Bảo vật Ngũ Hành Sơn "lưu lạc" trên đất Pháp

.

Ở danh thắng Ngũ Hành Sơn, ngoài các di tích của người Việt còn nhiều di tích Chăm rất độc đáo nằm rải rác cả dưới chân và trong các hang động trên núi. Đặc biệt, một pho tượng Chăm rất quý hiếm tại đây đã trở thành “bảo vật” tại Bảo tàng Văn hóa Á châu - Guimet của Pháp.

Phù điêu Vishnu-Garuda Ngũ Hành Sơn tại Pháp.
Phù điêu Vishnu-Garuda Ngũ Hành Sơn tại Pháp.

Những di tích Chăm hiện còn ở Ngũ Hành Sơn

Vùng chân núi Ngũ Hành Sơn còn lại nhiều dấu tích về đời sống tôn giáo tín ngưỡng khá phong phú của người Chăm. Vào năm 2000, trong một cuộc khai quật được thực hiện ở phía nam ngọn Thổ Sơn, các nhà khảo cổ thu thập được nhiều hiện vật có nguồn gốc từ Trung Hoa và văn hóa Sa Huỳnh, còn thấy nhiều đồ sứ, gạch ngói Chăm có chất liệu và niên đại giống với những hiện vật khai quật được trước đó ở Cù Lao Chàm và Trà Kiệu.

Còn trên núi tại động Tàng Chơn, trong hang tối có linga-yoni bằng đá được thờ rất trang trọng. Linga ở đây có hai phần đều có dạng hình trụ nhưng không đều nhau, phần trên là khối trụ lục giác nhỏ, phần dưới cũng là khối trụ lục giác nhưng lớn và dài hơn.

Còn yoni là khối tròn, xung quanh trang trí hình vú phụ nữ căng tròn đầy sức sống, tượng trưng cho sự trù phú.

Trước sân chùa Linh Ứng có một đài thờ với chiều dài 0,9m, ngang 0,47m, cao 0,6m được chạm trổ cả 3 mặt. Đây là đài thờ mang phong cách Đồng Dương nhưng có kiểu chạm khắc khá lạ so với các đài thờ ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Trong động Huyền Không có đền thờ nữ thần Po Inư Nagar. Tượng của nữ thần được trang trí trong ngôi đền nhỏ được phủ một lớp sơn có màu sắc khá rực rỡ. Hai tai to và trĩu nặng xuống, tóc dựng đứng, thế ngồi theo phong cách Ấn Độ, người dân thường gọi là đền “Bà chúa Ngọc”.

Tại đây còn có một bệ thờ có hình chữ L, cao 70cm, dài 80cm. Bệ đá phía trên trang trí chim thần, đây là con vật biểu trưng của thần Vishnu, tượng trưng cho sự bình an. Bên dưới là hình một vị thần đang ở tư thế dâng cúng với một chân co, một chân duỗi; hai tay nâng một vật đưa về phía trước.

Phía trước là vị thần đầu sư tử, mình người đang đứng quay lại. Đây là một trong những tác phẩm độc đáo nhất của người Chămpa còn lưu lại ở Ngũ Hành Sơn.

Phù điêu Vishnu-Garuda Ngũ Hành Sơn tại Pháp

Tại Bảo tàng Guimet (tên đầy đủ là Musée National des Arts Asiatiques-Guimet - Bảo tàng quốc gia Nghệ thuật châu Á-Guimet) ở tại số 6 quảng trường Léna thuộc quận 14 thành phố Paris (Pháp) có một bức tượng Vishnu-Garuda có nguồn gốc từ Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng.

Cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết tượng được phát hiện vào thời điểm nào và bằng con đường nào đã lưu lạc sang tận Pháp.

Tượng Vishnu-Garuda Ngũ Hành Sơn có kích thước tương đối nhỏ, chỉ dài 39cm, dày 22cm và cao 58cm. Trong số 3 tượng tương tự tìm được ở nước ta thì tượng Ngũ Hành Sơn thuộc nhỏ nhất (Tượng Miếu Bà ở Hạ Nông Trung, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có kích thước lớn nhất (rộng 80cm, dày 33cm, cao 65cm - dù đã bể mất phần trên); còn tượng tìm được ở Quy Nhơn đang lưu giữ tại Bảo tàng Guimet cao 69cm, rộng 69cm và dày 18cm).

Tượng có hình thần Vishnu cưỡi trên cổ con chim thần Garuda. Toàn bộ pho tượng thể hiện một cách cân đối và cân xứng, hai nhân vật gắn liền nhau trên một trục thẳng đứng. Thần Vishnu mình trần mặc một cái quần dài xuống tận đầu gối.

Trên đầu đội một chiếc mũ cứng hình trụ cao sáu cạnh hình chóp nón, được siết chặt vào trán bằng một vương miện. Trán có một vòng hoa. Khuôn mặt khá sinh động với cặp mắt to, lông mày cong nổi cao, ria mép cong gắn liền với môi trên; miệng mỉm cười, tai to và dài. Thần chỉ còn 2 tay, tay trái sau nắm cái vỏ sò sankha (tượng trưng cho bầu trời), tay phải trước cầm quả đất bhumi (tượng trưng cho cõi nhân gian).

Chim thần Garuda có thân hình béo mập, bụng phệ, chân chim, hai cánh cụp vào trong, hai tay nắm chặt hai chân của thần Vishnu, mắt tròn mở lớn.

Về ý nghĩa tượng, như ta biết Garuda là chim thần đại bàng, vua của các loài chim, vật cưỡi của thần. Còn Vishnu mặc dù đứng sau vị thần Brahma trong Tam vị (Brahma-Vishnu-Shiva) của Hindu giáo nhưng là vị thần nổi trội nhất, là vị thần bảo tồn mang tính người nhất với những thuộc tính và mối cảm thông của thần đối với con người.

Các hóa thân của thần chính là để hoàn thành công việc cần thiết tối thượng: Bảo vệ cho sự tồn tại của con người. Bất kỳ nơi nào những thế lực độc ác bắt đầu thống trị thì thần Vishnu-vị thần bảo vệ tối cao-từ thiên giới sẽ giáng trần để cứu vớt con người khỏi các thế lực độc ác.

Tượng Vishnu-Garuda Ngũ Hành Sơn là di vật độc đáo trong truyền thống nghệ thuật Chăm, bởi đây là loại hình nghệ thuật độc đáo và phổ biến của truyền thống điêu khắc Chăm và Hindu giáo nhưng lại hiếm ở nước ta. Cả nước chỉ phát hiện được có 3 tượng trong đó khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng đã chiếm hết 2.

Cùng với tượng của Quy Nhơn và Miếu Bà, dù ít ỏi nhưng nó chứng minh cho truyền thống khá liên tục và lâu dài của loại hình điêu khắc thể hiện Vishnu-Garuda của Chămpa, một trong hai dòng nghệ thuật Vishnu-Garuda của Đông Nam Á (dòng kia là của Hindu Java).

Tượng Vishnu-Garuda Ngũ Hành Sơn có niên đại sớm nhất trong ba tượng Vishnu-Garuda được phát hiện ở nước ta. Một số nhà nghiên cứu cho rằng ít nhất nó có niên đại thế kỷ IX thuộc phong cách Đồng Dương. Nhưng nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh lại khẳng định nó thuộc thế kỷ thứ VIII theo phong cách Mỹ Sơn E1 (Tượng Quy Nhơn đầu thế kỷ X với phong cách Khương Mỹ, còn tượng Miếu Bà trễ hơn thuộc thế kỷ X và phong cách Trà Kiệu).

Đặc biệt, tượng Vishnu-Garuda Ngũ Hành Sơn là “bảo vật” đã bị lưu lạc sang tận trời Tây vì lý do “lịch sử” chứ không phải lý do “văn hóa”. Dẫu biết rằng những giá trị văn hóa là tài sản chung của nhân loại, nhưng nhiều người mong muốn tượng Vishnu-Garuda Ngũ Hành Sơn được trưng bày trên chính quê hương của nó - Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cùng với câu chuyện phiêu lưu đầy lý thú, thay vì “lưu lạc” xa tít tắp tận phía trời Tây!

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.
.