Giảm áp lực cho giáo viên - trách nhiệm của cán bộ quản lý

.

Thỉnh thoảng ở đâu đó, chuyện giáo viên bị phụ huynh hành hung ngay trong khuôn viên trường học - nơi từ trước đến nay được xem là một môi trường an toàn, văn hóa - như là giọt nước tràn ly về lễ nghĩa trong mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh.

Nói về nguyên nhân của những xung đột giữa giáo viên và phụ huynh, có không ít ý kiến cho rằng do giáo viên “non” về nghiệp vụ sư phạm, và cách ứng xử tình huống…

Thế nhưng, theo ông NGUYỄN ĐÌNH VĨNH, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng (ảnh), thì điều này là không công bằng với giáo viên bởi có những thứ trong tầm tay của các nhà quản lý giáo dục nhằm giúp giảm bớt “độ căng” cho giáo viên. Sự tiếp sức của Ban giám hiệu và bản lĩnh của chính mỗi giáo viên trong mỗi ứng xử sẽ góp phần nâng cao vị thế của nhà giáo, nghề giáo.

* Theo ông, nguyên nhân của tình trạng bạo hành ở học đường thời gian qua là do đâu?

-Theo tôi, nguyên nhân sâu xa của tình trạng giáo viên bị phụ huynh bạo hành và giáo viên bạo hành với học sinh thời gian qua ở một số địa phương là do giáo viên chịu nhiều áp lực từ nhiều phía, từ cách thức quản lý của nhà trường, quá nhiều cuộc thi được các cơ quan, đoàn thể đưa vào nhà trường, áp lực từ chính “bệnh thành tích” từ gia đình, nhà trường, xã hội và cả chính bản thân giáo viên tạo ra.

Nếu cơ ngơi trường lớp luôn phải được chỉnh trang, xanh sạch đẹp, có phòng đón tiếp phụ huynh thì rõ ràng tâm lý của phụ huynh sẽ thoải mái hơn nhiều là đứng trao đổi với giáo viên ở ngoài hành lang hay thậm chí là dưới nắng. Chúng ta đừng nghĩ rằng không phải trường học phải được đầu tư mới mới là khang trang sạch đẹp.

Tâm lý chung là bước vào một ngôi trường khang trang, nề nếp, có quy củ từ người bảo vệ cho tới người đứng đầu thì tâm thế của phụ huynh sẽ khác hẳn. Nhà trường cũng nên có nhiều kênh tiếp nhận những phản ánh của phụ huynh và học sinh. Nếu thủ trưởng thân thiện thì mọi người sẽ được nói tiếng nói của mình.

Trước những bức xúc của phụ huynh, nếu cán bộ quản lý giỏi, có kinh nghiệm thì sẽ mời phụ huynh vào phòng làm việc, lắng nghe, trao đổi lớp lang, thậm chí là nhận lỗi về mình nếu như giáo viên sai. Phải thẳng thắn thừa nhận là không có giáo viên “dổm” hay giỏi vì giáo viên nào cũng được đào tạo bài bản, được trang bị đầy đủ kiến thức, công nghệ, phương pháp giảng dạy…

Cán bộ quản lý, vì vậy, cần có những cuộc trao đổi kỹ năng xử lý trong những tình huống bức bách cho giáo viên. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố đã phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tổ chức tập huấn cho giáo viên về những biện pháp ứng xử, gỡ rối cho những rối nhiễu tâm lý trong học sinh. Đây cũng là một cách giúp tránh được những xung đột giữa giáo viên và học sinh trong trường học.

*Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay, ngoài giảng dạy, giáo viên còn có một khối lượng công việc khác ngoài soạn giáo án như hồ sơ sổ sách, rồi các hội thi, hội giảng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

-Hiện nay, số tiết dạy của giáo viên Việt Nam đã thấp hơn số tiết dạy trung bình chung của khu vực ASEAN khoảng 25%. Tuy nhiên, trên thực tế, đúng là  giáo viên vẫn chịu áp lực từ những cuộc thi được đưa vào nhà trường mà kết quả của nó phần nhiều được dùng để cộng điểm các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp.

 Áp lực cho giáo viên cũng đến từ bệnh hình thức của cán bộ quản lý. Chẳng hạn như đón tiếp đoàn đến tham quan nhà trường thì cứ bình thường thôi, sao phải bắt học sinh tập đứng xếp hàng đón từ cổng, tập vẫy cờ hoa… Để khai mạc một kỳ thi, cũng phải chuẩn bị máy móc, loa bục…, học sinh và giáo viên phải tập trung từ sớm mà chỉ để phục vụ cho một lễ khai mạc chỉ diễn ra trong vòng 5-10 phút. Những gì thấy có thể bỏ được mà không ảnh hưởng đến kết quả giáo dục thì cứ bỏ. Như Đà Nẵng, 3 năm nay đã không tổ chức khai mạc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập mà chỉ tổ chức cho học sinh học quy chế thi.

*Vậy ngành GD&ĐT Đà Nẵng đã có những giải pháp gì để giảm áp lực cho giáo viên, thưa ông?

- Bắt đầu từ năm học 2017 - 2018, Đà Nẵng đã tiến hành rà soát và thực hiện chủ trương giảm tải ít nhất 50% các kỳ thi đối với giáo viên và học sinh, thực hiện luân phiên các môn thi Hội khỏe Phù Đổng… không sử dụng kết quả các cuộc thi để cộng điểm các kỳ thi tuyển sinh nhằm giảm áp lực cho nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Đồng thời, ngành GD&ĐT thành phố luôn khuyến khích đội ngũ giáo viên và học sinh tham gia các cuộc thi do các cấp, các ngành tổ chức trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện nhằm phát huy năng khiếu, hình thành giá trị sống, kỹ năng sống, cho học sinh.  

Ngành GD&ĐT Đà Nẵng cũng chủ trương giảm thiểu tối đa việc hội họp, báo cáo, thống kê…; sử dụng rộng rãi các phần mềm hỗ trợ dạy học, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy – học, quản lý giáo dục để giáo viên tập trung vào công tác chuyên môn; triển khai sử dụng sổ điểm, sổ liên lạc điện tử… trong tất cả các bận học theo hướng tập trung, thống nhất.

Với phương châm giảm thiểu tối đa những bất lợi cho học sinh và giáo viên trong suốt quá trình dạy - học, giáo viên dạy học bám sát chương trình, chuẩn kiến thức kỹ năng với mục tiêu cơ bản của bài học, không giao quá nhiều bài tập khó cho học sinh.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, có một số giáo viên tự tạo áp lực về chất lượng cho mình và rồi từ đây sẽ tạo áp lực lên học sinh. Nhưng phải coi việc giáo dục là một công việc làm bình thường và dạy học là cả một quá trình và không thể nóng vội.

Với chuẩn giáo dục thì số học sinh trung bình sẽ là số đông chứ không phải là học sinh khá, giỏi. Việc giáo viên mong muốn có nhiều học sinh khá, giỏi nên cứ “đôn” những kiến thức khó cho các em khiến cả hai bên đều luôn bị căng thẳng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành về tinh thần trong trường học .

*Xin cảm ơn ông

Để giáo viên tận tâm, tâm huyết với nghề, phải tạo được môi trường làm việc thuận lợi cho họ. Ngoài giảm tải hồ sơ sổ sách, hội họp, loại bỏ những cuộc thi không cần thiết, Đà Nẵng đã triển khai cho giáo viên được chọn nhiệm sở theo năng lực của mình dựa trên kết quả kỳ thi tuyển viên chức.

Tất cả những gì liên quan đến thủ tục tiếp nhận đều được ngành GD&ĐT giải quyết nhanh gọn để tiết dạy đầu tiên của các giáo viên trẻ được tiến hành trong một tâm thế hoàn toàn chủ động, tạo hứng khởi cho cả một hành trình dạy học phía trước.

Đằng sau câu chuyện này là sự kỳ vọng rằng, bản thân giáo viên khi được chọn trường phù hợp với năng lực, điều kiện ăn ở, đi lại sẽ khuyến khích họ cống hiến, tạo được niềm tin về sự công bằng nơi môi trường mà mình công tác.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh,
Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố

Hà Trần (thực hiện)

;
.
.
.
.
.
.