Chuyện dài về nguồn nhân lực

.

Có rất nhiều yếu tố để đem lại niềm tin của người dân đối với nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu của họ tại địa phương. Trong đó, câu chuyện về con người luôn đóng vai trò then chốt. Hiện Đà Nẵng có 56 trạm y tế phường, xã nhưng còn thiếu 35 bác sĩ. Các trạm y tế đang phải “giật gấu vá vai” để bảo đảm chất lượng trong công tác khám chữa bệnh cho người dân.

Bác sĩ Lê Lai trong một buổi khám bệnh. Ảnh: V.T.L
Bác sĩ Lê Lai trong một buổi khám bệnh. Ảnh: V.T.L

Tháng 7 năm 2005, bác sĩ (BS) Lê Lai từ đồng bằng lên nhận nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm Y tế (TYT) xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Miền núi Hòa Phú bấy giờ đường sá còn khó khăn, dân cư thưa thớt, mưa lũ triền miên, lại có một thôn là người Cơ tu.

Lúc đó, BS Lai nhớ lại, Sở Y tế thành phố chọn một xã khó khăn nhất, lên làm việc với UBND, Phòng Y tế, TTYT huyện để tập trung mọi nguồn lực, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị... để xây dựng TYT đạt chuẩn quốc gia. Cùng với sự quan tâm của xã Hòa Phú, sự nỗ lực của đội ngũ nhân lực của trạm, một năm sau, TYT Hòa Phú được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1.

Không dừng lại ở đó, “đầu xuôi đuôi lọt”, TYT Hòa Phú tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thuốc thiết yếu, nhân lực... để 12 năm sau, tháng 1-2018, đạt yêu cầu theo Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 (theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 7-11-2014 của Bộ Y tế).

Trạm hiện có 6 người, 1 bác sĩ, 1 dược sĩ đại học, 1 cử nhân nữ hộ sinh, 1 y sĩ, 1 điều dưỡng, 1kỹ thuật viên xét nghiệm. So với Bộ tiêu chí thì còn thiếu một y sĩ Đông y. Trong thời gian chờ TTYT huyện tổ chức thi tuyển để bổ sung về cho trạm (dự kiến tháng 10 tới), TTYT tăng cường một y sĩ Đông y về khám chữa bệnh hai buổi mỗi tuần.

Sở Y tế cấp về cho trạm một máy siêu âm, Đại học Quốc gia Kyungpook (Hàn Quốc) tặng một máy điện tim và một máy đo huyết áp cao cấp. BS Lai ra Huế học cách sử dụng máy điện tim và đọc kết quả. Trước, các bệnh nhân bị tăng huyết áp, hen phế quản, tiểu đường... phải chuyển lên tuyến trên.

Nay tất cả được quản lý theo chương trình bệnh không lây nhiễm tuyến phường/xã cùng với máy móc chuyên dụng nên người dân không phải đi đâu xa mà được điều trị ngay tại TYT và được theo dõi mỗi tháng một lần.

Hòa Vang hiện có 11 TYT (100%) xã đạt yêu cầu theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 và được cấp phép khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định. Tuy nhiên, chỉ mới có 7/11 TYT có bác sĩ (trong đó có một BS sắp về hưu trong tháng 10-2018); các trạm còn lại TTYT phải cử bác sĩ luân phiên theo Đề án 1816 để hỗ trợ chuyên môn 2 buổi/tuần, gồm các xã Hòa Châu, Hòa Nhơn, Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Tiến.

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, huyện dần dần bổ sung điều chuyển con người phù hợp để tránh tình trạng thiếu chức danh nghề nghiệp (bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh, dược…). Riêng do trước đây khi các TYT còn chức năng đỡ đẻ tại trạm nên có vài TYT còn có 2 chức danh nữ hộ sinh, tuy nhiên dần dần điều chuyển và cho đi đào tạo thêm để bảo đảm nhiệm vụ mới.

Đồng thời, năm 2018, Trung tâm đang tuyển dụng thêm 8 nhân sự cho các vị trí y sĩ, y sĩ y học cổ truyền, phục hồi chức năng để bổ sung cho các vị trí đang thiếu.

Nhân lực “chính quy” và “không chính quy”

Ở quận Ngũ Hành Sơn, BS Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc TTYT quận cho biết toàn quận có 4 TYT đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Trong đó, chỉ TYT Hòa Quý ở xa TTYT là có BS. Số còn lại được TTYT cử BS đến khám bệnh 3 ngày mỗi tuần.

Với quận Liên Chiểu, cả 5 TYT tại 5 phường đều đạt bộ tiêu chí về y tế. Theo BS Lê Văn Sỹ, Giám đốc TTYT quận, chuyên môn của đội ngũ nhân lực ở 5 TYT này còn thiếu so với bộ tiêu chí. Thứ nhất, chỉ mới có 2/5 TYT có BS làm việc thường xuyên (các trạm còn lại phải tăng cường BS về từ TTYT) và thiếu cán bộ thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Thứ hai, TYT không thể thực hiện được các xét nghiệm vì không có cán bộ y tế chuyên ngành xét nghiệm, nếu thực hiện sẽ bị xuất toán kể cả làm những xét nghiệm nhanh về chỉ số đường máu.

Cũng như huyện Hòa Vang, để khắc phục tình trạng thiếu hụt nay, sắp đến TTYT quận Liên Chiểu sẽ tuyển dụng BS cho TYT phường; nếu không tuyển dụng được thì Trung tâm sẽ tăng cường luân phiên BS xuống TYT theo quy định.

Y sĩ Đoàn Thị Phương Thảo, Trạm phó phụ trách TYT phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, sắp tới Trung tâm sẽ điều động BS về trạm để bảo đảm chuyên môn cho việc khám chữa bệnh ban đầu tại địa phương.

Quyết định chất lượng hoạt động của TYT các phường/xã không chỉ ở nhân lực “chính quy” mà còn có sự đóng góp không nhỏ của nguồn nhân lực “không chính quy”, đó là đội ngũ cộng tác viên (CTV).
Huyện Hòa Vang hiện có 148 nhân viên y tế thôn bản hoạt động tại 119 thôn, tất cả các CTV y tế thôn bản này đều đã qua đào tạo theo quy định.

Ví như Hòa Phú, xã miền núi này hiện có 1.317 hộ với 5.098 nhân khẩu, đông dân hơn 2 xã miền núi khác là Hòa Ninh và Hòa Bắc. Cả xã có 10 thôn nhưng có đến 12 CTV y tế, bởi hai thôn Phú Túc (có 125 hộ người Cơ tu) và Đông Lâm đều đông dân nên mỗi thôn cần đến 2 CTV.

BS Lai cho biết, ngoài phụ cấp hằng tháng 650.000 đồng/người, các CTV còn được TTYT huyện hỗ trợ BHYT. Những ngày đi phòng, chống dịch bệnh, CTV được UBND xã hỗ trợ 100.000 đồng/người tiền xăng xe đi lại.

Ở quận Liên Chiểu, các CTV Dân số - Sức khỏe cộng đồng đã đóng góp rất tích cực vào các hoạt động của chương trình mục tiêu về y tế. Tuy nhiên, một số CTV hằng năm đều có sự thay đổi, một số bận rộn nhiều công việc khác nên cũng có phần hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ. Đôi lúc người dân phản ánh họ không nhận được thông báo từ các CTV về lịch tiêm chủng, khám sức khỏe... “Giải pháp khắc phục là nhắc nhở và động viên họ làm tốt hơn”, BS Sỹ chia sẻ.

Ở Đà Nẵng, tổng số lao động cơ hữu hiện có đang hoạt động tại 56 TYT phường/xã hiện nay là 351 người, trong đó có 21 bác sĩ; 71 điều dưỡng; 129 y sĩ; 12 kỹ thuật viên; 73 hộ sinh; 3 dược sĩ (DS) đại học; 4 DS cao đẳng; 35 DS trung cấp; 2 dược tá; 1 cán bộ chuyên ngành khác.

Ngoài ra, tại tuyến phường/xã còn có 1.843 CTV Dân số-sức khỏe cộng đồng, được hưởng mức trợ cấp bằng 0,2 mức lương cơ bản, được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để tham gia các hoạt động về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các địa phương.

Nguồn: soyte.danang.gov.vn

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.