Ươm mầm ước mơ công nghệ

.

Hiểu được vai trò của giáo dục STEM trong xã hội hiện đại, 3 cựu sinh viên khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng): Trần Ngọc Việt, Phan Chánh Hiền, Nguyễn Doãn Nam hiện đang công tác tại Công ty TNHH Công nghệ ThingsChanging đã cùng nhau khởi động dự án STEMbot nhằm nghiên cứu, sản xuất đồ chơi giáo dục khoa học công nghệ và các mô hình phục vụ giáo dục STEM.

Anh Trần Ngọc Việt (ngoài cùng bên trái) và anh Phan Chánh Hiền (thứ 3 từ trái) cùng các thành viên trong dự án STEMbot thảo luận về ý tưởng cho sản phẩm mới.  Ảnh: Mai Hiền
Anh Trần Ngọc Việt (ngoài cùng bên trái) và anh Phan Chánh Hiền (thứ 3 từ trái) cùng các thành viên trong dự án STEMbot thảo luận về ý tưởng cho sản phẩm mới. Ảnh: Mai Hiền

Từng là thành viên trong đội tuyển BKC4 của Trường ĐH Bách khoa tham gia cuộc thi Robocon 2006 dành cho sinh viên, bộ ba: Việt, Hiền, Nam có duyên gặp gỡ, giao lưu với các thành viên đội tuyển đến từ Malaysia. 10 năm sau đó, 3 cựu thành viên của BKC4 như được “khai sáng” về giáo dục STEM sau khi nhìn thấy những đóng góp của các cựu thành viên đội tuyển Malaysia trong nền giáo dục STEM ở Malaysia với tư cách một doanh nghiệp khoa học công nghệ - Công ty Cytron chuyên thiết kế, sản xuất các công cụ phục vụ giáo dục STEM. Và dự án STEMbot của các chàng trai Việt ra đời từ đó.

Mỗi người một việc, anh Hiền phụ trách nghiên cứu sản phẩm và phát triển, anh Việt phụ trách thị trường còn anh Nam phụ trách đào tạo và sản xuất. Ngoài ra, dự án STEMbot còn có 4 thành viên và 1 cộng tác viên.

Phan Chánh Hiền cho hay, tháng 8-2016, sau khi đăng lên trang Facebook cá nhân những sản phẩm đầu tiên hỗ trợ cho việc học theo phương pháp STEM, một số bạn bè thân thiết giới thiệu đến những thầy cô giáo có cùng mối quan tâm để anh liên hệ và gửi sản phẩm để họ dùng thử, góp ý. Mãi đến 6 - 7 tháng sau, qua rất nhiều lần chỉnh sửa, những sản phẩm chính thức được đưa vào giảng dạy ở những trung tâm dạy về STEM Robotics.

Chủ nhân của những trung tâm ấy, không ai khác chính là những thầy cô giáo đã dùng thử và góp ý cho sản phẩm của STEMbot. Từ 3 nhà phân phối ban đầu, đến nay, STEMbot đã có tất cả 7 nhà phân phối, trải đều 3 miền Bắc-Trung-Nam: Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Hiện STEMbot có 3 sản phẩm chính: STEM Robotics, Sience/Engineering Toys, Inventor Kit. STEM Robotics là nhóm các sản phẩm vừa là đồ chơi vừa là công cụ tổng hợp gần như đầy đủ nhất các đặc điểm và yêu cầu của giáo dục STEM thông qua việc học cách lắp ráp, đấu nối, hiểu biết về công nghệ và lập trình, giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra trên robot thông qua các trò chơi, thử thách, thi đấu.

Sience/Engineering Toy là những sản phẩm được phục dựng từ các mô hình máy móc, phương tiện giao thông, hàng không vũ trụ, các mô hình về khai thác năng lượng nhằm mô phỏng các hệ thống trong thực tế một cách gần đúng nhất để giúp học sinh trải nghiệm những thành quả mà con người đã tạo ra, hiểu được tầm quan trọng của việc lĩnh hội kế thừa cái cũ làm nền tảng cải tiến, sáng tạo cái mới.

Còn Inventor Kit là nhóm sản phẩm về các công cụ và thiết bị hỗ trợ nhằm chế tạo các mô hình hoặc sản phẩm thực có tính ứng dụng thực tế để giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Cho đến nay, STEMbot vẫn không ngừng cải tiến liên tục các sản phẩm từ các chi tiết đến thao tác của học sinh để các em từ khi mẫu giáo đã có thể nhanh chóng lĩnh hội các ý đồ phát triển tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề trong giáo dục STEM và đặc biệt là để bố mẹ cũng có thể hướng dẫn, cùng chơi với các em nhỏ ngay tại nhà.

Anh Hiền chia sẻ: “Trong thời gian tới, các sản phẩm của STEMbot sẽ được sản xuất theo chủ đề. Ví dụ như chủ đề về năng lượng, STEMbot sẽ tạo ra các mô hình sử dụng nặng lượng tái tạo như mặt trời, gió, sóng biển,… và kết hợp nó vào các mô hình nhà cửa cho các em lắp ráp”.

Sau hơn 2 năm chạy dự án, dẫu ý nghĩa về xã hội chiếm phần nhiều hơn là kinh doanh vì đa phần những sản phẩm này vẫn còn rất mới trong thị trường Việt Nam, chưa được nhiều người biết đến, song với suy nghĩ “các nước khác họ làm được thì mình cũng sẽ làm được”, những người điều hành dự án cùng những thành viên vẫn luôn miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo với mong muốn phổ cập phương pháp giáo dục STEM cho mọi trẻ em khắp các vùng miền trong và ngoài nước; qua đó, góp phần phát hiện sớm, bồi dưỡng các năng lực tiềm ẩn và ươm mầm các tài năng khoa học tương lai.

Khánh Quyên

;
.
.
.
.
.
.