Trạm y tế phường, xã: Định hướng hoạt động theo nguyên lý y học gia đình

.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng cuối tuần chung quanh việc nâng cao năng lực hoạt động của tuyến trạm y tế (TYT) phường, xã trên địa bàn thành phố, BS. Ngô Thị Kim Yến (ảnh), Giám đốc Sở Y tế thành phố nhấn mạnh: Dù y học hiện đại có tiến bộ đến đâu đi nữa vẫn không thể phủ nhận vai trò không thể thiếu của TYT trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Đặc biệt, trong tình hình bệnh tật diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay, trong khi các bệnh lây nhiễm vẫn ở mức khá cao thì các bệnh không lây nhiễm, suy dinh dưỡng và tai nạn thương tích vẫn tăng nhanh, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết, dẫn đến việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng trở nên cấp bách.

Theo bà Ngô Thị Kim Yến, việc ứng dụng nguyên lý y học gia đình tại các TYT được coi là hướng đi giúp tuyến y tế cơ sở này khẳng định vai trò “gác cổng” trong quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh đối với người dân, góp phần giảm tải các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến trên.

Đây cũng chính là hoạt động cụ thể thực hiện đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

* Xin bà cho biết những nét cơ bản về nguyên lý y học gia đình chúng ta sẽ áp dụng tại các TYT phường, xã?

- Y học gia đình là một chuyên ngành y học cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng cá nhân và gia đình (từ khi sinh ra cho đến khi chết).

Bác sĩ gia đình là bác sĩ chuyên khoa y học gia đình, được đào tạo để hành nghề tại tuyến khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, có nhiệm vụ chăm sóc đầu tiên và liên tục cho người bệnh cũng như người khỏe theo những nguyên tắc đặc thù. Bác sĩ gia đình hoạt động trên nguyên tắc liên tục, toàn diện, phối hợp, theo hướng dự phòng, dựa vào cộng đồng và gia đình.

Cung ứng dịch vụ chăm sóc toàn diện, lồng ghép, liên tục và toàn diện cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, duy trì mối quan hệ tin cậy và lâu dài với người bệnh; tham vấn, vận động lối sống lành mạnh, loại bỏ các hành vi nguy cơ đối với bệnh tật nhằm nâng cao năng lực của cá nhân, nhóm và cộng đồng trong việc tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe.

Mô hình “Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình” là mô hình hoạt động có hiệu quả bởi sự sâu sát, tiết kiệm, hiệu quả nhất trong quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân. Khi phát triển mô hình này sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân được giải quyết ngay tại cộng đồng.

Các TYT khi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình phải tổ chức triển khai hiệu quả 3 nhóm hoạt động chính gồm: Dự phòng; khám, chữa bệnh, trong đó chú trọng và đẩy mạnh các bệnh không lây nhiễm; quản lý sức khỏe người dân.

Cụ thể, các TYT phải bảo đảm thực hiện được các kỹ thuật cấp cứu ban đầu, khám chữa bệnh BHYT theo phác đồ quy định, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm chuyển lên tuyến trên và trả kết quả tại trạm, khám chữa bệnh theo y học cổ truyền có dùng thuốc và không dùng thuốc.

Các TYT còn thực hiện khám chữa bệnh tại nhà cho một số đối tượng đặc biệt, chứ không chỉ đợi bệnh nhân đến, chuyển gửi bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên, cung ứng đầy đủ thuốc điều trị theo mô hình bệnh tật và theo gói dịch vụ y tế cơ bản...

* Khi triển khai mô hình này, đối với Đà Nẵng có những thuận lợi, khó khăn gì?

- Đà Nẵng có một mạng lưới TYT đã phủ sẵn ở tất cả các phường, xã trong toàn thành phố, 56/56 TYT đạt yêu cầu theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. Về trang thiết bị y tế, có 73,2% TYT tương đối đủ trang thiết bị cho hoạt động chuyên môn. Mặt khác, tuyến y tế cơ sở này luôn được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, UBND thành phố vừa có chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống TYT xã, phường trên địa bàn thành phố nhằm hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và kiên cố hóa công trình, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất cho hoạt động khám chữa bệnh được xuyên suốt.

Riêng trong năm 2018, sẽ có 23 TYT được cải tạo, xây mới. Địa bàn hẹp, Đà Nẵng có tỷ lệ bác sĩ bình quân đầu người vào loại cao so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đó là những thuận lợi rất cơ bản. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Thông tư số 39/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về các gói dịch vụ cơ bản tại các trạm y tế đã tạo tiền đề rất thuận lợi cho việc thực hiện nguyên lý y học gia đình tại các TYT trong thời gian tới.

Ngoài ra, huyện Hòa Vang với 11 TYT đã có những bước đi tiên phong trong việc gửi bác sĩ đi đào tạo chứng chỉ bác sĩ gia đình; nhiều TYT hoàn tất hồ sơ khám chữa bệnh cá nhân của người dân sẽ là những tiền đề quan trọng trong việc triển khai hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại các TYT trên toàn thành phố trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một vấn đề luôn nan giải là việc làm sao thu hút bác sĩ về TYT (dù thành phố đã có chính sách tăng gấp đôi lương đối với các bác sĩ công tác tại TYT), vấn đề tuyên truyền làm sao để người dân hiểu, tin tưởng lựa chọn đến thăm khám, chăm sóc sức khỏe cơ bản tại các TYT, đặc biệt là tại những địa bàn trung tâm.

* Nhắc đến TYT tại địa bàn trung tâm, một số ý kiến cho rằng nên sáp nhập, tinh gọn hệ thống, có thể 2-3 phường có một TYT, bởi tại những khu vực này có quá nhiều cơ sở khám chữa bệnh, nhiều TYT có ít người đến, trừ những lúc tiêm chủng… Quan điểm của Sở Y tế về vấn đề này như thế nào, thưa bà?

- Như đã nói trên, vai trò của TYT là đặc thù, khác biệt so với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên. Việc chăm sóc sức khỏe toàn dân không chỉ có chữa bệnh mà còn rất nhiều vấn đề cần được quan tâm như công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, sức khỏe nghề nghiệp, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi... 

Các bệnh viện tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải, thật khó để các y bác sĩ có thời gian tư vấn chăm sóc sức khỏe, đề phòng bệnh tật lây nhiễm, tái phát... cho tất cả người dân. Những điều này, TYT có thể làm được đối với những bệnh cơ bản, những bệnh người dân đã nắm rõ sau khi đi thăm khám ở tuyến trên.

TYT với vai trò là nơi chăm sóc sức khỏe gần nhất, trong nguyên lý địa giới hành chính được Đà Nẵng quản lý như hiện hay, việc giữ nguyên mỗi xã, phường có một TYT như hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đến khám bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nếu 56 TYT hiện nay của Đà Nẵng đều hoạt động tốt, thì người dân sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.

* Trở lại câu chuyện nguyên lý y học gia đình, xin bà cho biết Sở Y tế đã có lộ trình triển khai nguyên lý này tại các TYT như thế nào?

- Hiện chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện đề án, mọi việc sẽ được tiến hành từng bước và chúng ta cần xác định đây là một tiến trình dài chứ không thể ngày một ngày hai. Nguyên lý y học gia đình cũng đòi hỏi ba yếu tố cơ bản cấu thành chất lượng khám, chữa bệnh tại các TYT.

Đó là con người, là cơ sở vật chất tại chỗ, là hệ thống trang thiết bị máy móc phục vụ công tác khám chữa bệnh. Đối với vấn đề con người, muốn triển khai được nguyên lý y học gia đình thì các y, bác sĩ phải thông hiểu và có thể thực hành nguyên lý trong chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Trong điều kiện hiện tại, TYT nào không có bác sĩ thì y sĩ, kỹ thuật viên phải nắm nguyên lý y học gia đình, vì vậy việc cử đi học trực tiếp, tập huấn trực tuyến cho đội ngũ nhân lực tại các TYT phường, xã là việc cần kíp.

Vườn cây thuốc nam tại Trạm Y tế xã Hòa Tiến.Ảnh: MAI HIỀN
Vườn cây thuốc nam tại Trạm Y tế xã Hòa Tiến.Ảnh: MAI HIỀN

Thứ đến, đối với cơ sở vật chất tại chỗ, hiện có thuận lợi là thành phố chủ trương sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây mới hệ thống TYT, vì vậy chắc chắn thời gian đến hệ thống phòng khám chữa bệnh, tiếp dân tại các TYT sẽ khang trang hơn, tiện nghi hơn.

Đối với máy móc, chúng tôi đang từng bước trang bị, bổ sung những máy móc, trang thiết bị cơ bản phù hợp với yêu cầu thực tế như máy siêu âm, điện tim, thậm chí xét nghiệm máu...

Cùng với 3 yếu tố cơ bản trên, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình đòi hỏi sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa TYT với các cơ sở y tế tuyến trên hơn nữa, nhằm bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe tối ưu, liên tục, xuyên suốt cho người dân.

Hiện chúng tôi đang hoàn thành một việc rất quan trọng mà khi hoàn thành sẽ đáp ứng yêu cầu quan trọng của việc hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là khởi tạo hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân đạt 40% dân số.

Sau khi được khởi tạo hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, mỗi người dân sẽ có một số định danh duy nhất, lưu trữ các thông tin về tiền sử và các chỉ số sức khỏe; đồng thời, kết nối và chia sẻ thông tin từ TYT phường, xã đến các hệ thống thông tin của bệnh viện trực thuộc Sở Y tế.

Với hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân này, với một mã số (theo người dân đến khi chết), hồ sơ sức khỏe của người dân sẽ được quản lý tại TYT xã, phường; Trung tâm y tế quận, huyện; các đơn vị hệ dự phòng; các bệnh viện chuyên khoa. Số liệu tính đến ngày 24-9-2018, Sở Y tế hoàn thành khởi tạo 389.628 hồ sơ/1.082.306 người dân của thành phố đạt khoảng 36% dân số.

Theo dự kiến của sở, nguyên lý y học gia đình sẽ được triển khai thí điểm tại một số TYT trước khi nhân rộng ra toàn thành phố.

* Xin cảm ơn bà!

“Trong năm 2018, chúng ta phải hoàn thành mô hình 26 TYT xã điểm. Các tỉnh, thành phố phải triển khai rộng khắp tại các TYT xã còn lại; không chờ kết quả các TYT làm điểm. Mỗi tỉnh phải chọn 1, 2 huyện và một số TYT xã để chỉ đạo điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong triển khai. Các tỉnh xây dựng lộ trình, phấn đấu hoàn thành trong 5 năm, từ 2019- 2023”.

(Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị nâng cao chất lượng TYT xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình dựa trên mô hình 26 TYT điểm các tỉnh phía Bắc ngày 7-9-2018)

THANH TÂN (thực hiện)

;
.
.
.
.
.
.