Kỷ niệm với nhà báo Trần Thúc

.

Trong đời, tôi chưa hề mơ ước mình trở thành phóng viên, làm báo. Đến tuổi lục tuần, khi nhìn lại công việc trong suốt chuỗi thời gian dài đã qua, thật trái ngược ý muốn vốn có, khi mình thường xuyên “bận rộn” với báo chí trong lĩnh vực trình bày, minh họa.

Một phần, tôi thích vẽ minh họa sách báo từ thuở thiếu thời, cái thời tôi vào chùa không phải tu hành mà chỉ cốt cách ly những phiền toái bên ngoài. Thời gian nơi đây, ngoài ly trà nóng và tiếng chuông vào mỗi sáng sớm,  tôi dành hết cho việc vẽ tranh.

Nói đúng hơn là tập vẽ tranh báo chí: minh họa, tranh bìa, hí họa, biếm họa, kể cả truyện tranh. Mày mò tự học riết cũng ngán nên sau thời gian “nương nhờ cửa Phật”, tôi vào Trường Mỹ thuật Huế. Phần khác, ở tuổi 24, tôi gặp được người đã đưa dẫn tôi đến với nghề trình bày và minh họa báo chí chuyên nghiệp: Nhà báo Trần Thúc.

Tranh tự họa của họa sĩ Hoàng Đặng.
Tranh tự họa của họa sĩ Hoàng Đặng.

Gần cuối năm 1975, rời Trường Mỹ thuật Huế trở về Đà Nẵng, tôi tham dự mẫu thiết kế mỹ thuật cho khu triển lãm thành phố với chủ đề “Chiến thắng mùa xuân 1975” - một “cuộc thi” đối với riêng tôi, có vẻ khó khăn gấp bội lần những bài thi trong trường.

Mẫu thiết kế của tôi được chọn và công việc tiếp theo là thực hiện một số tranh, tượng trang trí và theo dõi toàn bộ tiến trình công việc tại khu triển lãm cho đến ngày khai mạc.

Vào thời gian cuối cùng lại kề ngày giáp Tết, những người phụ việc xin nghỉ về quê, tôi phải “trực” tại chỗ 24/24 giờ để giải quyết những thay đổi bất chợt từ Ban Tổ chức. Buổi sáng, khi đang đứng trên giàn giáo cao để chỉnh sửa một vài chi tiết trên tấm pa-nô tranh mặt tiền khu triển lãm thì phía dưới chân thang có tiếng người đàn ông gọi vọng lên đúng tên tôi. Ông ta tự giới thiệu là Trần Thúc, làm việc tại Tòa soạn Báo Quảng Nam-Đà Nẵng, đang đi tìm một họa sĩ “có tay nghề khá” để làm việc và khi đến đây, Ban Tổ chức khu triển lãm bảo ông ta tìm gặp tôi.

Thời gian gặp mặt nhau đầu tiên ở quán cà-phê không đủ dài nên ông Trần Thúc đề nghị tôi đến nhà riêng để có thể tiếp tục câu chuyện, tìm hiểu nhau kỹ hơn. Khi ông Trần Thúc lấy bút chỉ dẫn đường đi, tôi thật sự xúc động vì căn nhà ông đang ở chính là căn nhà bố mẹ tôi thuê khi mới đến Đà Nẵng từ hơn chục năm trước.

Ở Tòa soạn Báo Quảng Nam-Đà Nẵng, tôi làm việc trực tiếp với ông Trần Thúc. Thực ra, hằng ngày tôi ngồi bên cạnh ông để… học việc. Là Thư ký tòa soạn nhưng ông kiêm luôn việc trình bày maquette báo. Trang báo ông trình bày hết sức vững vàng, chặt chẽ.

Ông kẻ chữ cũng rất đẹp. Dạo đó, chữ tít ở trang bìa, hay trang ruột, muốn theo ý mình thì phải kẻ chữ bằng tay vì nhà in không có mẫu chữ và kích cỡ tương tự. Chữ kẻ sắc nét y hệt chữ in. Sau đó mang mẫu chữ viết đi nhờ thợ khắc gỗ, bản vẽ cũng vậy. Thỉnh thoảng lắm mới có một vài minh họa giao cho tôi. Nhà báo H.D.L có lần đùa:

“Họa sĩ ở tòa soạn mình… khá rảnh việc, chỉ làm có một vài cái “vi-nhét” báo!”. Đúng vậy, vi-nhét báo là hình vẽ trang trí kích thước rất nhỏ chỉ bằng hộp diêm, thường đặt trên đầu bài chuyên mục. Một vi-nhét, vẽ chưa hết một buổi nhưng dùng cả năm chưa thay và như thế thì không ai để họa sĩ điềm nhiên giữa tòa soạn, ngày qua ngày, ngồi vẽ vời rồng rắn… giải khuây.

Tôi được giao nhiệm vụ mới: Thực tập trình bày báo và trực nhà in. Trình bày báo thì phải đếm từng chữ từ bản thảo, tính từng dòng trên trang báo, không “đếm chữ” và “đặt trang” như vi tính bây giờ chỉ việc gõ cách là xong. Trình bày xong trang báo chuyển sang ông Trần Thúc xem lại chỉnh sửa rồi trình Tổng Biên tập duyệt. Công đoạn đọc lại bản in “bông” làm tại nhà in.

Đọc từng mẩu ngắn, rời do thợ in vỗ mực lên đoạn chữ in vừa xếp, in bằng cách ấn lòng bàn tay hoặc lăn chặn mặt giấy lên mặt chữ bằng ru-lô nhỏ, cách làm thủ công đó nên hầu hết bản bông đều lem nhem mực, khó đọc.

Tôi cảm phục tính chuyên cần và nhẫn nại của ông Trần Thúc, dù bản in “bông” tệ hại mức nào ông cũng tìm ra lỗi để chỉnh sửa. Báo chưa in xong thì cả hai - tôi và ông Trần Thúc, không rời khỏi nhà in, có khi làm đến trời tối mịt mùng hay khuya lắc khuya lơ.

Hạnh phúc nhất sau khi những trang báo in đẹp được phát hành và không có ai phàn nàn, quở trách vì cái lỗi in ấn, chữ nghĩa nào rơi rớt lại trên trang báo.

Những khi có dịp đến nhà in, nghe lại tiếng máy in chạy rầm rập tôi không thể quên hình ảnh nhà báo, Thư ký tòa soạn Báo Quảng Nam-Đà Nẵng Trần Thúc chăm chút, tận tụy đọc dò trên từng trang “bông”, nét chữ in tay vỗ, nhòe nhoẹt mực in từ 40 năm về trước. Cũng không bao giờ quên, con người hòa nhã, nhân ái ấy đã ân cần hướng dẫn tôi từng chút một trong những bước đầu tiên tập tễnh vào nghề.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.
.