Những bước chân quân y

.

Tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc nhưng trên bất kỳ trận địa nào cũng thấp thoáng hình bóng người chiến sĩ quân y.

Bác sĩ Nguyễn Như Lễ lần giở tư liệu ghi dấu một thời dấn thân nơi chiến trường bắc Quảng Nam. Ảnh: T.Y
Bác sĩ Nguyễn Như Lễ lần giở tư liệu ghi dấu một thời dấn thân nơi chiến trường bắc Quảng Nam. Ảnh: T.Y

Với bác sĩ Nguyễn Như Lễ, nguyên cán bộ quân y Quảng Đà, những năm tháng “nếm mật nằm gai” cùng bộ đội, cùng bà con dân tộc Cơ tu, X’tiêng, Ve tại huyện miền núi Nam Giang (trước đây là huyện Giằng, tỉnh Quảng Nam) từ những năm 1969 đến Hiệp định Paris 1973 đã để lại những ký ức buồn, vui xen lẫn niềm tự hào.

Tại số nhà 128 Tống Phước Phổ (quận Hải Châu), bên tách trà nóng, bác sĩ Nguyễn Như Lễ kể, cuối năm 1969, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Hà Nội (niên khóa 1964-1969), như bao bạn bè cùng trang lứa, bác sĩ trẻ Nguyễn Như Lễ tạm biệt gia đình, người thân, khăn gói vào chiến trường miền Nam. Nơi ông nhận nhiệm vụ là khu căn cứ thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Đội quân y công tác tại huyện miền núi Nam Giang khi ấy có hơn 10 người nhưng đa phần là người dân tộc thiểu số, do bác sĩ Nguyễn Như Lễ phụ trách chung. Nhiệm vụ đặt ra là phải bảo đảm sức khỏe cho cán bộ và người dân địa phương. Có những chuyến đi kéo dài nhiều ngày liền chỉ để tuyên truyền đồng bào dân tộc thực hiện phong trào “3 sạch”, gồm ăn sạch, uống sạch và ở sạch. Chuyện hướng dẫn bà con ăn cơm bằng muỗng, bằng đũa cũng vất vả chẳng kém gì chuyện vận động người dân đưa gia súc ra khỏi nhà… Ban ngày vượt núi chữa bệnh; tối về, nhiều cán bộ người Kinh ê a học tiếng Cơ tu để giao tiếp với người dân địa phương.

Vùng Đồng Xanh, Đồng Nghệ hai bên sườn là núi cao, phong trào du kích phát triển khá mạnh. Cán bộ được bà con dân bản đùm bọc, chở che nên nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, gầy dựng niềm tin của người dân với Đảng được đặt lên hàng đầu.

Bác sĩ Nguyễn Như Lễ cho biết, giữa thời chiến, khi cái ăn còn chẳng có thì việc sử dụng những viên thuốc quá hạn 3-4 năm là chuyện bình thường. Để có nguồn thuốc dự phòng, cán bộ quân y thường xuyên vào bản, làng Cơ tu hỏi cách chữa bệnh bằng lá, củ, quả rừng, song song việc vận động người dân trồng cây thuốc nam trên những khu vườn đồi. Đây cũng là cách để bộ đội có thể “tranh thủ” nguồn thuốc trên suốt chặng đường hành quân. Suốt những năm tháng ấy, sốt rét rừng vẫn là căn bệnh dai dẳng trên những vùng núi cao như Nam Giang. Những cơn sốt rét liên tục quật ngã nhiều thanh niên trai tráng. Lúc này, liều thuốc đặc trị sốt rét như novaquin, quinin math trở thành của hiếm; những lọ thuốc bổ như serepa, C tổng hợp còn quý hơn vàng.

Giữa cuối năm 1970, quân Mỹ tăng thêm sư đoàn dù và một lữ đoàn lính thủy đánh bộ đánh Đà Nẵng, càn quét các vùng núi bạt ngàn, hiểm trở phía tây Đại Lộc, tây Hòa Vang. Ông Phạm Thanh Ba, nguyên Chánh Văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà chia sẻ, mục tiêu của chiến dịch này là phá nát căn cứ của Đặc khu Quảng Đà và Mặt trận 4 nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của ta vào Đà Nẵng. Chúng đánh thẳng lên Thạnh Mỹ, Bến Giằng, Tà Lào, nơi giáp hai nguồn sông Bung và sông A Vương. Hằng ngày, chúng dùng từng tốp máy bay ném bom, dùng pháo lớn ở các căn cứ Bồ Bồ, An Hòa, Hiếu Đức, Thượng Đức, bắn xối xả vào từng khu rừng rậm, sau đó dùng trực thăng đổ quân lùng sục hết khu này đến khu khác. “Những khi ấy, vai trò của đội ngũ y, bác sĩ thật sự rất quan trọng, họ như những vị cứu tinh giữa rừng sâu”, ông Phạm Thanh Ba nói.

Theo ông Phạm Thanh Ba, khoảng thời gian đó, lực lượng của ta ở lại căn cứ khoảng trên 20.000 người, chưa kể mấy vạn đồng bào dân tộc các huyện Hiên, Giằng đang bị thiếu đói nghiêm trọng. Có những dạo mấy ngày liền không có hạt cơm bỏ bụng; nguyên trung đội mỗi người chỉ được cấp một lon gạo, anh em bộ đội, quân y vừa chống giặc càn quét, vừa chia nhau xuống các suối hái rau, cắt chuối về nấu cháo ăn cầm hơi.

Giữa cuộc chiến ác liệt ấy, cả đội quân y hơn 10 người do bác sĩ Nguyễn Như Lễ phụ trách lần lượt bị địch bắt, tù đày. Có thời điểm toàn đội chỉ còn vài người nhưng bao quát cả một vùng rộng lớn - trong khi những chuyến “công tác” đến bản làng phải diễn ra thường xuyên và nối tiếp - nên không ít người kiệt sức, nằm lại nơi rừng thiêng nước độc.

Sau Tết Mậu Thân 1968, địch tăng cường chống phá, cơ quan quân y Quảng Đà buộc phải rời Tiểu khu 57 thuộc địa phận thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, theo hướng tây bắc vào ẩn sâu trong rừng. Bà Nguyễn Thị Xứng, nguyên cán bộ dân y Khu II Hòa Vang cho hay, cuối năm 1969, Trạm xá Khu II Hòa Vang có khoảng 30 người, chia thành các bộ phận hậu cần, phụ trách dược, bảo vệ, đưa đón bệnh nhân, bộ phận y tế, gây mê hồi sức… Bà Xứng nhớ lại: “Khu nhà chính của trạm xá được đào sâu dưới đất khoảng 2 mét, hình chữ A, có giao thông hào nối liền các bộ phận lại với nhau để tiện việc chữa trị, chăm sóc bệnh nhân. Từ năm 1968-1972, Trạm xá Khu II Hòa Vang phải chuyển địa điểm 4 lần để tránh bị ném bom, phục kích”.

Trong ký ức của những cán bộ quân y năm xưa, những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng cũng thật hào hùng. Vì vậy, khi kể, lúc họ cười thật hào sảng, lúc trầm buồn theo những thăng trầm của cuộc chiến chinh. Dù nay họ tuổi đã cao, tóc đã bạc, nhưng mỗi lần lần giở ký ức, đôi lúc trong khóe mắt của họ ngân ngấn những giọt nước.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.
.