Trách nhiệm với Hoàng Sa

.

Dù đã nghỉ hưu được 4 năm, nhưng ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, vẫn luôn đau đáu về Hoàng Sa bằng một tình cảm đặc biệt. “Trăn trở lớn nhất của tôi là sự đồng lòng và đồng cảm trong vấn đề tuyên truyền, chúng ta không thể lãng tránh về trách nhiệm đối với lịch sử, với dân tộc”, ông Ngữ nhắc đi nhắc lại trong cuộc trò chuyện.

Ông Đặng Công Ngữ (phải) cùng ông Trần Thắng, Việt kiều định cư tại Mỹ, xem một bản đồ cổ khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Ảnh: SƠN TRUNG
Ông Đặng Công Ngữ (phải) cùng ông Trần Thắng, Việt kiều định cư tại Mỹ, xem một bản đồ cổ khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Ảnh: SƠN TRUNG

Ông Đặng Công Ngữ là chủ tịch đầu tiên của UBND huyện đảo Hoàng Sa vào năm 2009 khi Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm 10 địa phương không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường. Trong suốt nhiệm kỳ, ông đã sưu tầm, tập hợp và hệ thống nhiều tư liệu, kể cả những tài liệu gốc trong lịch sử đất nước và quốc tế, phục vụ công tác thông tin tuyên truyền.

Đặc biệt, để thực hiện kỷ yếu về Hoàng Sa, ngay từ khi mới nhậm chức Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, ông đã tổ chức hàng trăm chuyến đi đến nhiều vùng đất để gặp gỡ các nhân chứng sống, tiếp cận những hiện vật quý giá và tập hợp nhiều câu chuyện xúc động về nhân chứng Hoàng Sa; đồng thời có mặt ở hầu hết các cuộc triển lãm, buổi nói chuyện về Trường Sa - Hoàng Sa để giúp nhân dân, thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế hiểu rõ và đúng đắn về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Biết việc ông làm, nhiều người đã chủ động tặng UBND huyện đảo những tài liệu liên quan, làm phong phú thêm nguồn tư liệu lịch sử về chủ quyền biển đảo. Điển hình là việc ông Trần Thắng - Việt kiều Mỹ trao tặng nhiều tư liệu quý giá.

Chia sẻ về những việc đã làm trong thời gian công tác, ông Ngữ cho biết: “Mong ước lớn nhất của tôi là làm cho Hoàng Sa được nhiều người biết hơn, từ đó tạo thêm khí thế, tình cảm, trách nhiệm của người dân đối với Hoàng Sa.

Trong thời gian làm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, tôi luôn ý thức được trách nhiệm mà Đảng và Nhà nước giao, đồng thời thể hiện tình cảm của một người công dân đối với Tổ quốc; từ đó có những suy nghĩ và hành động thiết thực.

Cụ thể là sưu tầm tư liệu và đây cũng là thời kỳ tư liệu được sưu tầm nhiều nhất đến nay. Tôi nhận thấy cần phải lưu lại những hình ảnh, những câu chuyện sống động từ những nhân chứng sống mà chính bản thân họ là người trực tiếp tham gia.

Cũng từ đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh hơn, nhất là sau khi phát hiện tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh) xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa, Trường Sa.

Tư liệu này cùng với sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã làm dấy lên tình yêu nước của người dân đối với Hoàng Sa”.

Trước khi rời nhiệm sở, ông Đặng Công Ngữ khởi động dự án xây dựng Bảo tàng Hoàng Sa nằm trên đường Hoàng Sa (nay là Nhà trưng bày Hoàng Sa). Đây là nơi lưu giữ, giới thiệu với công chúng các hình ảnh, hiện vật về quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép.

Theo ông Ngữ, việc hình thành Nhà trưng bày Hoàng Sa là một dấu ấn quan trọng, bởi đây là một thiết chế về văn hóa, lịch sử của một đơn vị hành chính. Nhà trưng bày Hoàng Sa còn đóng vai trò quan trọng đối với công tác tuyên truyền và giáo dục để phục vụ cho công cuộc đấu tranh về mặt pháp lý để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

“Hiện nay, người dân đến tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa nhiều hơn, thể hiện sự quan tâm của họ đối với chủ quyền đất nước. Để thu hút ngày càng nhiều người tham quan thì nội dung trưng bày phải có sức hấp dẫn. Các hoạt động phải thiết thực nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước của người Việt đối với chủ quyền biển, đảo nói chung và đối với Hoàng Sa nói riêng”, ông Ngữ nhấn mạnh.

Theo ông Ngữ, trăn trở lớn nhất của ông là cần sự đồng lòng và đồng cảm trong vấn đề tuyên truyền, không thể lãng tránh về trách nhiệm đối với lịch sử, với dân tộc. Một trăn trở nữa là dù đã có Luật Tổ chức chính quyền địa phương cách đây 2 năm (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) trong đó có ràng buộc là nơi nào có chính quyền thì nơi đó phải có đầy đủ HĐND và UBND, nhưng huyện Hoàng Sa hiện vẫn chưa hội đủ yếu tố này.

“Chủ quyền quốc gia là tối thượng và cần có những việc làm cụ thể. Hoàng Sa cần có bộ máy chính quyền hoàn chỉnh. Mà giải pháp là lấy một số phường trên đất liền để nhập lại cho vừa có đất vừa có dân. Nếu làm được như vậy là thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay”, ông Ngữ đề nghị.

Dù vẫn còn nhiều dang dở, nhiều trăn trở nhưng nhìn lại những gì ông Ngữ đã cống hiến cho Hoàng Sa, đủ thấy rằng trong ông luôn có một tình yêu cháy bỏng và trọn vẹn với Hoàng Sa. Điều này hun đúc và thắp lên ngọn lửa mạnh mẽ về tình yêu quê hương, Tổ quốc, ý thức độc lập dân tộc trong lòng các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.