Ích mẫu hạ áp điều kinh

.

Một nhà thơ từng ví von tác phẩm “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS.Đỗ Tất Lợi là một áng Kiều trong y học. Cuốn sách dược liệu này có một cách phân loại độc đáo khi đưa phần các cây thuốc và vị thuốc chữa bệnh phụ nữ lên hàng đầu, trong đó vị trí đầu tiên dành cho cây Ích mẫu.

“Ích mẫu hoạt huyết điều kinh/ Lại thêm hạ áp, kháng sinh, giảm phù”. Ảnh: P.C.T
“Ích mẫu hoạt huyết điều kinh/ Lại thêm hạ áp, kháng sinh, giảm phù”. Ảnh: P.C.T

Ích mẫu, còn có tên Sung úy, Cây chói đèn, tên khoa học Leonurus japonicus Houtt (đồng nghĩa L. heterophyllus Sweet), thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Ích mẫu là cây thảo sống hằng năm cao hơn 1m. Thân vuông, ít phân nhánh. Lá mọc đối, có gốc gần như tròn, mép có răng cưa rộng, các lá giữa dài, xẻ thùy, các lá ở ngọn ngắn, ít xẻ hoặc nguyên. Hoa trắng hồng hoặc tím hồng xếp thành vòng dày đặc ở nách lá. Quả nhỏ, có 3 cạnh, có màu nâu xám. Cây ra hoa tháng 3-5, có quả tháng 6-7. Dùng toàn cây làm thuốc gọi là Ích mẫu thảo, nếu lấy riêng quả gọi là Sung úy tử.

Ích mẫu là loài liên nhiệt đới mọc tự nhiên ở vùng đồng bằng và trung du, ít gặp ở vùng cao. Cây có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất là vào đầu mùa mưa. Cây ưa đất tơi xốp, thoát nước nhưng không kén đất nên có thể trồng nhiều. Cần xử lý hạt giống trước khi gieo. Sau khi trồng được 3-4 tháng, khi cây bắt đầu ra hoa thì cắt để lại các chồi gốc để cây tiếp tục phát triển. Thu hoạch cây vào lúc trời nắng, rửa sạch, dùng tươi, hay phơi trong râm để héo đem nấu cao, hoặc phơi khô để dùng dần.

Phân tích thành phần hóa học toàn cây Ích mẫu chứa leonurin, atachydrin, leonuridin. Ích mẫu Việt Nam chứa 3 alcaloid (trong đó có alcaloid có N bậc 4), 3 flavonosid (trong đó có rutin), 1 glucosid có khung steroid. Hạt chứa leonurin.

Theo Đông y,  Ích mẫu có vị hơi đắng, cay, tính hơi hàn, có tác dụng hoạt huyết điều kinh, khử ứ chỉ thống, lợi thủy tiêu thũng. Quả Ích mẫu có vị cay, đắng, tính hơi hàn, có tác dụng hoạt huyết điều kinh, làm mát gan, sáng mắt.

Các hoạt chất của Ích mẫu có tác dụng trên tử cung, huyết áp, tim mạch, hệ thần kinh, kháng sinh đối với một số vi trùng; ngoài ra có tác dụng đối với viêm thận và phù thũng cấp.

Ích mẫu thường được dùng chữa kinh nguyệt bế tắc, máu ứ tích tụ sau khi sinh đẻ, trước khi thấy kinh đau bụng hoặc kinh ra quá nhiều, làm an thai, giảm đau, làm dễ đẻ; còn chữa viêm thận, phù thũng, giảm niệu, đái ra máu, cao huyết áp. Hạt dùng vào thuốc phụ khoa, làm cho dạ con mau co lại, co tử cung, làm thuốc lợi tiểu và sáng mắt. Liều dùng 9-30g cây (thân lá) hoặc dùng 4,5-9g hạt, sắc nước uống. Cũng có thể dùng cây nấu cao. Dùng riêng hoặc phối hợp với Ngải cứu, Hương phụ, Nghệ đen. Dùng ngoài lấy cây tươi giã đặp trị mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, sưng vú và chốc đầu.

Đơn thuốc:

1. Kinh nguyệt không đều, thấy kinh trước kỳ (chu kỳ ngắn), kinh ít, đau bụng trước khi thấy kinh: Dùng 20g thân lá sắc uống 10 ngày kể từ ngày thứ 14 sau kỳ kinh. Hoặc dùng cao Ích mẫu 6-8g mỗi ngày.

2. Viêm thận cấp và phù thũng: Ích mẫu tươi 180-240g, nấu với 700ml nước và cô lại còn 300ml, chia 2 lần uống trong ngày.

3. Chữa sau khi đẻ phù thũng, hoặc có thai đi đứng nhiều, xuống máu chân: Dùng Ích mẫu 20g, Ngưu tất, Rau dừa nước mỗi vị 15g sắc uống.

4. Suy nhược toàn thân ở phụ nữ: Ích mẫu 30-60g, nấu với trứng gà hay thịt gà mà ăn.

5. Chữa can nhiệt, mắt đỏ sưng đau: Quả Ích mẫu, Cúc hoa, hạt Muỗng, hạt Mào gà trắng, Sinh địa, mỗi vị 10g, sắc nước uống.

6. Cao Hương ngải: Đây là bài thuốc của GS.TS. Đỗ Tất Lợi bào chế, dùng Ích mẫu, Ngải cứu, Hương phụ, Bạch đồng nữ mỗi thứ 1-2g, sắc cô đặc còn 10ml, thêm đường đóng ống hấp tiệt trùng. Ngoài công dụng chữa bệnh phụ khoa (kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, khó sinh nở, khí hư bạch đới) còn có tác dụng hạ huyết áp nên về sau đổi tên là thuốc ống HA1.

Nếu không có thuốc đóng ống sẵn, có thể dùng bài thuốc thành phần như trên với liều 4-6g mỗi vị, sắc 300ml nước giữ sôi trong nửa giờ, thêm chút đường, chia uống 2 lần trong ngày.

PHAN CÔNG TUẤN
 

;
.
.
.
.
.
.