Giới thiệu sách

Giá như, tôi được đọc những bức thư này sớm hơn...

.

Loay hoay mãi, tôi mới viết được  đôi dòng  sau khi buông cuốn sách Thư gửi con – Bao giờ cho hết yêu thương?(*)  của Vũ Minh Đức và Trần Thị Hồng An.  Loay hoay, bởi sẽ nói gì đây, khi mỗi lá thư cho con đều được viết với ngôn từ sáng rõ, dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm của một người cha, một người mẹ. Người cha và người mẹ - hai tác giả của những tản văn được viết với hình thức là những bức thư cho con, cũng giống như bao nhiêu người làm cha, làm mẹ trên thế gian này, là dành hết yêu thương và dành cả cuộc đời cho con mình.

Loay hoay, bởi Minh Đức và Hồng An, tác giả của những bức thư viết cho con, có khác hơn nhiều người làm cha, làm mẹ khác. Cả Minh Đức và Hồng An cùng là bác sĩ và cùng có những đứa con độ tuổi teen.

Và những đứa con tuổi teen của ba Đức, của mẹ An lại là những đứa con thông minh, biết yêu thương, biết chăm sóc cha mẹ, anh chị em, ông bà, và cả những người mà mình cảm mến; nhưng lại khá rắc rối bởi tính hiếu kỳ với vô số những câu hỏi từ trí óc và từ trái tim. Những cô gái chàng trai tuổi teen ấy lại quá đa cảm, giàu tưởng tượng, hay nhõng nhẽo và cũng lắm dỗi hờn.

Loay hoay, bởi dấu ấn của quyển sách không phải ở nghề nghiệp của tác giả. Cũng không phải ở sự trải nghiệm của danh tiếng hay sự nghiệp. Sức cuốn hút của quyển sách chính là cảm xúc. Cảm xúc từ sự tinh tế. Cảm xúc từ những ước muốn tử tế, những ứng xử tử tế, những việc làm tử tế.

Cảm xúc lan tỏa từ tâm hồn của người cha, người mẹ và của cả những đứa con. Sự nâng niu mà người đọc dành cho mỗi câu chuyện, mỗi lá thư, cũng từ cảm xúc. Cảm xúc từ sự hòa điệu. Cảm xúc ở sự thăng hoa.

Loay hoay, còn bởi Minh Đức và Hồng An biết dành thời gian cho con, điều mà không ít người làm cha, làm mẹ chưa nhận ra được hết giá trị của nó; cũng như  chưa nhận ra giá trị vô giá của thời gian khi thời gian đó dành hết cho các con, nhất là lúc chúng còn thơ dại, rồi chúng chập chững vào đời.

Thời gian dành trọn vẹn cho con, được vui đùa cùng con, được trò chuyện, được lắng nghe, được đồng hành, được làm bờ vai, làm bóng mát cho con, con luôn là niềm hạnh phúc vô bờ bến của người làm cha, làm mẹ.  

Loay hoay, bởi tôi nhận ra mình cũng như không ít ông cha bà mẹ khác, lúc các con còn nhỏ đã phải sấp ngửa chạy theo thời gian. Khi bị thời gian và công việc dẫn dắt, vô hình chung người mẹ là tôi, đã tự tước đi ít nhiều niềm hạnh phúc được ở bên các con.

Đôi lúc tôi còn sốt ruột khi con có quá nhiều câu hỏi “Mẹ ơi, tại sao…?” khiến mẹ phải mất thêm thời giờ mới có thể trả lời cặn kẽ. Nhiều lúc tôi còn chia tâm, chia trí khi đang bày trò chơi hay dẫn dắt các con vào vườn cổ tích.

Ngày cuối tuần nhiều lúc tôi còn đóng cửa phòng để tập trung viết tiếp những trang viết còn dở dang. Giờ các con tôi đã trưởng thành, đã có cuộc sống riêng, nhưng cánh cửa nội tâm, không phải lúc nào cũng rộng mở. Tôi vẫn thấy tiếc, giá như lúc chúng còn nhỏ, lúc chúng rất cần mẹ, tôi dành thời gian cho con nhiều hơn. Giá như chúng tôi dành thời gian cho nhau nhiều hơn.

Loay hoay, còn bởi, hình như có nỗi khao khát đang dậy lên trong tôi: Giá như, thời gian quay trở lại. Giá như, tôi được đọc những bức thư cho con của Minh Đức và Hồng An sớm hơn. Và, giá như, tôi biết nâng niu từng khoảnh khắc được sống cùng con, chơi cùng con, vui đùa cùng con. Bởi, thời gian dành cho con luôn tạo ra năng lượng sống. Huyết nhục mà trong veo. Tỏa lan. Ấm áp. Thứ năng lượng đặc biệt của yêu thương.

Năng lượng ấy tràn ngập trong từng bức thư cho con của Minh Đức và Hồng An. Năng lượng yêu thương ấy như đang lan tỏa và không ngừng được nhân lên. Cho con. Cho mẹ. Cho cha. Cho những người biết trân quý sự yêu thương. Cho đời. Và cho cả cõi nhân gian.

BÍCH NGÂN


(*) Thư gửi con – Bao giờ cho hết yêu thương?  (NXB Văn hóa Văn nghệ - quý II, năm 2018).

;
.
.
.
.
.
.