Nâng cao vai trò y tế cơ sở bằng cách nào?

.

Sau khi thực hiện thông tuyến, hầu hết trạm y tế phường, xã trên địa bàn thành phố đều vắng vẻ. Vắng bệnh nhân, cộng thêm thiếu nhân lực, các trạm y tế gặp khó khăn khi thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Thực tế đó đặt ra cho ngành y tế việc cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động đối với các trạm y tế phường, xã.

Nhân viên Trạm Y tế xã Hòa Phong cắt chỉ cho bệnh nhân. ẢNh: Đ.H.L
Nhân viên Trạm Y tế xã Hòa Phong cắt chỉ cho bệnh nhân. ẢNh: Đ.H.L

Trạm y tế phường, xã vắng vẻ

Nằm ở vị trí khá thuận lợi ngay trung tâm xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), nhưng Trạm Y tế xã Hòa Phong khá vắng vẻ. Kể từ sau 15 giờ 30 đến 17 giờ chiều hôm chúng tôi đến chỉ có 2 người đến khám, trong đó có một bệnh nhân đến cắt chỉ vết thương và một bệnh nhân đến lấy thuốc.

Chị Trần Thị Điểm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hòa Phong cho biết, hiện trạm có 5 nhân viên, trong đó có 2 y sỹ đa khoa, 2 điều dưỡng và 1 hộ sinh. Sau khi thông tuyến, bệnh nhân giảm hơn so với trước.

Hằng tháng, trạm điều trị khoảng 500-700 bệnh nhân theo chế độ bảo hiểm y tế, chủ yếu các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, thần kinh, cơ xương khớp, dạ dày và một số bệnh về đường hô hấp. Do không có bác sĩ, lại nằm gần Trung tâm Y tế huyện nên trạm vắng bệnh nhân.

Tuy nhiên, hằng tuần vào các ngày thứ ba và thứ năm, trạm đều có bác sĩ của trung tâm về khám tăng cường đối với tất cả các loại bệnh. Trạm điều trị 2 đợt mà không thấy tiến triển thì bệnh nhân sẽ được trạm chuyển lên tuyến trên.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết, trên địa bàn huyện có 11 trạm y tế xã, chức năng chính của các trạm y tế là khám chữa bệnh và y tế dự phòng. Ngành y tế đã có danh mục bệnh khám theo phân tuyến, mỗi trạm y tế xã được phân công thực hiện những dịch vụ điều trị rõ ràng và công khai danh mục kỹ thuật để người dân nắm rõ.

Công tác khám, chữa bệnh ở xã vừa sơ cấp cứu ban đầu, đồng thời quản lý khám chữa bệnh đối với những bệnh không lây nhiễm gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, động kinh, tâm thần phân liệt, trầm cảm…

Bệnh nhân đến khám hằng ngày nhiều hay ít còn phụ thuộc vào số lượng người dân trên địa bàn xã nhưng dao động khoảng từ 25-100 người/ngày. Tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh mà người dân lựa chọn khám ở tuyến xã hay tuyến huyện. Nếu tình trạng quá nặng, trạm y tế xã sẽ gọi xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 đưa bệnh nhân đến tuyến cao hơn.

Các trạm y tế phường, nhất là ở các quận trung tâm như Hải Châu cũng trong tình trạng tương tự. Bác sĩ Võ Quang Hương, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp - Chỉ đạo tuyến, Trung tâm Y tế quận Hải Châu chia sẻ, hiện trên địa bàn phường có 13 trạm y tế.

Các trạm chủ yếu thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, các bệnh phụ khoa, tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, khám sức khỏe cho học sinh... Bệnh nhân khám bảo hiểm y tế tới trạm để được cấp thuốc không nhiều. Hiện nay, số lượng người dân tới trạm y tế các phường vùng ven cũng khác với các phường nằm ở khu vực trung tâm.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, bệnh nhân đến các trạm y tế phường Thanh Bình, Thuận Phước, Thạch Thang trung bình khoảng 30 trường hợp/trạm/tháng; trong khi Trạm y tế phường Hòa Cường Bắc có 408 trường hợp/tháng, chủ yếu là các bệnh cảm cúm, huyết áp, rối loạn tiêu hóa…

Hiện mới chỉ có 6/13 trạm y tế phường trên địa bàn có bác sĩ, Trung tâm Y tế quận tăng cường bác sĩ mỗi tuần một buổi về trạm không có bác sĩ, đồng thời giao mỗi khoa/phòng phụ trách một trạm y tế. Bên cạnh đó, bác sĩ ở những trạm lân cận cũng được tăng cường về các trạm không có bác sĩ mỗi tuần từ 1 đến 2 buổi.

Bác sĩ Dương Thị Luyn Đa, Trưởng trạm Y tế phường Thanh Bình (quận Hải Châu) cho biết, chỉ tiêu giao cho trạm khám chữa bệnh mỗi năm là 6.166 người. Vì trạm nằm gần 3-4 bệnh viện lớn, trong khi đó người dân có trình độ dân trí cao, điều kiện kinh tế khá giả... nên họ rất ít đến trạm.

Do ít bệnh nhân nên trạm phải nghĩ cách sao cho đủ chỉ tiêu, như tăng cường khám miễn phí. Dù không có nhiều bệnh nhân, nhưng công việc của nhân viên y tế trạm lại... tương đối quá tải vì “Trạm y tế phường giống như một sở y tế thu nhỏ nhưng không có văn thư, bảo vệ, hộ lý. Bác sĩ làm cả công việc của hộ lý, văn thư”, bác sĩ Luyn Đa nhấn mạnh.

Tăng cường công tác y tế dự phòng

Khó khăn hiện nay của các trạm y tế phường, xã là chương trình y tế quá nhiều, trong khi mỗi trạm chỉ có 6 nhân viên với khoảng 9.000-24.000 người dân trên địa bàn. Trạm phải làm việc vào cả ngày thứ bảy và chủ nhật nên rất vất vả.

Hầu hết bác sĩ không muốn về trạm nên khi triển khai chương trình y tế quốc gia, các Trung tâm
y tế quận, huyện phải tăng cường bác sĩ. Đến mùa dịch, nhân viên y tế trạm phải đến từng hộ gia đình giám sát, hướng dẫn người dân về cách vệ sinh phòng bệnh; nếu có ổ dịch sẽ phối hợp với Đội y tế dự phòng xử lý các ổ dịch, diệt bọ gậy… Tất cả các ca dịch phải được báo về trạm, sau đó trạm tham mưu cho phường để huy động các hội đoàn thể cùng vào cuộc.

Bác sĩ Võ Quang Hương cho rằng, trong y tế có công tác phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng. Đối với trạm y tế phường, công tác dự phòng là quan trọng nhất. Nếu trạm làm tốt công tác này thì khả năng dịch bệnh được hạn chế, quản lý được sức khỏe những bệnh không lây nhiễm, giúp giảm tải bệnh nhân đến bệnh viện nhận thuốc. Đây cũng có thể xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao vai trò của y tế cơ sở

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh cũng cho rằng, đối với những bệnh thông thường thì một số bệnh nhân vẫn thích đến trạm y tế vì thuận tiện, người bệnh không phải chờ đợi lâu như ở bệnh viện. Thuốc cấp tại trạm y tế cũng giống với ở Trung tâm y tế huyện.

Đến khám ở Trạm y tế xã Hòa Phong, bệnh nhân Nguyễn Hồng Minh S., ở thôn Hòa Khương, xã Hòa Phong cho biết, anh vừa bị tai nạn và được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang. Sau khi ra viện, anh đến Trạm y tế xã Hòa Phong để cắt chỉ.

“Cách đây một tuần tôi đã đến đây rửa vết thương và giờ đến cắt chỉ. Nhân viên y tế ở đây tận tình, chu đáo. Chuyên môn của các y sĩ rất tốt nên tôi cũng yên tâm”, anh S. nói.

Để nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho người dân tại các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang, trong năm 2017, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang đã cử 7 bác sĩ đi học chương trình bác sĩ y học gia đình, thực hiện theo mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình để thực hiện tốt việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe người dân từ khi sinh đến khi qua đời.

Trong thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục thu hút bác sĩ tại chỗ; tập trung đào tạo y sĩ và chuyển hướng y sĩ y học cổ truyền tại cộng đồng; đồng thời thành lập phòng khám vệ tinh ở các địa bàn xa xôi của huyện.

“Theo xu hướng chung sẽ dần dần tập trung sơ cứu, quản lý bệnh nhân không lây nhiễm tại cộng đồng. Trạm y tế xã là cánh tay nối dài của bệnh viện huyện, do đó, muốn giảm tải được tuyến trên thì cần phải đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ở các trạm y tế xã”, bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh khẳng định.

Đoàn Hạo Lương

;
.
.
.
.
.
.