Sự sống còn của các hiệu sách

.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các siêu thị, các trang thương mại điện tử và sách điện tử, số lượng các hiệu sách độc lập trên các đường phố ở nhiều nước trên thế giới đang giảm dần. Ở Anh, các nhà bán sách cảnh báo tình trạng ngành công nghiệp xuất bản có nguy cơ suy sụp, tất cả các nhà bán lẻ nhỏ đối mặt với áp lực tăng thêm của các loại lệ phí cùng với sự suy thoái kinh tế. Đã có hơn 500 cửa hàng bán sách độc lập tại Anh đóng cửa từ năm 2005.

David Beckham và cuốn tự truyện.
David Beckham và cuốn tự truyện.

Tim Godfray, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Sách cho biết: “Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, tương lai của các nhà sách của chúng ta cùng với hoạt động của ngành công nghiệp xuất bản sẽ gặp nhiều nguy cơ”.

Hiệu sách Lion & Unicorn ở Richmond - tây nam London; hiệu sách Dover ở Covent Garden và Hale Bookshop ở Cheshire nằm trong số những cửa hàng phải đóng cửa năm ngoái. Trong khi đó, các nhà bán sách độc lập nói rằng những khó khăn tài chính đã ngăn cản các chủ cửa hàng mở tiệm sách mới.

Hiệu sách Waterstone’s.
Hiệu sách Waterstone’s.

Cole, người đồng sở hữu hiệu sách Claire de Rouen trên đường Charing Cross, London, nói: “Thật tuyệt vời khi có rất nhiều cách để hưởng thụ văn học nhưng hiệu sách độc lập là một phần quan trọng trong nền văn hóa của chúng tôi và tôi hoàn toàn không thích nhìn chúng lần lượt biến mất khỏi các thị trấn và thành phố của chúng ta”. 

Bà Morag Watkins, đồng sở hữu hiệu sách Chorleywood ở Hertfordshire, cho biết các nhà sách phải đối mặt với các vấn đề tương tự như nhiều nhà bán lẻ độc lập khác, từ việc tăng giá thuê và tỷ lệ kinh doanh đến chi phí đỗ xe. Nhưng bà nói thêm: “Chúng tôi phải đối mặt với thách thức thêm từ sách kỹ thuật số và các nhà bán sách lẻ trực tuyến lớn”.

Tiệm sách Corey Farach Bluestockings, Anh.
Tiệm sách Corey Farach Bluestockings, Anh.

Các cửa hàng độc lập đang đối mặt với vấn đề số lượng sách bán ra bị  giảm liên tục.  Ngay cả Waterstones, chuỗi cửa hàng sách lớn nhất của Anh, đã thu hẹp từ khoảng 300 xuống còn 280 cửa hàng trong vài năm qua để bảo đảm lợi nhuận.

Tuy nhiên, có thể những thay đổi đáng kể gần đây dấy lên hy vọng vực lại các hiệu sách. James Daunt -  doanh nhân người Anh, là người sáng lập loạt nhà sách mang tên Daunt Books (kể từ tháng 5 năm 2011, ông là giám đốc điều hành những cửa hàng Waterstones) nói rằng ở Mỹ, nơi sách điện tử xuất hiện sớm hơn ở Anh, doanh số sách kỹ thuật số dường như đã đạt đến mức cao ổn định, trong khi Amazon đang tăng trưởng chậm hơn trong doanh số bán sách.

Hàng người chờ mua sách và xin chữ ký David Beckham.
Hàng người chờ mua sách và xin chữ ký David Beckham.

Sheryl Shurville sở hữu hiệu sách Chorleywood ở Rickmansworth, Anh, tồn tại hơn 40 năm qua, nói:  “Khi tôi bắt đầu công việc điều hành một hiệu sách, vốn liếng chính là tình yêu với sách! Tầm nhìn của tôi rất đơn giản: Hãy để mọi người đọc và duy trì tình yêu mua sách nơi họ”.

Kể từ đó, hiệu sách Chorleywood đã trở thành một thương hiệu theo đúng nghĩa của nó, được thừa nhận rộng rãi như một nhà bán sách thành công và nhà tổ chức sự kiện nổi bật của các nhà xuất bản, tác giả và các trường học.

Hiệu sách bao gồm một đội ngũ nhân viên tận tụy, có kiến thức và trên hết, là họ hết sức nhiệt tình. Lối làm việc tiếp cận cộng đồng một cách sáng tạo của họ, tiếp xúc với các doanh nghiệp địa phương, tổ chức từ thiện và thư viện… đã chiếm được trái tim và tâm trí của người dân địa phương.

Hiệu sách Chorleywood phát triển mạnh mặc dù thị trường khó khăn; hiệu sách tổ chức rất nhiều sự kiện và lễ hội sách giới thiệu các tác giả nổi tiếng từ Terry Wogan đến Bill Bryson và Jo Baker. “Các nhà sách phải ra với cộng đồng và đưa sách cho mọi người bởi vì mọi người sẽ không đến với họ”, ông Sheryl  thường yêu cầu nhân viên của mình như thế.

Hiệu sách Chorleywood.
Hiệu sách Chorleywood.

Hiệu sách Adelaide chính thức bắt đầu vào năm 2008 từ một hiệu sách cũ ở Adelaide Hills đẹp như tranh vẽ. Một khung cảnh yên tĩnh, một cửa hàng dễ thương, mùi của sách cũ, một cộng đồng lịch sự. Hiệu sách Adelaide nhẫn nại vực dậy bằng nhiều cách: quảng bá sách đọc như đặt sách trên các quầy nhỏ bên  lề đường, góc ngã tư, thậm chí, đặt sách trong giỏ xe đạp, đứng trong các hẻm phố nhỏ để giới thiệu sách đến người mua.

Sách của nhà sách Adelaide để trên giỏ xe đạp trong phố hẹp chờ khách mua.
Sách của nhà sách Adelaide để trên giỏ xe đạp trong phố hẹp chờ khách mua.

Nhưng ở trường hợp cạnh tranh thì nhà phát hành sách trực tuyến Amazon vẫn chiếm nhiều ưu thế. Như “Tự truyện của David Beckham” - một trong những cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất thế giới và là một biểu tượng toàn cầu, khi phát hành, nhiều người hâm mộ sẵn sàng đứng thâu đêm để xin chữ ký của tác giả.

Nhưng Daunt cảnh báo: “Không ai làm giàu từ việc bán sách, bạn chỉ làm điều đó bởi vì bạn hết lòng yêu thích công việc này”.

HOÀNG ĐẶNG (Theo The Guardian)

;
.
.
.
.
.
.