Cần cơ chế, chính sách mới tạo đột phá cho Đà Nẵng

.

Hội thảo “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” do thành phố tổ chức mới đây thu hút nhiều ý kiến đóng góp rất quan trọng của các nhà khoa học, bộ, ngành, nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước.

Các ý kiến đề xuất có điểm chung là để Đà Nẵng tiếp tục phát triển bền vững, cần có cơ chế, chính sách mới tạo động lực cho thành phố tiếp tục bứt phá vượt lên. Đà Nẵng không chỉ phát triển cho riêng mình mà phải là một cực phát triển có vai trò dẫn dắt, lan tỏa phát triển của khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Báo Đà Nẵng ghi nhận một số ý kiến.

TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Quy hoạch Đà Nẵng cần bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng đô thị biển-sông-núi. Đây là lợi thế hiếm có của Đà Nẵng so với các đô thị trên thế giới. Trong ảnh: Một góc Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: VIỆT DŨNG
TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Quy hoạch Đà Nẵng cần bảo tồn và phát triển bản sắc đặc trưng đô thị biển-sông-núi. Đây là lợi thế hiếm có của Đà Nẵng so với các đô thị trên thế giới. Trong ảnh: Một góc Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: VIỆT DŨNG

TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Quy hoạch để phát triển bền vững

Với tổng diện tích 128.543ha, Đà Nẵng hiện là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia.

Trong bối cảnh đó, để đáp ứng chủ trương quy hoạch phát triển thành phố Đà Nẵng một cách bền vững, tôi đề xuất các định hướng chiến lược phát triển không gian đô thị thành phố Đà Nẵng một cách hài hòa giữa việc phát triển tiềm năng đô thị của thành phố với việc bảo tồn giá trị di sản quy hoạch kiến trúc và môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

Đà Nẵng nên vận động để được Trung ương giao trách nhiệm “đại diện Trung ương” trong việc lãnh đạo chính quyền vùng đô thị, chủ động hơn trong việc giúp điều phối và phân bổ ngân sách Trung ương cho các dự án kết nối vùng đô thị và các dự án  hợp tác vùng đô thị. Điều đó sẽ giúp cho hiệu quả kinh tế-xã hội của các dự án được nâng cao đáng kể hơn nhiều so với hiện nay.

Bản sắc của thành phố Đà Nẵng phát triển với đặc trưng của đô thị biển - sông - núi. Đây là lợi thế hiếm có của Đà Nẵng so với các đô thị trên thế giới. Phát triển đồng bộ đô thị xanh tương lai với bao cảnh sông hồ, núi đồi, biển khơi và với bản sắc văn minh, hiện đại, đặc trưng cho đô thị Việt Nam phát triển trong thế kỷ 21.

Phát triển theo hướng quy hoạch xanh và kiến trúc xanh, trong đó không những quy hoạch tổng thể toàn thành phố, mà cả quy hoạch chi tiết của từng dự án cần được phát triển trên tiêu chí gắn bó với thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Lợi thế về tài nguyên và bao cảnh thiên nhiên giúp Đà Nẵng dễ dàng hơn trong việc phát triển theo hướng quy hoạch xanh và kiến trúc xanh. 

Đà Nẵng cần tạo lập một môi trường an cư lạc nghiệp, trở thành đô thị đáng sống-sống tốt tiêu chuẩn quốc tế, đem lại cơ hội sống và làm việc hấp dẫn hàng đầu châu Á, thu hút cư dân từ các tỉnh, thành trên toàn quốc cũng như từ các nước tiên tiến trên thế giới đến định cư hoặc tạm trú dài hạn.

Phát triển theo hướng Đô thị thông minh (Smart City) là một xu hướng toàn cầu hiện nay, trong đó Đà Nẵng có nhiều thuận lợi trong việc tận dụng lợi thế của người đi sau, tiếp thu chọn lọc các bài học kinh nghiệm từ các nước tiên tiến trên thế giới.

Hướng đến vị thế đô thị toàn cầu, Đà Nẵng cần phát huy bản sắc riêng của mình, thông qua việc xây dựng vai trò các khu đô thị với bản sắc riêng và hoạt động kinh tế đặc thù, như khu đô thị sân bay quanh sân bay Đà Nẵng; khu đô thị biển quanh cảng biển và dọc theo các khu du lịch biển; khu đô thị sông nước ở hai bên sông Hàn; khu đô thị đại học gắn liền với các khu đại học và khu công nghệ cao…

Đà Nẵng nên có chính sách đặc biệt ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong giúp phát triển khu đô thị sáng tạo tại các vùng đất còn kém phát triển (như khu vực phía tây nam, phía tây và phía bắc Đà Nẵng), sao cho các doanh nghiệp sáng tạo sẽ là nhân tố quan trọng giúp hình thành động lực phát triển cho các khu vực này.

TS Trần Du Lịch:Tạo động lực mới

Đối với thành phố Đà Nẵng hiện nay, động lực chính của tăng trưởng kinh tế đang hết dần dư địa huy động. Trong khi đó, các cơ chế tài chính, ngân sách ưu đãi cũng như các chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, đầu tư, phân cấp quản lý… nhìn chung chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực và sức bật cần thiết để Đà Nẵng tăng tốc phát triển nhanh, bền vững. Thành phố cần những động lực mới để phát triển nhanh hơn, tạo lan tỏa và dẫn dắt phát triển mạnh hơn.

Đà Nẵng cần kiến nghị, đề xuất:

Nhóm chính sách và cơ chế thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế Đà Nẵng có lợi thế cạnh tranh với 4 trụ cột kinh tế chính: (1) dịch vụ du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; bao gồm việc quy hoạch và đầu tư xây dựng vịnh Đà Nẵng với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng; (2) cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; (3) phát triển công nghệ cao, gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; (4) công nghiệp công nghệ thông tin.

Cần xác định vị trí, vai trò của Đà Nẵng trong liên kết phát triển vùng và xây dựng vùng đô thị Đà Nẵng.
Một số cơ chế và chính sách nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững Đà Nẵng cần phát huy hơn nữa vai trò trong Hội đồng vùng nhằm thúc đẩy liên kết phát triển 4 lĩnh vực chủ yếu của Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung mà hiện nay vẫn thiếu, đó là: phân bố lực lượng sản xuất; xây dựng giao thông kết nối; đào tạo nguồn nhân lực và thị trường lao động chung và bảo vệ môi trường chung. UBND thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ, tổ chức cơ quan chuyên trách của Hội đồng vùng nhằm tham mưu và tổ chức các hoạt động của vùng. Quy hoạch Vùng đô thị Đà Nẵng nhằm hình thành chuỗi đô thị từ Lăng Cô đến Dung Quất, trong đó trọng tâm là tam giác: Đà Nẵng-Điện Bàn-Hội An. Xây dựng cơ chế liên kết phát triển giữa Vùng KTTĐ miền Trung với 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai.

Chủ động chia sẻ ý tưởng với các địa phương trong vùng, trong đó nêu rõ những lợi ích chung của toàn vùng và của từng địa phương những dự án đầu tư mang tính chất liên vùng để cùng kiến nghị với Chính phủ. Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng hiện nay cần xin mở rộng chức năng và quy mô hoạt động để trở thành công cụ tài chính của chính quyền địa phương; đóng vai trò đối tác Nhà nước trong việc huy động vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là phục vụ cho các công trình trọng điểm; có thể tổ chức như mô hình công ty tài chính Nhà nước.

Thành phố cần xin thí điểm một số nội dung phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa Trung ương và thành phố Đà Nẵng để xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Theo đó, thành phố sẽ thực hiện thí điểm về 3 cơ chế (phân cấp, phân quyền, ủy quyền) trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước trên địa bàn như sau: Thẩm quyền ban hành văn bản lập quy; tổ chức bộ máy hành chính; trong lĩnh vực tài chính công; trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch và đầu tư.

Nhóm nghiên cứu Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright: Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm logistics miền Trung

Định hướng phát triển cụm ngành logistics tối ưu cho Đà Nẵng là xây dựng một chương trình hợp tác liên kết các tỉnh miền Trung, trong đó Đà Nẵng sẽ là nơi tập trung hàng container xuất nhập khẩu. Theo hướng này, Đà Nẵng có thể đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu và hướng đến xây dựng một trung tâm logistics gần cảng.

Khi đó, Đà Nẵng có thể tận dụng được nguồn hàng từ các khu kinh tế và khu công nghiệp trong vùng. Khu vực cảng Liên Chiểu gần ga hàng hóa Kim Liên, nằm trên trục đường sắt bắc-nam, trục quốc lộ 1A và đường cao tốc bắc - nam nên việc hình thành trung tâm logistics cũng sẽ giúp phát triển hình thức vận tải đa phương thức.

TS Trần Du Lịch: Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics là một trong 4 trụ cột kinh tế mà Đà Nẵng có lợi thế. Trong ảnh: Toàn cảnh cảng Tiên Sa.         Ảnh: Dương Xuân Bình
TS Trần Du Lịch: Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics là một trong 4 trụ cột kinh tế mà Đà Nẵng có lợi thế. Trong ảnh: Toàn cảnh cảng Tiên Sa. Ảnh: Dương Xuân Bình

Trung tâm sẽ bao gồm mọi hoạt động liên quan đến vận tải, giao nhận, kho bãi, phân phối hàng hóa và hoạt động phụ trợ như bảo dưỡng phương tiện vận tải, giao nhận, hải quan, tài chính, bảo hiểm…; từ đó, sẽ là lực đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành. Như vậy, khi đã hình thành trung tâm logistics Liên Chiểu thì Đà Nẵng không cần xây dựng thêm một trung tâm logistics khác ở Hòa Nhơn theo quy hoạch như hiện tại.

Tuy nhiên, chương trình phát triển trên sẽ không khả thi nếu không hình thành được cơ chế hợp tác liên vùng. Trước mắt, Đà Nẵng vẫn nên đầu tư khu trung tâm logistics Hòa Nhơn nhằm phục vụ cho nhu cầu trạm dừng của tuyến vận tải đường dài bắc-nam.

Trước nguồn vốn đầu tư công rất giới hạn, phương thức đầu tư khả thi để phát triển toàn bộ khu logistics là đối tác công tư (PPP). Công ty PPP Trung tâm Logistics sẽ được thành lập trên cơ sở góp vốn chủ sở hữu của tổ hợp các nhà đầu tư là doanh nghiệp cảng, vận tải, kho bãi giao nhận và các quỹ đầu tư.

Phần tham gia của Nhà nước là đền bù, giải tỏa và cấp đất sạch cho công ty PPP, tùy theo tính khả thi tài chính của dự án nhưng mức hỗ trợ tối đa là miễn hoàn toàn tiền sử dụng đất. Vốn Nhà nước (từ Trung ương) cũng cần được sử dụng để tài trợ cho việc đầu tư đường sắt kết nối. Công ty PPP trên cơ sở trách nhiệm hữu hạn sẽ huy động vốn vay từ các tổ chức tài chính, mà không cần bảo lãnh của Nhà nước.

SƠN TRUNG tổng hợp

;
.
.
.
.
.
.