Tăng sản lượng, giá dầu vẫn cao?

.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump gửi yêu cầu đề nghị Saudi Arabia và các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng dầu lên 1 triệu thùng/ngày. Đây không phải lần đầu tiên Mỹ yêu cầu Saudi Arabia tăng cường nguồn cung ứng nhằm hạ nhiệt giá dầu thế giới.

Cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush từng yêu cầu Saudi Arabia tăng sản lượng vào đầu năm 2008, ngay thời điểm giá dầu tăng lịch sử. Tuy nhiên, lời yêu cầu đó không được đáp lại. Vài tháng sau, cuộc khủng hoảng tài chính cũng kéo được giá dầu xuống.

Năm 2012, cựu Tổng thống Barack Obama đề nghị Saudi Arabia tăng lượng dầu một lần nữa khi liên minh quốc tế thực hiện lệnh trừng phạt Iran.

Dầu có thể sẽ được OPEC bơm lên nhiều hơn trong thời gian tới.
Dầu có thể sẽ được OPEC bơm lên nhiều hơn trong thời gian tới.

Lần này, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump chứng kiến mức giá dầu cao nhất trong nhiều năm qua và lệnh trừng phạt với Iran đe dọa đẩy giá dầu cao lên nữa. Nếu như trước đây, hai người tiền nhiệm chỉ đề nghị Saudi Arabia tăng sản lượng dầu thì nay Donald Trump đưa hẳn con số cụ thể là 1 triệu thùng/ngày cho đồng minh ở Trung Đông.

Đại diện OPEC thừa nhận một dòng bình luận của ông Donald Trump trên mạng xã hội hồi tháng 4 về giá dầu đã ảnh hưởng tới tính toán của họ và cảm thấy cần thiết để ngăn giá dầu tăng quá cao. Mỹ và Saudi Arabia đã thảo luận về khả năng tăng sản lượng trong bối cảnh Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cách đây vài ngày, các quan chức OPEC nhóm họp tại Kuwait nhằm tìm ra đường hướng cho cuộc họp quan trọng vào ngày 22-6 tới. Mọi thứ vẫn được OPEC giữ kín bưng và chỉ hứa “bảo đảm nguồn cung cấp dầu ổn định, kịp thời để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và bù đắp cho sự sụt giảm ở một vài nơi trên thế giới. Điều đó cho thấy OPEC có vẻ như sẵn sàng tăng sản lượng trong năm nay, thậm chí là trong nửa tháng nữa.

OPEC bây giờ nhạy cảm hơn với yêu cầu của Mỹ. Saudi Arabia cần sự ủng hộ nhiều hơn của Mỹ ở Trung Đông nên ra dấu về khả năng tăng sản lượng để kéo giá dầu giảm xuống. Ngoài yếu tố đó thì khác với yêu cầu của Mỹ 10 năm trước, Saudi Arabia cần tăng sản lượng để khỏi mất thị phần trước nguy cơ dầu đá phiến của Mỹ. Nga cũng cân nhắc khả năng tăng nguồn cung cấp.

Mặc dù có dấu hiệu sản lượng dầu sẽ tăng trong thời gian tới cũng như giá dầu đang giảm, giá dầu tại thị trường New York (Mỹ) giảm từ 72 USD/thùng xuống còn 66 USD/thùng. Tuy nhiên, tác giả - nhà đầu tư Daryl Guppy viết cho tờ CNBC nhận định đó chỉ là phản ứng tạm thời và sẽ tăng trở lại trong thời gian ngắn tới. Lý do quan trọng là sự tác động của các nhà đầu tư.

Khi giá giảm thì họ trở thành người mua nhằm “dìu” giá tăng lên trở lại. Giá dầu là cuộc chiến dai dẳng khi mà Mỹ luôn muốn kéo giá dầu xuống thấp còn OPEC lại nghĩ chuyện sản lượng không cao mà lợi nhuận vẫn lớn nên rất thận trọng với chuyện tăng sản lượng hằng ngày.

ANH THƯ (Theo Bloomberg, CNBC)

;
.
.
.
.
.
.