Sinh viên sáng chế hệ thống nuôi trùn quế tự động

.

Nhằm hạn chế tới mức thấp nhất ô nhiễm môi trường từ chất thải nông nghiệp và tận dụng nguồn nguyên liệu này tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân, nhóm sinh viên (SV) Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng nghiên cứu thành công đề tài “Đánh giá khả năng nuôi trùn quế để xử lý chất thải nông nghiệp và đề xuất hệ thống nuôi trùn quế tự động”.

Nhóm SV sáng chế và giảng viên hướng dẫn - TS Lê Hoài Nam (thứ 2 từ phải sang) bên mô hình nuôi trùn quế tự động được đánh giá có tính thực tế cao. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Nhóm SV sáng chế và giảng viên hướng dẫn - TS Lê Hoài Nam (thứ 2 từ phải sang) bên mô hình nuôi trùn quế tự động được đánh giá có tính thực tế cao. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhóm sinh viên gồm: Nguyễn Thị Thùy Dương, Hồ Thị Mỹ Duyên (cùng SV Khoa Môi trường), Hà Hồng Nhật, Trương Xuân Hải (cùng SV khoa Cơ khí) và Võ Thái Tuyễn (SV khoa Điện tử Viễn thông).

Chia sẻ về đề tài, nhóm trưởng Thùy Dương cho biết, ở nhiều vùng nông thôn trên cả nước, nông nghiệp tạo nguồn thu nhập chính cho người dân. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng đàn vật nuôi và mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư thì việc quản lý chất thải chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng chất thải được xả trực tiếp ra môi trường vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân. Bên cạnh đó là tình trạng lãng phí “tài nguyên rác”.

Theo tìm hiểu của nhóm, giải pháp sử dụng trùn quế để xử lý chất thải nông nghiệp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chuyển hóa phân gia súc, gia cầm, rau, bèo… thành nguồn phân bón hữu cơ cao cấp cho cây trồng và tạo ra nguồn thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng đã được áp dụng hiệu quả ở một số trang trại lớn tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), huyện Phù Cát (Bình Định), tỉnh Bình Phước… nhưng các mô hình này chỉ mới dừng lại ở phương pháp thủ công.

Mặt khác, giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng trùn quế còn gặp nhiều khó khăn về mặt bằng nuôi cũng như đòi hỏi sự đầu tư nhiều về thời gian, công sức và sử dụng các thiết bị hỗ trợ. Vì vậy, phương pháp nuôi trùn quế hiện nay chưa được áp dụng hiệu quả và rộng rãi, đặc biệt đối với các mô hình trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư – nơi phát sinh và phân tán ô nhiễm.

Từ thực tế đó, nhóm đã thực hiện đề tài với mong muốn giúp xử lý hiệu quả chất thải nông nghiệp và khắc phục các khó khăn của phương thức nuôi trùn quế thủ công, để giải pháp xử lý chất thải nông nghiệp bằng trùn quế trở nên phổ biến hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển bền vững.
Thùy Dương cho biết, để thực hiện đề tài, nhóm đã khảo sát, thực nghiệm tại các hộ dân của xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

Đây cũng là địa bàn có người dân chủ yếu làm nông nghiệp với tỷ lệ 85%. Bắt đầu từ tháng 10-2017, nhóm đã khảo sát thực địa về khu vực nghiên cứu, địa điểm thu thập mẫu và phát phiếu điều tra 16 nông hộ thuộc 5/7 thôn trên địa bàn xã Hòa Bắc.

Sau 5 tháng ròng rã khảo sát và thực hiện, hệ thống vận hành mới hoàn thiện. “Quá trình làm, tụi em áp dụng thiết kế ban đầu không được, phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Một khó khăn khác là không có chỗ chế tạo và đặt hệ thống để vận hành thử nghiệm. Mỗi khi gặp khó khăn, nhóm được TS Lê Thị Xuân Thùy và TS Lê Hoài Nam là hai giảng viên hướng dẫn đề tài hướng dẫn cho tụi em cách khắc phục”, Thùy Dương nói.

Quá trình thực hiện, nhóm đã chứng minh được hiệu quả kinh tế từ việc nuôi trùn quế bằng hệ thống do nhóm sáng tạo với mô hình nuôi thủ công của một hộ dân. Cụ thể, trong chu kỳ 45 ngày, nhóm đưa ra kết quả so sánh, khối lượng chất thải xử lý được bằng mô hình thủ công là 36kg/m2 thì hệ thống tự động xử lý được 82kg/m2; khối lượng trùn thịt trung bình thu được ở mô hình thủ công là 1,15kg/m2, thì hệ thống nuôi tự động thu được 1,4kg/m2.

Sản phẩm trùn có thể sử dụng cho gia cầm, cá ăn trực tiếp, giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Riêng phân trùn sẽ thu được khoảng hơn 50 tấn/chu kỳ thu phân (8 tháng), giá 3.000 đồng/kg, sử dụng để bón lót, bón thúc cho các loại cây trồng.

Phân trùn không nóng, có thể bón trực tiếp vào gốc cây, đây là loại phân có chứa dịch nhờn giúp tăng cường dinh dưỡng, kích thích phát triển hệ rễ của cây trồng và giữ ẩm tốt. Có thể sử dụng để trồng các loại rau hiệu quả, kháng sâu bệnh tốt, lá rau xanh mượt hơn so với rau cải trồng với phân hữu cơ vi sinh mua ngoài thị trường.

“Để giúp bà con tiết kiệm mặt bằng, hệ thống nuôi trùn quế tự động có thể liên tục cập nhật nhiệt độ, độ ẩm và phun tưới tự động khi cần thiết; Đơn giản hóa vận hành, bảo trì và giảm nhân công thu hoạch trùn nhờ hệ thống đèn chiếu sáng; Có chức năng giám sát, hỗ trợ vận hành và can thiệp từ xa qua sms, smartphone hoặc máy tính có kết nối Internet. Người nuôi chỉ tốn sức lao động ở công đoạn cho ăn và thu hoạch”, Võ Thái Tuyễn cho biết thêm.

Đề tài của nhóm đã đoạt giải nhất chung kết cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp Miền Trung 2017”, giải nhì cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” Đoàn trường ĐH Bách khoa năm học 2017-2018, giải nhất “Diễn đàn Khoa học và Công nghệ lần thứ 7” tại thành phố Đà Nẵng.

Tiết lộ về đề tài, Thùy Dương cho biết nhóm đang hoàn tất thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, bổ sung chức năng giám sát vận hành, hỗ trợ và can thiệp từ xa qua sms và phát triển thương mại hóa máy nuôi trùn quế thông minh và các sản phẩm từ trùn quế. Nhóm kỳ vọng sẽ đưa sản phẩm ứng dụng đến gần hơn với bà con nông dân.

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.
.