Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng

.

Đi xa hơn 10 năm tôi mới có dịp về lại quê hương vào đúng dịp Tết Độc lập, Quốc khánh 2-9 và được thưởng thức những màn đua thuyền đẹp mắt, sôi nổi, hào hứng do các đội bơi nam, nữ trên đất Lệ Thủy (Quảng Bình) - quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu diễn. Nhiều người ví rằng, trong năm, sau Tết Nguyên đán, đây là cái Tết được người dân Lệ Thủy “ăn” to nhất. Và cũng chính vì vậy, với những người xa quê như tôi, Tết Độc lập là dịp hướng về nguồn cội và như một lời tri ân.

Lễ hội đua thuyền đi vào tiềm thức của người dân Lệ Thủy, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và là niềm tự hào của người Lệ Thủy xa quê. Ảnh: T.T
Lễ hội đua thuyền đi vào tiềm thức của người dân Lệ Thủy, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và là niềm tự hào của người Lệ Thủy xa quê. Ảnh: T.T

Tôi may mắn được sinh ra trên đất Lệ Thủy, mảnh đất địa linh nhân kiệt được thiên nhiên ban tặng cho những dòng sông và cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Nhà tôi cách trung tâm huyện gần 20 cây số nên hồi nhỏ, cứ đến Tết Độc lập, từ tối hôm trước, mẹ đã dặn các con đi ngủ sớm để sáng mai có sức đi xem đua thuyền. Và dĩ nhiên, những ngày hội hè ấy, chẳng đêm nào đám trẻ con quê tôi chịu đi ngủ sớm, ấy vậy mà sáng ngày 2-9, cả bọn vẫn dậy sớm như thường, í ới nhau đạp xe lộc cộc về trung tâm huyện trong rợp trời cờ hoa, biểu ngữ.

Có rất nhiều con đường để xuống huyện, nhưng tôi chọn con đường quen thuộc là men theo dòng sông hiền hòa từ thượng nguồn Cẩm Ly đổ về Kiến Giang - con sông diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống. Con đường ấy, sáng 2-9 như trong xanh hơn, tôi ngửi được mùi của bùn đất và mùi thơm ngai ngái của rơm rạ. Con đường mọi ngày yên tĩnh bỗng hôm nay rộn ràng hơn. Mọi người ai cũng ra đường thật sớm, xúng xính áo quần đẹp vội vã tìm kiếm một chỗ đứng “lý tưởng” để chứng kiến giờ phút buông phao (xuất phát).

Sau hơn nửa giờ đồng hồ, chúng tôi đã có mặt tại trung tâm huyện Lệ Thủy, trên cầu Phong Xuân, nhìn về hướng Mũi Viết (điểm buông phao). Sau khi nghi lễ khai mạc tiến hành, các thuyền đua xếp theo hàng ngang trên sông theo vị trí định sẵn. Cả vận động viên và cổ động viên đều hồi hộp, lâng lâng niềm vui khó tả trong thời khắc ấy. Dưới sông, những thuyền đua phăng phăng lao vun vút theo nhịp “Hô lên! Hố lên”. Trên bờ, người reo hò, vẫy nón, phất cờ, người xắn quần lội ra đến mép sông lấy ca, xô, thậm chí nón lá đang đội trên đầu để tạt nước theo thuyền đua cổ vũ. Có bà, có chị khoát nước đến gãy cả vành nón lúc nào không hay.

Những người đi xem đua thuyền trong ngày Tết Độc lập không phân biệt làng nào, đội nào, ai cũng vui cười hớn hở, tay bắt mặt mừng. Khi trên loa hô to đội về nhất, người xem cứ thế ôm chầm lấy nhau sung sướng. Có lẽ với họ, việc thuyền ai về nhất, về nhì không quan trọng bằng việc được sống trong khoảnh khắc hòa bình, độc lập và tự do ngay trên mảnh đất của mình. Và niềm vui ấy một lần nữa thể hiện nét văn hóa, tinh thần thượng võ, sự đoàn kết, gắn bó của người dân nơi đây.

Ngoài lễ hội đua thuyền, Tết Độc lập ở Lệ Thủy có nhiều hoạt động văn hóa-thể thao như: thi đấu bóng chuyền nam-nữ, bóng đá, liên hoan giao lưu văn nghệ, hò khoan Lệ Thủy… Đặc biệt, nhà nào cũng sắm lễ nghi và làm mâm cơm cúng tổ tiên, ghi nhớ công ơn Bác Hồ. Đây là nét văn hóa tồn tại bao đời của quê hương xứ Lệ. Từ năm 2013, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, dịp 2-9 hằng năm, trên bàn thờ mỗi gia đình có đặt thêm di ảnh của Đại tướng như một lời tri ân, thể hiện lòng thành kính của thế hệ con cháu đối với vị tướng tài của quê hương.

Đi xa nhiều năm, qua nhiều địa phương, tôi nhận thấy có lẽ không nơi đâu trên đất nước Việt Nam, Tết Độc lập lại được tổ chức rầm rộ như trên quê hương Đại tướng. Thuở nhỏ, tôi thường hỏi mẹ và bà về việc ra đời của lễ hội đua thuyền truyền thống quê nhà. Mẹ nói không nhớ tự khi nào, chỉ biết là rất lâu rồi. Hồi trước, lễ hội đua thuyền thường được tổ chức sau Tết Nguyên đán, khi đó, mùa vụ mới cấy xong, người dân làm lễ đua thuyền để ăn mừng và cầu mong mưa thuận gió hòa, ruộng đồng tốt tươi, cuộc sống yên bình. Sau năm 1945, lễ hội đua thuyền mới được tổ chức quy mô, định kỳ vào Ngày Quốc khánh 2-9 trên dòng Kiến Giang, người dân xứ Lệ gọi đây là Tết Độc lập. Từ đó đến nay, vào những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, trên quê hương Lệ Thủy, dòng Kiến Giang hiền hòa lại rộn rã tiếng mõ, tiếng chiêng trống của hội đua thuyền truyền thống.

Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng ấn tượng vậy, nên những người phương xa nếu có về Lệ Thủy vào dịp đầu tháng 9 này sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nghe những mẹ, những chị truyền tai nhau câu ca: “Dù ai đi tây, về đông/ Mồng hai tháng chín cũng mong về nhà/ Về nhà xem hội quê ta/ Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay...”.

THANH TÌNH
 

;
.
.
.
.
.
.