Cánh cửa mới cho hòa bình Nam Sudan

.

Ngày 13-8, vòng đàm phán hòa bình thứ 3 giữa các bên xung đột ở Nam Sudan bắt đầu tại thủ đô Khartoum của Sudan. Đây là một phần nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm đạt được nền hòa bình lâu dài cho đất nước rơi vào cuộc nội chiến kéo dài 5 năm này.

Phụ nữ và trẻ em Nam Sudan chờ nhận lương thực của Liên Hợp Quốc tại Juba, Nam Sudan.  Ảnh: Adriane Ohanesian/Reuters
Phụ nữ và trẻ em Nam Sudan chờ nhận lương thực của Liên Hợp Quốc tại Juba, Nam Sudan. Ảnh: Adriane Ohanesian/Reuters

Thảm họa nhân đạo do chính mình gây ra

Cuộc nội chiến nổ ra vào tháng 12-2013, chỉ 2 năm sau khi Nam Sudan độc lập. Khởi đầu là sự tranh giành quyền lực giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar. Xung đột lan rộng dẫn đến hỗn loạn với sự ra đời của khoảng 40 nhóm vũ trang khắp cả nước. Nội chiến khiến hơn 10.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, hàng triệu người mắc kẹt tại Nam Sudan đối mặt với nạn đói.

Đây là cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ khi xảy ra vụ diệt chủng ở Rwanda 24 năm trước. Cuộc xung đột vừa mang màu sắc bạo lực chính trị, vừa mang tính mâu thuẫn sắc tộc, thúc đẩy lạm phát và khiến hầu hết đất nước chìm trong nạn đói. Ông Valentin Tapsoba, đại diện Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tại châu Phi khẳng định: “Không cuộc khủng hoảng người tị nạn nào ngày nay khiến tôi lo lắng hơn là tại Nam Sudan”.

Theo UNHCR và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), tại đất nước có 12 triệu dân này, cứ 4 trẻ em thì 3 trong số đó không được đến trường. Hơn 1 triệu trẻ đã cùng cha mẹ trốn khỏi Nam Sudan trong khi 1 triệu em khác cùng gia đình chạy loạn trong nội địa quốc gia này. Các cơ quan Liên Hợp Quốc cũng cho biết thêm khoảng hơn 1.000 trẻ em đã bị giết hại trong cuộc chiến. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều khi không có số liệu chính xác được đưa ra. Phần lớn người dân Nam Sudan tị nạn tại các nước láng giềng như Uganda, Kenya, Sudan hoặc Ethiopia, những quốc gia nghèo khó, vốn đang vật lộn để cung cấp đủ lương thực và nguồn lực cho chính người dân của nước họ.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố ngày 14-3-2016 khiến nhiều người cảm thấy bị sốc về mức độ đáng sợ của tình trạng bóc lột phụ nữ trong cuộc nội chiến ở Nam Sudan. Bản báo cáo nói rằng, cả Chính phủ Nam Sudan do Tổng thống Salva Kiir lãnh đạo lẫn phe đối lập do Phó Tổng thống Riek Machar đứng đầu đã gây ra bạo lực với dân thường một cách có hệ thống. Hơn ai hết, nạn nhân của cuộc chiến này chính là phụ nữ. Họ chính là mục tiêu của binh lính vốn coi bạo lực tình dục như một công cụ đàn áp và hình thức trả công cho việc tham gia chiến đấu. “Đây là một trong những tình huống vi phạm nhân quyền khủng khiếp nhất thế giới. Hãm hiếp trở thành công cụ của khủng bố và vũ khí chiến tranh”, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Zeid Raad Al Hussein nói.

Giải pháp chính trị là chìa khóa

Mặc dù không có tình trạng hạn hán nào xảy ở Nam Sudan, nhưng đất nước này lại rơi vào nạn đói khi cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm qua. Ông Alan Boswell, chuyên gia phân tích xung đột đồng thời là một nhà văn ở đất nước này cho rằng: “Chỉ có giải pháp chính trị mới có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Nam Sudan, viện trợ lương thực không thể giải quyết nạn đói cho người dân quốc gia châu Phi này. Cuộc khủng hoảng này không phải ngẫu nhiên mà là sự cố tình”. Theo ông Boswell, chính phủ đã sử dụng chiến thuật “phong tỏa thực phẩm” làm vũ khí chiến tranh bởi các khu vực bị ảnh hưởng nạn đói đều có tranh chấp và là quê hương của tộc người Nuer bị các phiến quân kiểm soát. Tuy nhiên, lực lượng Chính phủ Nam Sudan và các nhóm phiến quân đối lập đều phủ nhận việc tiếp cận và tấn công các nhân viên cứu trợ và cướp bóc nguồn cứu trợ quốc tế. Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông Michele Sison, Phó đại diện Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cho rằng những trở ngại mà Chính phủ Nam Sudan gây ra đối với các hoạt động nhân đạo trong các khu vực nạn đói đang hoành hành là “biện pháp cố tình để sử dụng nạn đói làm một chiến thuật quân sự”.

Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo Nam Sudan chiến đấu để giành được độc lập, nhưng khi có độc lập vào năm 2011 thì lại bắt đầu cuộc nội chiến. Một cuộc chiến tranh thể hiện sự tàn bạo, giống như thảm sát dân tộc khi sử dụng lính trẻ em, hãm hiếp, nô lệ tình dục, giết người, tra tấn, bắt cóc. Các nhà phân tích cho rằng mặc dù thực phẩm có thể cứu sống nhiều sinh mạng, nhưng hiện giờ chỉ có hòa bình mới có thể cứu giúp người dân Nam Sudan thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng này. Tuy nhiên, hòa bình càng trở nên xa vời khi cộng đồng quốc tế dường như đã “tê liệt”, trong khi đó những kẻ khiến đất nước rơi vào lầm than lại không có ý định hạ vũ khí.

Nỗ lực giải quyết xung đột

Cuối tháng 6 vừa qua, Sudan đứng ra làm trung gian tổ chức một số vòng hòa đàm giữa hai phe đối lập tại Nam Sudan. Trong vòng đàm phán ở Kampala ngày 7-7 vừa qua, các bên đã nhất trí về thỏa thuận chia sẻ quyền lực, theo đó tuân thủ lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và rút quân khỏi các khu vực đô thị. Thỏa thuận này được đưa ra khi Liên Hợp Quốc yêu cầu các bên tại Nam Sudan phải chấm dứt xung đột và đi đến đạt được “một thỏa thuận chính trị khả thi”, nếu không Nam Sudan sẽ bị Liên Hợp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Đến ngày 5-8, các bên đối lập ở Nam Sudan đã ký kết thỏa thuận cuối cùng tại thủ đô Khartoum của Sudan về chia sẻ quyền lực và thiết lập lại an ninh. Như vậy, chính phủ chuyển tiếp sẽ có 35 bộ trưởng, gồm 20 người là đồng minh của ông Kiir và 9 người ủng hộ ông Machar cùng với những đại diện của các phe phái khác. Theo thỏa thuận, dự kiến Nam Sudan sẽ có 4 phó tổng thống, trong đó 2 người đang đương nhiệm và ông Riek Machar sẽ nắm giữ vị trí Phó tổng thống thứ nhất. Vị trí Phó tổng thống thứ 4 sẽ được trao cho một lãnh đạo nữ của phe đối lập.

Trong một động thái mới nhất, vào ngày 13-8, vòng đàm phán hòa bình thứ 3 giữa các bên xung đột Nam Sudan bắt đầu tại thủ đô Khartoum của Sudan, dự kiến kết thúc vào ngày 19-8. Ngoại trưởng Sudan Al-Dirdiri Mohamed Ahmed cho biết tại vòng đàm phán này, các bên liên quan sẽ thảo luận một số vấn đề chưa được giải quyết trong thỏa thuận hòa bình được ký kết hôm 5-8 vừa qua. Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Nam Sudan Michael Makuei Lueth cho biết các vấn đề nổi bật được thảo luận tại vòng này sẽ là quyền hạn của Tổng thống, Phó Tổng thống, đại diện trong cơ quan tư pháp cũng như xem xét lại phân chia hành chính của quốc gia và thành lập một số bộ mới.

Vui mừng trước kết quả khả quan trên, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul-Gheit ca ngợi thỏa thuận trên là cần thiết để đạt được hòa bình toàn diện, hướng tới khôi phục an ninh, ổn định và hòa giải dân tộc ở Nam Sudan. Ông Aboul-Gheit bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ chấm dứt sự phân chia và cuộc nội chiến. Ông này cũng đánh giá cao những nỗ lực chính trị của Chính phủ Sudan để tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên ở Nam Sudan.

Đoàn Gia Huy
 

;
.
.
.
.
.
.