Con đang ở đâu?!

.

“Con đang ở đâu?!” không chỉ là câu hỏi thổn thức của cha mẹ khi con cái vuột khỏi tầm tay của gia đình mà còn là câu hỏi ngập tràn cô đơn của những đứa trẻ phải chứng kiến cha mẹ vỡ tan, lạc lõng trong tổ ấm gia đình...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Những đứa trẻ cô đơn

Cách đây chưa lâu, chúng tôi có dịp tiếp xúc với em H.L.N (SN 2001) và N.T.T (SN 2004) - 2 trong 5 đối tượng vừa bị bắt giữ vì hành vi cướp tài sản. Dường như chưa hiểu rõ về những điều sắp phải đối diện, những đứa trẻ vô tư cười đùa. Thế nhưng, khi chúng tôi nhẹ nhàng hỏi thăm về nguyên cớ phạm tội, gương mặt của N. và T. thoáng chốc chùng lại, ánh mắt hằn sâu nỗi cô đơn khó diễn tả hết bằng lời.

Không còn giọng bông đùa, những đứa trẻ tâm sự như trút nỗi lòng. T. kể, cha tảo tần với nghề thợ mộc, mẹ bươn chải làm công nhân nhưng thu nhập chỉ đủ chi tiêu trong gia đình. Vậy mà tổ ấm nhỏ của em luôn ngập tràn niềm vui và tiếng cười.

Từ lớp 1 đến lớp 7, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tuy nhiên, hạnh phúc chẳng tày gang, cuộc sống gia đình bắt đầu xuất hiện tiếng cãi vã của cha mẹ. Mỗi khi cha mẹ lớn tiếng với nhau, em chỉ biết trốn vào một góc khóc thầm.

Năm 2017, cha mẹ em chính thức đường ai nấy đi. Nỗi uất ức vì bị chồng bội bạc khiến người mẹ không ngừng chì chiết với con trai. Cú sốc về sự đổ vỡ của cha mẹ khiến em chênh vênh, tìm đến thế giới trò chơi trực tuyến để khỏa lấp. Cũng từ đây, em kết giao với bạn bè xấu và bị rủ rê phạm tội.

“Chiếc xe đạp của em hỏng rồi. Em định đổi xe mới”, cậu học trò 14 tuổi trả lời khi được hỏi lý do đi cướp.

Trong khi đó, cậu bé N. lại lo lắng hỏi: “Em bị bắt, mấy chú công an có thông báo về gia đình không ạ? Em sợ ông bà ngoại biết mình đi cướp”. Chúng tôi thắc mắc: “Sao em không sợ cha mẹ biết mà sợ ông bà biết?”.

Thở dài thườn thượt, gương mặt cậu nhóc 17 tuổi như già hơn mươi tuổi khi buông thõng: “Cha mẹ ly hôn, em ở với ông bà ngoại”. “Sợ ông bà buồn sao em lại làm điều sai?”. N. lí nhí: “Em thích games mà không có tiền chơi”.

Tuổi thơ của N. cũng gắn liền với chuỗi ngày cha mẹ cãi nhau. Cha mẹ ly hôn khi N. còn nhỏ xíu, mẹ đi thêm bước nữa, còn cha chưa một lần trở về thăm con. Từ đó, N. tựa nương vào tình yêu thương của ông bà ngoại mà lớn lên.

Dẫu vậy, sự quan tâm của ông bà vẫn không thể lấp đầy khoảng trống thiếu hụt tình cảm của cha mẹ trong trái tim trẻ thơ. “Mỗi lần đến trường, em đều nghe bạn bè thì thầm về việc mình không cha và mẹ kết hôn với người khác. Em mặc cảm, không dám đi học nữa...”, giọng N. chua chát.

Giấu ông bà, N. xem quán trò chơi trực tuyến như nơi trú ẩn cho những giờ lên lớp. Cuối cùng, sự việc vỡ lở, N. chính thức ngừng việc học khi đang dở dang lớp 6. Ban ngày, N. sửa xe phụ ông ngoại. Buổi tối, N. lại chìm đắm trong thế giới ảo để quên đi nỗi cô đơn bủa vây.

Hôm ấy là một ngày nặng trĩu tâm tư đối với chúng tôi. Nhiều ngày sau đó, câu nói của T. vẫn còn ám ảnh đến nhói lòng: “Đến bây giờ, em cũng không biết tại sao cha lại có thể bỏ rơi mẹ con em?”. Đáng buồn hơn, T. hay N. không phải là số ít những đứa trẻ lạc lối khi cha mẹ ly hôn. 

Đến bây giờ, chúng tôi vẫn còn nhớ như in câu hỏi day dứt của vị kiểm sát viên tại một phiên tòa lưu động: “Trẻ thơ như búp trên cành, như mầm măng non, như tờ giấy trắng... Để trẻ con sống cuộc đời như thế này, trách nhiệm của người lớn nằm ở đâu?”.

Hai bị cáo nữ, L.T.H và L.T.L trong vụ án “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cướp tài sản” hôm ấy tròn tuổi 16 chưa bao lâu.

Phía sau hành vi phạm tội của các em có khoảng trống rất lớn về tình thương, sự quan tâm của mẹ cha. H. và L. là chị em họ bên nội, đều lớn lên trong hoàn cảnh gia đình tan tác, cha mẹ ly hôn. Hai người mẹ đi bước nữa, H. và L. phải nương nhờ tình thương từ hai người bà tuổi cao, sức yếu.

Cả hai bỏ ngang việc học khi mới 13-14 tuổi, rời nhà tha phương kiếm sống. Những va vấp cuộc đời quá sớm đã đẩy hai thiếu nữ vào vòng xoáy đen ma túy. Mỗi lần lên cơn nghiện, những đứa trẻ cấu xé thân thể mình, dùng mảnh chai cứa, dùng điếu thuốc lá dụi khiến hai cánh tay chằng chịt vết sẹo...

Cũng trượt dài trong nỗi cô đơn khi cha mẹ ly hôn, cô gái T.T.B.C (SN 1995) dần trở nên ương bướng. Đang sống cùng ông bà ngoại, C. bỏ ngang việc học, rời nhà ra đi, rày đây mai đó với bạn bè xấu. Chưa tròn 18 tuổi, C. sinh con rồi gởi nhờ ông bà ngoại chăm sóc.

Cũng như H. và L., C. tìm đến ma túy như một sự cứu rỗi cho nỗi chênh vênh trong lòng. Để rồi, càng đi càng sai, cô gái trẻ vướng vòng lao lý vì mua bán trái phép chất ma túy. Hôm ra tòa, C. nức nở: “Giá như tôi có một mái ấm hạnh phúc, có cha mẹ yêu thương, bày vẽ thì cuộc đời tôi đã không đi đến bước đường như thế này...”.

Hãy nghĩ cho trẻ nhiều hơn

Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) chia sẻ, hiện nay, án ly hôn đang ngày càng nhiều, hôn nhân của các cặp vợ chồng dễ đổ vỡ hơn. Ly hôn không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người trong cuộc mà còn tác động tiêu cực đến những người thân, đặc biệt là con cái.

“Với bất kỳ cuộc hôn nhân tan vỡ nào, hậu quả để lại đều rất lớn, nhất là con cái phải gánh chịu sự mất mát, tổn thương. Khi không được bảo đảm cuộc sống ổn định, con trẻ thường dễ bị tác động bởi những yếu tố xấu dẫn đến tiêu cực xảy ra”, luật sư Lê Cao nhận định.

Đồng quan điểm, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam khẳng định, gia đình luôn giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, sự phát triển của con cái. Nếu đứa trẻ lớn lên trong gia đình gương mẫu thì sẽ có đạo đức, lối sống lành mạnh.

Ngược lại, những đứa trẻ bị dư chấn tâm lý, cha mẹ không hòa thuận, cha mẹ ly hôn sẽ tác động xấu đến nhận thức, hành động. Những đứa trẻ này thường có tâm lý chống đối, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào thói hư, tật xấu, rơi vào con đường phạm tội.

Ông Sơn cho hay, theo các công trình nghiên cứu về tội phạm học và phòng ngừa tội phạm cho thấy, gần 46% người phạm tội xuất thân từ những gia đình phức tạp và 18% gia đình có cha mẹ ly hôn.

Những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn thường cảm thấy bất lực, cô đơn, bộc lộ thái độ khó chịu, từ đó sinh ra tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc, có xu hướng co mình lại. Chúng cũng có xu hướng nghiện rượu, nghiện ma túy và rối nhiễm tâm lý…

Vì thiếu sự bảo ban, dạy dỗ, định hướng, kết hợp với việc khó khăn thích ứng tâm lý xã hội, cùng buồn tủi, mặc cảm khiến trẻ muốn chôn vùi cuộc sống của mình vào các tệ nạn, dễ dàng bị sa ngã hơn so với những đứa trẻ có đủ đầy cha mẹ.

Ngoài ra, những đứa trẻ sống trong môi trường có cha mẹ ly hôn thường không được giáo dục đầy đủ về pháp luật. Người mẹ hoặc người cha sau khi ly hôn cũng bị chấn thương tâm lý, phải đối mặt với mưu sinh nên việc giáo dục pháp luật cho con bị ảnh hưởng.

Để giáo dục một đứa trẻ về mặt đạo đức lẫn pháp luật không phải là sự áp đặt mà là tình thương, sự sẻ chia tạo nên sự kính trọng đối với người lớn. Do đó, khi cha mẹ ly hôn cũng khiến những đứa trẻ dễ bị tác động bởi môi trường tiêu cực của xã hội.

“Trong lúc chung sống, cặp đôi nào cũng sẽ có lúc nảy sinh va chạm. Khi ấy, vợ chồng cần ngồi lại tìm hướng giải quyết, cứu vãn, có thể là tranh luận, chỉ ra lỗi lầm của đối phương và nhìn nhận lại chính mình.

Trước khi quyết định chấm dứt một cuộc hôn nhân, cha mẹ cần nhận thấy trong thực tế, đã có rất nhiều đứa trẻ vì gia đình tan vỡ mà rơi vào cảnh phạm tội và con cái của chính mình cũng không là ngoại lệ. Hãy nghĩ đến con trẻ nhiều hơn trước khi đưa ra quyết định!”, ông Sơn nhấn mạnh.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Doãn Hồng (Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng) cho rằng ly hôn có thể là giải pháp tốt cho cha mẹ khi cuộc sống hôn nhân không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được, ví dụ như một trong hai bên ngoại tình, nghiện ngập, bạo lực gia đình…

Thế nhưng, việc cha mẹ ly hôn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những đứa trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần ưu tiên quan tâm đến cảm xúc của trẻ.

“Ly hôn là điều mà không một gia đình nào muốn, bởi vì bất cứ sự đổ vỡ nào cũng mang lại tổn thương tâm lý cho người trong cuộc. Với trẻ nhỏ, điều này còn nghiêm trọng hơn. Vì vậy, trước khi dự định ly hôn, cha mẹ phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của con để có cách hành xử tốt nhất.

Đặc biệt, sau ly hôn, cha mẹ vẫn phải dành sự quan tâm cho trẻ và tuyệt đối không nói xấu người còn lại. Hãy cố gắng tạo cho trẻ có cảm giác ấm áp như khi cha mẹ chưa ly hôn để trẻ dần chấp nhận sự việc và vượt qua mất mát. Và cũng đừng vì bù đắp sự thiếu thốn tình thương cho con mà có những hành động cưng chiều trẻ quá mức”, luật sư Nguyễn Doãn Hồng đau đáu.

Có thể nói, quãng thời gian trước và sau ly hôn là một cuộc chiến vượt qua nỗi buồn, tổn thương không hề dễ dàng. Để có thể thuận lợi đi qua niềm đau, thiết nghĩ, mỗi người nên chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho sự đổ vỡ và tìm cách hướng về điều tích cực.

Đặc biệt, hãy luôn nghĩ về con trẻ và đồng hành cùng con trên hành trình chấp nhận và vượt qua. Đừng để trẻ phải cô đơn, lạc lõng trong chính tổ ấm của mình với niềm chênh vênh: “Con đang ở đâu?!”...

Theo báo cáo, năm 2017, Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng thụ lý 3.519 vụ việc về hôn nhân gia đình, tăng 299 vụ việc so với năm 2016. Tòa án nhân dân hai cấp hòa giải đoàn tụ thành, động viên đương sự rút đơn khởi kiện, rút đơn yêu cầu để tiếp tục chung sống 958 vụ việc; có 1.327 vụ việc toà công nhận thuận tình ly hôn. Độ tuổi xin ly hôn ngày càng trẻ, tập trung chủ yếu từ 19-23 tuổi đối với nữ và từ 21-25 tuổi đối với nam.

Ghi chép của DUY AN

;
.
.
.
.
.
.