có chỉ nhị có lông ở gốc. Đĩa mật có 5 thùy rõ, cao 4-5mm, đường kính 12-14mm. Quả thõng, dài 40-120cm, rộng 5-10cm, các mảnh vỏ hóa gỗ. Hạt dài 4-9cm, rộng 3-4cm, kể cả cánh mỏng bao quanh.

Ở nước ta, cây mọc hoang ở rừng thường xanh và trong các quần hệ thứ sinh những vùng thấp ẩm ướt, tới độ cao 900m. Cũng có nhiều nơi trồng bằng hạt hoặc bằng cành vào mùa xuân. Hoa nở về đêm, thụ phấn nhờ dơi. Mùa hoa quả tháng 5-10. Các quả chín vẫn ở trên cây khá lâu vào mùa khô khi cây rụng hết lá.

Cây mọc rải rác khắp các tỉnh nước ta. Tại Đà Nẵng, có gặp mọc ven rừng ở Hòa Bắc, ngoài ra còn có một số hộ nông dân trồng Núc nác làm giá thể cho hồ tiêu leo. Cây còn có ở Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines, Indonesia.

Hạt, vỏ thân thường được dùng làm thuốc. Người ta thu hái quả nang chín màu nâu vào mùa thu và đông, phơi khô ngoài nắng cho vỏ nứt hạt, tách lấy hạt và phơi tiếp cho đến khô. Vỏ cây thu hái quanh năm; khi cần thiết, đẽo vỏ trên cây, phơi hay sấy khô dùng.

Phân tích thành phần hóa học cho thấy vỏ và hạt chứa một hỗn hợp flavonoid và chất đắng kết tinh là oroxylin. Vỏ chứa baicalein và chrysin. Hạt cũng chứa oroxylin và một chất dầu chứa 80,40% acid oleic, acid palmitic, acid stearic và acid lignoceric.

Theo Đông y, Núc nác có vị đắng, tính mát, có tác dụng mát gan, giải nhiệt, tiêu độc, sát trùng, nhuận phế, trị ho, giảm đau.

Vỏ thân dùng chữa các bệnh viêm gan vàng da, dị ứng mẩn ngứa, bệnh vảy nến, lở do dị ứng sơn, viêm họng, ho khan tiếng, đau dạ dày, lỵ, viêm tiết niệu, đái buốt, đái ra máu; trẻ con ban sởi, hen phế quản. Ngày dùng 8-16g dưới dạng thuốc sắc hay cao lỏng. Dùng ngoài nấu nước rửa hoặc dùng cao bôi.

Hạt chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, đau dạ dày, đau bụng, vết loét không liền miệng. Ngày uống 2-3g dạng thuốc sắc (chữa ho) hay bột (chữa đau dạ dày). Dùng ngoài tán bột rắc lên vết lở loét, mụn nhọt vỡ lâu ngày không liền miệng.

Ngoài ra, lá, hoa và quả khi còn non đều ăn được sau khi đun nấu. Người ta thường lùi quả non vào trong tro than rồi đem bóc bỏ vỏ ngoài, lấy phần trong của quả xào ăn.

Ở Ấn Độ, dùng vỏ rễ trị ỉa chảy, lỵ, vỏ thân làm thuốc bổ đắng và trị tê thấp cấp tính. Quả non lợi trung tiện và lợi tiêu hóa. Hạt để xổ và làm thuốc trị rắn cắn.

Ở nước ta đã sản xuất các chế phẩm Nunacin, Oroxin từ hỗn hợp các flavonoid hay cao toàn phần của Núc nác để chữa các bệnh mề đay mẩn ngứa, tổ đỉa, vảy nến, hen phế quản trẻ em. Đã có nghiên cứu lâm sàng theo dõi hiệu quả điều trị khỏi và đỡ trên 80%.

Đơn thuốc:

1. Lở ngứa ngoài da, bệnh tổ đỉa (ngứa lở giữa lòng bàn tay), giang mai lở loét: Vỏ núc nác và Khúc khắc, mỗi vị 30g, sắc uống hằng ngày. Kết hợp dùng Vỏ núc nác, Sâm đại hành, Sài đất nấu thanh cao đặc bôi.

2. Viêm đường tiết niệu, đái buốt ra máu: Vỏ núc nác, rễ Cỏ tranh, Mã đề mỗi thứ một nắm, sắc nước uống.

3. Viêm gan, viêm bàng quang, viêm sưng hầu họng: Vỏ núc nác 15-30g, sắc uống.

4. Ho lâu ngày: 5-10g hạt, sắc nước hoặc tán bột uống.

5. Lở do dị ứng sơn: Vỏ Núc nác nấu cao, dùng uống và bôi vào chỗ lở.

6. Mụt nhọt lở loét, thấp chẩn (chàm lở): Vỏ núc nác giã nhỏ đắp hoặc sắc nước đặc rửa vết thương.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.
.