Tiền quân hiệu lực, dương trình hiệu lực

* Đọc sử sách, thấy thời phong kiến có một số quan lại phạm tội bị vua xử đi “tiền quân hiệu lực” hoặc “dương trình hiệu lực”. Xin cho hỏi các hình thức xử phạt này ra sao và những ai đã từng bị xử phạt như thế? (Nguyễn Thành Mỹ, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng).

- “Hiệu lực” trong cụm từ “tiền quân hiệu lực” hoặc “dương trình hiệu lực” có nghĩa là ráng sức, đặc biệt - trong trường hợp này dùng gọi tắt 4 chữ “hiệu lực thục tội” (ráng sức chuộc tội), tương tự như thành ngữ “đái tội lập công” (lập công chuộc tội).

Thời phong kiến, nếu quan lại phạm tội nặng sẽ bị bắt đi một nơi khác và gắng lập công để chuộc tội với hai hình thức “tiền quân hiệu lực” (ra trận tiền đánh giặc lập công chuộc tội) hoặc “dương trình hiệu lực” (cũng viết “xuất dương hiệu lực”, nghĩa là theo đường biển ra nước ngoài lập công chuộc tội). Sử sách ghi nhận nhiều trường hợp quan phạm tội bị vua xử theo hai hình thức này.

Ông Ích Khiêm người làng Phong Lệ (nay thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), khi làm quan ở Huế, vì không giữ được kinh thành khi quân Pháp tấn công nên ông bị vua Tự Đức cách chức phải đi tiền quân hiệu lực.

Nguyễn Tư Giản, một danh sĩ triều Nguyễn, quê làng Gia Lâm, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh. Khi ông làm Tham tán quân vụ dưới quyền chỉ huy của Trương Quốc Dụng thì Tạ Văn Phụng dấy quân làm loạn ở vùng Bắc Ninh, Hải Dương. Thua trận, ông bị cách chức phải đi tiền quân hiệu lực.

Lê Đại Cang, một vị nho tướng, từng cầm binh dẹp loạn Chân Lạp, đánh đuổi quân xâm lược Xiêm La. Ông từng giữ nhiều chức vụ qua các triều vua Gia Long, Minh Mạng. Tháng 5 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), khi xảy vụ binh biến Lê Văn Khôi (con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt), tỉnh thành An Giang thất thủ, ông bị cách chức xuống làm “đoái tỳ binh dõng tiền quân hiệu lực”, khi xông trận phải luôn là quân đi đầu để lập công chuộc tội. Ông phải xông pha nơi đầu tên mũi đạn cùng với viện binh triều đình tái chiếm được các tỉnh đã mất. Nhờ công trạng này ông được khôi phục chức Viên ngoại lang lãnh Án Sát sứ An Giang.

Thân Văn Quyền người làng An Lỗ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm 1823, do tiến cử, ông được bổ chức giáo thụ phủ Thăng Hoa (Thăng Bình, Quảng Nam) rồi thăng giáng nhiều lần, từng trải chức quan tại triều và các tỉnh Quảng Bình, Gia Định, Tuyên Quang. Năm 1834 khi đương chức Tả thị lang Bộ Lễ, ông tâu cải án ở tỉnh Hưng Yên, kết quả để lọt tội phạm nhân nên bị cách chức. Năm sau ông được cho đi “dương trình hiệu lực” (làm lao công tại thuyền sứ đi ngoại quốc để lấy công chuộc tội) sang Lữ Tống (nay là Philippines).

Về “dương trình hiệu lực”, tập 5 sách Đại Nam thực lục chính biên có chép về chuyến đi của Cao Bá Quát sang Indonesia.

Theo đó, tháng 8 năm 1841, Cao Bá Quát được bổ làm sơ khảo trường thi Hương Thừa Thiên. Lúc chấm bài thấy 24 quyển viết hay nhưng lỡ phạm húy, họ Cao bàn với bạn đồng sự (và đỗ cử nhân cùng khóa) là Phan Nhạ lấy muội đèn làm mực chữa lại. Sự việc bị phát giác, ông bị tống giam vào ngục Trấn Phủ rồi chuyển đến ngục Thừa Thiên. Bộ Lễ và Viện Đô sát tra xét, khép Cao Bá Quát và Phan Nhạ vào tội tử hình. Nhưng khi án đưa lên, vua Thiệu Trị thương tình đã giảm cho hai ông từ tội chém đầu xuống tội “giảo giam hậu”, tức là giam lại chờ ngày bị thắt cổ (được chết toàn thây, tức là tội nhẹ hơn).

Trong khi Bộ Lễ xét xử, Cao Bá Quát đã bị tra tấn dã man. Điều này được diễn tả qua bài thơ chữ Hán của ông Thập nguyệt thập thất nhật thừa Lễ Bộ nghiêm tấn hậu cưỡng bệnh mạn chí tứ thủ (Ngày 17 tháng 10, sau khi Bộ Lễ tra tấn nặng nề xong, gượng đau viết luôn bốn bài).

Sau cùng, án đổi thành “dương trình hiệu lực phục vụ quân thứ” nghĩa là sung vào lính đi nước ngoài để lấy công chuộc tội. Vào khoảng cuối năm 1843, Cao Bá Quát được triều đình phát phối đi Đà Nẵng, chờ ngày lên tàu theo phái đoàn Đoàn Trí Phú đi dương trình sang Indonesia. 

ĐNCT

;
.
.
.
.
.
.