Phương hay Thuốc quý

Lá cây Đính kháng khuẩn

.

Tại Hội nghị khoa học quốc tế mở rộng của Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng tổ chức ngày 24-5-2018, có một đề tài thu hút sự chú ý của tôi.

Đó là đề tài “Nghiên cứu đặc điểm thực vật và hoạt tính kháng các chủng tụ cầu của dịch chiết cồn từ lá cây Đính thu hái tại Đà Nẵng” của nhóm tác giả Lê Văn Nho, Phạm Đức Thắng, Võ Văn Sỹ, Lê Quang Đạt, Lưu Văn Tài.

Cây Đính - Pongamia pinata  mọc ven sông Cẩm Lệ. Ảnh: P.C.T
Cây Đính - Pongamia pinata mọc ven sông Cẩm Lệ. Ảnh: P.C.T

Theo nhóm nghiên cứu, Đính là tên địa phương của một loài thực vật có mọc tự nhiên dọc hai bên bờ sông Cẩm Lệ, sông Yên, thành phố Đà Nẵng. Từ bao đời nay, người dân ở đây đã sử dụng lá tươi của cây Đính nấu nước tắm cho trẻ em để trị các bệnh về da ở trẻ em như viêm da, nấm da có hiệu quả và xem như một bài thuốc nam cổ truyền hiệu nghiệm.

Đính là cây gỗ rụng lá, cao 10 - 15m hay hơn, đường kính 50 - 60cm, cành xòe rộng, vỏ thân nhẵn, màu xám xanh. Lá kép lông chim lẻ, lá chét 2-5 đôi, mọc đối, mỗi lá rộng khoảng 3-5cm, dài từ 5 - 8cm, lá tận cùng lớn hơn, kích thước rộng khoảng 4 - 5cm, dài khoảng 7 - 9cm, hình trái xoan, nguyên, nhẵn bóng, hơi dai.

Hoa màu trắng, tím hay hồng xếp thành chùm ở nách, dài 10 - 15cm, có 2 lá bắc con nằm về phía giữa của cuống hoa. Quả đậu hóa gỗ, phẳng, ở đỉnh có một mũi nhọn ngắn và cong, không mở. Hạt đơn độc, dẹt, có vỏ mềm, có những đường lồi tạo thành mạng, màu đỏ sáng.

Dựa vào đặc điểm hình thái thực vật, kết hợp với tra cứu tài liệu tham khảo, cùng với sự tư vấn của TS. Nguyễn Quốc Bình - Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nhóm nghiên cứu đã xác định tên khoa học của mẫu cây Đính được thu hái tại Cẩm Lệ, Đà Nẵng là Pongamia pinata  L., họ Đậu (Fabaceae).

Nghiên cứu đã mô tả chi tiết đặc điểm hình thái thực vật, mô tả được đặc điểm dược liệu, đặc điểm hiển vi của cây Đính. Đã xác định được hoạt tính kháng khuẩn của cao lá cây Đính trên các chủng khuẩn gây bệnh phổ biến hiện nay là:

Staphylococcus aureus ATCC 6538 và Staphylococcus epidermidis ATCC 12228. Kết quả này cho thấy đây là một dược liệu đầy tiềm năng để nghiên cứu và ứng dụng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Nghiên cứu này góp phần cung cấp cơ sở dữ liệu cho việc sử dụng an toàn, hợp lý cây Đính và góp phần tiêu chuẩn hóa dược liệu.

Trong khi nhóm nghiên cứu của Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng thu mẫu cây Đính tại quận Cẩm Lệ, vào mùa hoa quả từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2017, thì cùng thời gian này nhóm đề tài điều tra cây thuốc chúng tôi cũng đã khảo sát khu vực đó nhưng không phát hiện được, nên chưa đưa vào Danh lục cây thuốc thành phố Đà Nẵng 2017.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam của Võ Văn Chi, Đính có tên là Dây lim (Dây lá bánh giầy, Ním), có các công dụng làm thuốc như: Hạt được dùng ngoài trị các bệnh ngoài da. Dầu hạt có nhiều công dụng trong việc trị các bệnh về da: ghẻ ngứa, ecpét, mụn nhọt và các bệnh khác; còn dùng làm thuốc trị thấp khớp ở Ấn Độ, Philippines, Trung Quốc.

Dịch rễ dùng rửa những vết loét hoại thư. Có thể phối hợp với một lượng tương đương sữa dừa và nước chanh để trị bệnh lậu. Lá làm thành thuốc đắp vết loét nhiễm trùng do sâu bọ cắn. Vỏ tươi được dùng làm nước uống trị bệnh trĩ chảy máu, ở Philippines vỏ được dùng làm thuốc gây sẩy thai. Ở nhiều nước, người ta dùng hạt và cả rễ cây làm thuốc duốc cá, dầu hạt cũng được dùng trị tê thấp, chế xà phòng và nến.

Theo Cây gỗ kinh tế của Trần Hợp và Nguyễn Bội Quỳnh, gỗ cây Đính (Bánh dầy) bền không bị mối mọt, có vân đẹp, dùng đóng đồ dùng gia đình. Hạt có dầu. Lá thân làm thuốc sát trùng. Cây thường xanh và có hoa, dáng đẹp nên được trồng ở các công viên, đường phố, biệt thự để làm cảnh, bóng mát.

Theo các tài liệu của Trung Quốc, cây Đính có tên Thủy lưu đậu (水流豆), hạt làm thuốc có tính rất lạnh và có độc, có tác dụng khu phong trừ thấp, giải độc sát trùng, chủ trị các chứng phong thấp đau nhức, chữa ghẻ lở, mụt nhọt.

Lưu ý: không dùng cho người suy nhược, huyết hư và không được uống trong (chủ yếu dùng hạt nghiền nát, ép lấy dầu hay thiêu tồn tính bôi đắp, xát bên ngoài).  

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.
.