Duy trì vườn cây thuốc nam: Còn phụ thuộc vào quỹ đất

.

Từ năm 2006, theo chủ trương của Bộ Y tế, các trạm y tế (TYT) phải có vườn thuốc nam mẫu trong trạm để giới thiệu cho người dân về những bài thuốc quý thuộc cây cỏ quanh ta. Tuy nhiên, tùy vào đặc điểm thổ nhưỡng, đặc biệt là quỹ đất có được, mỗi TYT lại có một vườn thuốc nam theo những cách thức khác nhau. Có vườn xanh mướt, trực quan, sinh động; nhưng cũng có vườn chỉ đơn giản là vài chậu cây thêm “vườn thuốc nam” trên tranh.

Một góc vườn thuốc nam mẫu của Trạm Y tế xã Hòa Phú. Ảnh: M.H
Một góc vườn thuốc nam mẫu của Trạm Y tế xã Hòa Phú. Ảnh: M.H

Vườn thuốc nam mẫu của TYT xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang khá phong phú, xanh tốt với hơn 60 loại cây thuốc nam. Bà Đinh Thị Hương, Trạm trưởng TYT xã Hòa Tiến cho biết:

“Vườn thuốc nam ở trạm có từ năm 2002, trước khi Bộ Y tế có chủ trương các TYT phải có vườn thuốc nam, vì đây là một trong những tiêu chí để đạt chuẩn quốc gia về TYT xã”.

Từ lúc có vườn thuốc nam, cứ đi đâu, thấy cây thuốc là bà Hương xin về. Với bà cũng như các cán bộ khác tại trạm, cái khó để chăm các loại cây thuốc nam là phải hiểu đặc tính của mỗi loại, có loại chịu nước, loại không chịu nước để có cách chăm bón phù hợp, giữ được dược tính của cây thuốc.

Dẫn chúng tôi đến chỗ cây xương khỉ, bà Hương nhớ lại: “Lần đó, đi khám cho người cao tuổi ở thôn Thạch Bồ, nghe mọi người bàn tán về một người đàn ông có một loại cây chữa trị liền xương rất tốt nhưng ông ấy lại không biết tên của loại cây đó là gì. Men theo sự bàn tán, tôi tìm được đến nhà của người đàn ông đó thì mới biết đó là cây xương khỉ, rồi tôi xin một ít đem về trồng trong vườn thuốc nam của trạm”.

Bà Nguyễn Thị Cúc Em (sinh năm 1977, thôn Lệ Sơn Bắc, xã Hòa Tiến) ghé thăm vườn thuốc nam trong lúc đợi em dâu khám bệnh, cho hay: “Cả nhà tôi rất ưa dùng thuốc nam, hạn chế dùng thuốc tây. Không chỉ để tiết kiệm tiền mà một phần còn vì tôi nhận thấy nếu kiên trì, biết cách dùng thì dùng thuốc nam rất hiệu quả, đỡ khô người.

Ví như chuyện tôi bị đau cột sống, tôi hay cắt nhỏ đu đủ sống rồi xào sơ qua với giấm ăn, đắp lên cột sống một thời gian thì đỡ hẳn. Tôi hay tham quan vườn thuốc nam để có loại cây nào ở nhà chưa có thì xin về trồng”.

Được hình thành từ năm 2005, hiện tại, vườn thuốc nam mẫu của TYT xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang)  khá tươi tốt với 65 loại cây thuốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: sò huyết, xuyên tâm liên, nghệ, sả, rau tần...

Tưởng chừng đơn giản, nhưng để có được 65 loại cây thuốc nam ấy, các cán bộ, nhân viên ở trạm đã mất gần 6 tháng tìm kiếm, sưu tầm. Người dân ở đây cũng khá mặn mà với thuốc nam.

Bà Phan Thị Ước (sinh năm 1966, thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú) là người rất chuộng thuốc nam để chữa các bệnh thường gặp như: ho, cảm sốt, dạ dày,… nên bà trồng khá nhiều các loại thuốc nam trong vườn nhà, chủ yếu là các loại quen thuộc: sả, ngải cứu, gừng, nghệ. Đến khi có vườn thuốc nam mẫu tại TYT thì bà biết thêm được nhiều loại cây thuốc hơn.

Qua sự giới thiệu, chỉ dẫn cách trồng, cách dùng của các cán bộ tại trạm, bà Ước tự tìm kiếm để đem về trồng trong vườn, nhân giống với số lượng nhiều. Người dân ở đây, không ai là không biết đến vườn thuốc nam của bà.

Bà Ước kể: “Ông xã của tôi vốn bị đại tràng. Từ khi biết được công dụng của rau mơ từ vườn thuốc nam của trạm, rồi tìm hiểu thêm về những cách chế biến, sáng nào, tôi cũng cắt rau mơ rồi trộn với trứng, chưng cho ông xã ăn. Ấy vậy mà giờ bệnh đại tràng của ông xã đỡ hẳn. Tôi thấy, vườn thuốc nam tại trạm rất là ý nghĩa”.

Ghé thăm vườn thuốc nam mẫu tại TYT phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) khi vườn đang trong quá trình cải tạo nên chúng tôi chỉ được thấy vài cây trong chậu, thêm vài cây được trồng trực tiếp dưới đất, xung quanh là cỏ mọc um tùm, các bảng tên chỉ tên loại cây thuốc nam cũng đã được gỡ ra.

Đại diện trạm cho hay, vườn thuốc nam của trạm được hình thành từ năm 2001 với 60 loại cây thuốc nam được trồng chủ yếu trong chậu. Tuy nhiên, do không có người thường xuyên chăm sóc nên cứ trồng rồi lại bị chết, phải trồng lại.

Với khối lượng công việc quá tải, cán bộ tại trạm không có thời gian nghiên cứu thêm về cách chăm sóc nên dẫu có tưới nước, có bón phân thì đa phần các cây thuốc chỉ sống được một khoảng thời gian. Và cứ thế, cây nào chết thì trồng lại.

Được biết, vườn thuốc nam của trạm được duy trì một phần nhờ vào sự quan tâm của của các lương y ở Chi hội Đông y phường Hòa Phát, các lương y từng làm tại trạm nay đã về hưu, có vẻ như vườn cây cũng “hưu” theo.  

Không có quỹ đất, vườn thuốc nam ở TYT phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu chỉ có khoảng vài chục cây được trồng trong chậu, kết hợp với bộ tranh các loại cây thuốc nam được treo trong phòng Y học cổ truyền để tuyên truyền cho người dân.

Nhưng khó khăn không chỉ dừng lại ở đó, TYT phường Hòa Minh còn gặp tình trạng cây bị nhổ trộm. Bà Võ Thị Nga, Trạm trưởng TYT phường Hòa Minh cho hay: “Lúc trước có khoảng 100 chậu, nhưng hiện tại chỉ còn vài chục. Ý thức của một số  người còn kém, họ không xin mà tự ý nhổ luôn cây. Chưa kể, thỉnh thoảng chúng tôi lại phát hiện có chậu bị đập để lấy cây”.

“Nhìn chung, không phải TYT nào cũng có điều kiện thuận lợi để có thể duy trì vườn cây thuốc nam mẫu theo chủ trương của Bộ Y tế, điều này còn phụ thuộc vào thổ nhưỡng, quỹ đất tại TYT. Ở Đà Nẵng, các TYT có vườn thuốc nam chủ yếu ở quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang.

Ở những quận khác đa phần vì không có đất, hoặc quỹ đất hạn hẹp nên chỉ có thể trồng trong chậu, kết hợp tranh ảnh. Và đó cũng được xem là một cách để duy trì vườn cây thuốc nam mẫu, tuyên truyền cho người dân”, ông Nguyễn Minh Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Đà Nẵng) cho hay.

Mai Hiền

;
.
.
.
.
.
.