Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực

.

Trong thời buổi nền kinh tế toàn cầu ngày nay, nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC) được đánh giá là nguồn lực quan trọng bậc nhất cho sự phát triển của một địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia.

Đào tạo và thu hút nguồn NLCLC trở thành nhiệm vụ quan trọng cho sự phát triển bền vững của bất cứ một công ty, tổ chức hay địa phương nào. Thực tiễn cho thấy thành công của các nền kinh tế lớn, các công ty toàn cầu đều xuất phát từ việc sử dụng nguồn NLCLC.

Đại học Đà Nẵng mỗi năm cung cấp cho thị trường lao động một nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo bài bản. Trong ảnh: Ngày hội việc làm do Trường ĐH Bách khoa tổ chức cuối tháng 5-2018.  (Ảnh Trường ĐH Bách khoa cung cấp)
Đại học Đà Nẵng mỗi năm cung cấp cho thị trường lao động một nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo bài bản. Trong ảnh: Ngày hội việc làm do Trường ĐH Bách khoa tổ chức cuối tháng 5-2018. (Ảnh Trường ĐH Bách khoa cung cấp)

Vậy, thế nào là nguồn NLCLC? Người có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ học vấn cao, chứng nhận tay nghề tốt… chưa hẳn đã đáp ứng được yêu cầu công việc. Chất lượng văn hóa, chuyên môn, kiến thức, kỹ năng quản lý, quản trị, trình độ tay nghề… của người lao động đáp ứng được các yêu cầu để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao là những nhân tố hình thành nên nguồn NLCLC.

Như vậy, nguồn lực chất lượng cao phải được đặt đúng chỗ, được sử dụng đúng khả năng thì mới tạo được giá trị gia tăng cho xã hội và cho chính họ. Để có được nguồn NLCLC trước hết cần có hệ thống đào tạo tốt trên nhiều phương diện như kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức văn hóa, xã hội, sức khỏe… Trong đó, đào tạo về kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn là yếu tố quan trọng nhất.

Đất nước ta trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, đang có sự cạnh tranh bình đẳng với các nước trong khu vực từ sản xuất đến cung cấp các loại hình dịch vụ. Để tồn tại và phát triển trên chính đất nước mình, địa phương mình, chúng ta cần phải cung cấp và tạo ra các sản phẩm chất lượng cao để cạnh tranh với các nước đã phát triển trước ta hàng chục năm.

Nguồn NLCLC là nhân tố quyết định để đạt được mục tiêu này. Nhận thức được điều đó, nhà nước và một số địa phương đã có nhiều chính sách để đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao để phục vụ cho sự phát triển.

Nguồn nhân lực chất lượng cao nhìn từ thực tế

Đà Nẵng là một trong các địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện chính sách đào tạo và thu hút nhân tài cho thành phố. Từ việc tuyển chọn, sàng lọc học sinh có thành tích học tập xuất sắc, cán bộ nguồn có khả năng phát triển và cử đi đào tạo tại các nước tiên tiến nhiều năm qua, Đà Nẵng hiện nay đã có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có ngoại ngữ tốt đang làm việc tại các sở, ban, ngành, các tổ chức dịch vụ công.

Cùng với chính sách chiêu hiền đãi sĩ, Đà Nẵng cũng đã thu hút được nguồn nhân lực tốt từ các nơi về sinh sống và làm việc. Có thể nói trong thời gian qua, Đà Nẵng được biết đến với danh hiệu “thành phố đáng sống” cũng là nhờ một phần công sức của nguồn nhân lực này và các chính sách đãi ngộ của thành phố đối với người tài.

Tuy nhiên, thành phố cũng cần đánh giá một cách khách quan về việc đã sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực này chưa, đã tạo điều kiện cho những người được cử đi đào tạo từ ngân sách thành phố được phát huy năng lực hay chưa.

Trong thời gian qua, có 40 người được đào tạo theo Đề án phát triển nguồn NLCLC của Đà Nẵng (Đề án 922) nghỉ việc vì nhiều lý do là một tín hiệu cần quan tâm trong việc bố trí nguồn lực chất lượng cao cho phù hợp với năng lực và môi trường làm việc.

Là một trung tâm đào tạo lớn của cả nước, Đà Nẵng có thế mạnh là sẵn có nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ được đào tạo từ các trường đại học thành viên của ĐH Đà Nẵng và các trường cao đẳng, đại học khác đóng trên địa bàn thành phố như Trường ĐH Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Đông Á, Trường CĐ Nghề Đà Nẵng...

Các trường đại học ở Đà Nẵng có thế mạnh đào tạo về kỹ thuật, công nghệ, kinh tế và quản lý, du lịch, điều dưỡng,… đã và đang đào tạo nguồn nhân lực chủ chốt cho thành phố trên 2 lĩnh vực chính là dịch vụ du lịch và công nghệ thông tin. Riêng, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), một đại học công lập được thành lập ngay sau ngày thống nhất đất nước, có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và trên cả nước.

Sau hơn 40 năm, ĐHĐN đã cung cấp nguồn nhân lực chủ chốt ở hầu hết các vị trí công việc cho các doanh nghiệp trong khu vực. Từ con số chưa đến 10 ngành đào tạo trong những đầu thành lập, đến nay, đã có 38 ngành đào tạo trình độ cao đẳng, 130 ngành đại học, 44 ngành thạc sĩ và 22 ngành tiến sĩ tại 10 cơ sở giáo dục ĐH thành viên.

Quy mô tuyển sinh dần tăng lên để đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt ở các ngành có thế mạnh và ưu tiên phát triển của thành phố như: công nghệ thông tin, quản lý kinh tế, quản trị dịch vụ du lịch, tự động hóa, ngôn ngữ Anh… Hằng năm tuyển sinh trung bình 10.000 sinh viên đào tạo trình độ đại học, 1.000 học viên cao học và 50 nghiên cứu sinh.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ,… chọn Đà Nẵng là nơi đầu tư vì có được nguồn nhân lực phù hợp. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty lớn trong khu vực đến Đà Nẵng để tuyển dụng trực tiếp sinh viên, đặt hàng đào tạo cung cấp nguồn nhân lực theo yêu cầu phát triển, mở rộng sản xuất.

Đổi mới để đào tạo nguồn NLCLC đáp ứng nhu cầu phát triển, các trường ĐH trên địa bàn tiếp tục cải tiến, hoàn thiện chương trình đào tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có trình độ, giỏi chuyên môn và có năng lực nghiên cứu khoa học; tăng cường năng lực ngoại ngữ cho sinh viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thư viện, giáo trình phục vụ học tập và NCKH; thực hiện công tác kiểm định và đánh giá chương trình đào tạo; tăng cường các mối quan hệ, hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước và với doanh nghiệp.

Chính sách nào cho phát triển nguồn nhân lực

So với hai trung tâm kinh tế lớn tại hai đầu đất nước thì Đà Nẵng và khu vực miền Trung vẫn có kém hơn về quy mô sản xuất, khả năng cung cấp dịch vụ và năng lực tổ chức các hoạt động, tổ chức sự kiện.

Do chưa có những cơ sở sản xuất, những trung tâm dịch vụ tầm cỡ quốc gia và khu vực nên Đà Nẵng chưa tạo được nhiều cơ hội cho nhân lực chất lượng cao tại địa phương được cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Vì vậy, một số vị trí nhân sự cấp cao, vị trí chuyên gia tại một số doanh nghiệp ở Đà Nẵng vẫn cần đến nhân sự từ hai đầu đất nước và các quốc gia trong khu vực.

Để thu hút nguồn NLCLC thì rõ ràng thu nhập là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đây là một trong những mối quan tâm lớn, là yếu tố dễ thấy, dễ so sánh nhất. Bên cạnh đó, một số giải pháp cần phải chú trọng. Đó là việc phải cải thiện môi trường sống ngày càng tốt hơn.

Môi trường sống có vai trò vô cùng quan trọng quyết định sự lựa chọn nơi ở, làm việc đối với các cá nhân và gia đình họ. Môi trường sống ở đây bao gồm nhiều yếu tố như: môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, an ninh, dân chủ, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng.

Đó là việc phải tạo ra môi trường làm việc tốt để người lao động có thể cống hiến tài năng. Môi trường làm việc gồm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, bình đẳng giữa các cá nhân. Một việc không thể thiếu là phải tăng cường công tác truyền thông; có những biện pháp hiệu quả để cung cấp thông tin cho các nguồn NLCLC. Thu hút phải đi đôi với sự trọng dụng, và sự nghiên cứu cẩn trọng, đề ra những giải pháp, chính sách rất cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực,… thì mới phát huy hiệu quả của nguồn nhân lực.

Khắc phục những hạn chế, từng bước tạo môi trường làm việc thuận lợi cùng với chế độ đãi ngộ xứng đáng, chắc chắn Đà Nẵng sẽ có cơ hội thu hút nguồn NLCLC của cả nước và trong khu vực để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn nữa.

 Đại học Đà Nẵng với trách nhiệm  đào tạo nguồn nhân lực bậc cao

Tại ĐHĐN, chương trình đào tạo của các trường đại học khối ngành kỹ thuật, công nghệ tại ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm kỹ thuật được rà soát và xây dựng theo chuẩn CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate), tăng cường các học phần giảng dạy bằng tiếng Anh và nâng chuẩn tiếng Anh bắt buộc đối với sinh viên tốt nghiệp đã và đang được thực hiện ở các khối ngành kinh tế, quản lý thuộc ĐHĐN.

Về đội ngũ, ĐHĐN đã cử một số lượng lớn giảng viên đi đào tạo học vị tiến sĩ tại các nước tiên tiến từ hơn chục năm qua bằng nhiều học bổng khác nhau, trong đó có học bổng của Chính phủ Việt Nam.

Đến nay, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên giảng viên cơ hữu của ĐHĐN đã đạt trên 30%, có trường như ĐH Bách khoa đạt trên 45%. Chủ trương chỉ tuyển dụng giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên và yêu cầu giảng viên trẻ hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ của ĐHĐN trong những năm qua đã đạt được hiệu quả mong đợi.

Theo thống kê của ĐHĐN, đến nay 4 trường đại học thành viên đã được kiểm định quốc gia. Trường ĐH Bách khoa được tổ chức kiểm định HCRES công nhận đạt chuẩn kiểm định châu Âu; có 3 chương trình được công nhận đạt chuẩn của Pháp do CTI (Ủy ban bằng kỹ sư Pháp) công nhận, 2 chương trình đạt chuẩn kiểm định tổ chức AUN (mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á) cấp. 4 chương trình khác (Hóa dầu, CN thông tin, Điện-Điện tử, Kỹ thuật điện) đã được AUN kiếm định, đánh giá tốt và đang chờ công bố kết quả.

GS,TS Trần Văn Nam

;
.
.
.
.
.
.