Nghĩ về biểu diễn âm nhạc tại Đà Nẵng

.

Trong khoảng thời gian chừng mười năm qua, người dân Đà Nẵng trở nên quen thuộc với các tiết mục âm nhạc có chất lượng nghệ thuật cao xuất hiện trong các cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động nghệ thuật cho rằng, ca sĩ, nghệ sĩ Đà Nẵng hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

Buổi biểu diễn âm nhạc tại Đà Nẵng. Ảnh: V.T.B
Buổi biểu diễn âm nhạc tại Đà Nẵng. Ảnh: V.T.B

Khó tìm đất dụng võ

Điều dễ dàng nhận thấy là hầu như các chương trình có quy mô lớn đều mời các công ty tổ chức sự kiện từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội thực hiện, với sự tham gia của các nhạc sĩ tên tuổi như Quốc Bảo, Vy Nhật Tảo, Đức Trịnh. Đức Trung, Lê Minh Sơn...; các đạo diễn kỳ cựu như Đinh Anh Dũng, Việt Tú, Lê Quý Dương...; các biên đạo múa giàu kinh nghiệm như Tất My Loan, Ly Ly...

Các nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp của thành phố thường chỉ có vai trò là “cộng tác viên tại chỗ” hoặc tham gia nhưng không phải là đội thành phần chủ chốt và không có vai trò chính của chương trình. Có chăng cũng chỉ một vài ca sĩ là người con Đà Nẵng đang hoạt động tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trở về tham gia biểu diễn tại quê hương nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước hoặc lễ hội tại địa phương.

Những năm gần đây, trên sóng truyền hình Trung ương và địa phương, các chương trình ca nhạc Việt Nam - trong đó có ca nhạc Đà Nẵng, thưa thớt dần, do thời lượng dành cho các cuộc thi ca hát đình đám, nhà đài mời các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng, thậm chí cả diễn viên hài không thuộc ngành âm nhạc tham gia huấn luyện kiêm nhiệm hội đồng nghệ thuật.

Ngoài ra các chương trình truyền hình thực tế đã lấn chiếm ngày càng nhiều trên màn ảnh nhỏ. Có lẽ do các chuyên mục này thu hút đông đảo người xem, từ đó giá trị quảng cáo cũng tăng lên, lợi nhuận hấp dẫn hoàn toàn chi phối các nhà đài.

Các giọng ca Đà Nẵng thi thoảng mới vang ngân trong số ít ỏi các chuyên mục giới thiệu tác phẩm âm nhạc mới của Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (Da Nang TV). Cùng cách nhìn nhận này, nhiều nhà hoạt động nghệ thuật cho rằng, ca sĩ, nghệ sĩ Đà Nẵng hiếm khi xuất hiện trước công chúng, trừ vài dịp lễ hội, một số chỉ âm thầm biểu diễn một tuần vài suất ở các nhà hàng tiệc cưới hoặc tại các phòng trà.

Trước đây, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng (nay là VTV8), Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng thường phát chương trình ca nhạc có ca sĩ Đà Nẵng tham gia. Bây giờ thì thi thoảng vào các dịp hội hè và các sự kiện quan trọng mới phát đôi ba chương trình.

Các tiết mục tác giả tác phẩm về nhạc sĩ – ca sĩ Đà Nẵng thưa vắng, phai nhạt dần. Ngay cả tại các tụ điểm ca nhạc, khi đưa vào chương trình vài tiết mục có giọng ca Đà Nẵng thì phần lớn công chúng không đón nhận nhiệt tình so với các ca sĩ nổi tiếng đến từ vùng đất khác.

Các đêm diễn nếu thiếu ngôi sao đến từ hai miền đất nước thì vắng bóng người xem. Điều này đúng với thực trạng đời sống âm nhạc hiện nay trên cả nước.

Từng là quê hương của nhiều ca sĩ nổi tiếng như: Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ, Lê Cát Trọng Lý..., các giọng ca Vietnam Idol Kids như Hồng Minh... , nhưng các ca sĩ lại khó tìm đất dụng võ tại Đà Nẵng mà luôn hướng vào TP. Hồ Chí Minh - nơi có thị trường âm nhạc sôi động nhất nước thì tiếng tăm mới lan tỏa. Nhiều giọng ca tài năng dù được phát hiện sớm song không đủ điều kiện vào Nam lập nghiệp cũng đành lặng lẽ nơi quê nhà. 

Để hoạt động ca nhạc đương đại không mãi ngủ yên

Biểu diễn âm nhạc đương đại là một dạng hoạt động dễ thu hút đông đảo người xem, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần trong đời sống xã hội của con người Đà Nẵng.

Tuy nhiên, muốn cho nghệ thuật biểu diễn âm nhạc đương đại nói riêng phục vụ xã hội một cách hiệu quả, phát huy được hết tác dụng của mình thì trong công tác quản lý phải đảm bảo điều kiện cần thiết cho lĩnh vực này vừa hoạt động đúng tính chất, vừa bảo đảm nâng cao khả năng cảm thụ, thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Đồng thời đi đôi với một số giải pháp cụ thể, thích hợp với từng thời kỳ và điều kiện của địa phương với việc tổ chức nhiều hơn các chương trình giao lưu trong nước và quốc tế, các tụ điểm biểu diễn thường kỳ, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách lẫn người dân Đà Nẵng.

Hoạt động nghệ thuật ca nhạc đương đại nên được chú trọng dàn dựng mới mẻ, không để mãi ngủ yên trong khuôn khổ mái vòm nhà hát, phục vụ cho số ít khán giả mà cần thiết khích lệ giới thiệu những tiết mục mới từ các liên hoan - hội diễn chuyên và không chuyên, tăng cường đưa ra khỏi sân khấu nhà hát đến gần với công chúng thường xuyên, tạo điều kiện cho số đông công chúng được hưởng thụ, không chỉ vào các dịp lễ tết mà cần nên thường kỳ, ban đầu là hằng quý, dần dần là hằng tháng, hằng tuần.

Bên cạnh đó, cần tổ chức các cuộc giao lưu nghệ thuật có nội dung phong phú với các đơn vị trong và ngoài nước nhằm làm phong phú thêm diện mạo âm nhạc. Các hoạt động biểu diễn âm nhạc đương đại cần đầu tư hơn nữa, song hành với các sân khấu biểu diễn truyền thống Hô hát bài chòi, Đưa tuồng xuống phố... nhằm góp phần làm cho diện mạo văn hóa Đà Nẵng ngày càng đổi mới, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và du khách khi đến với vùng đất đang khởi sắc từng ngày.

Nhiều tụ điểm ca nhạc cần phải thường xuyên được thẩm định về chất lượng hoạt động. Nếu chú trọng thị hiếu khán giả, nâng cao vai trò quản lý nhà nước và vai trò của hội đồng nghệ thuật thì sẽ góp phần không nhỏ đến sự phát triển bền vững của hoạt động biểu diễn âm nhạc đương đại tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.

Văn Thu Bích

;
.
.
.
.
.
.