Ngay sau khi kết thúc thời gian cách ly xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) - Chi nhánh Đà Nẵng đã kịp thời giải ngân cho những hộ dân có nhu cầu vay vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất.
Phiên giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Đà Nẵng tại UBND xã Hòa Sơn vào sáng 16-5. Ảnh: M.H |
Vào một buổi sáng cuối tuần, tại trụ sở UBND xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) có rất đông người dân đến đây với tâm trạng háo hức, hồi hộp chờ đợi để được cán bộ Ngân hàng CSXH giải ngân. Đây sẽ là những đồng vốn có thể giúp họ có cuộc sống no ấm hơn trong thời gian đến.
Cầm trên tay khoản tiền 50 triệu đồng vừa được vay từ Ngân hàng CSXH, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt bà Nguyễn Thị Sinh (sinh năm 1964, thôn An Ngãi Tây 1, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang). Bà Sinh cho biết: “Tôi bắt đầu nuôi gà khoảng 2 - 3 năm nay. Đợt này, tôi vay 50 triệu đồng để làm thêm chuồng và mua thêm con giống. Hiện đàn gà của tôi đang có tầm 50 con. Tôi được vay tiền từ Ngân hàng CSXH theo chương trình vay dành cho hộ nghèo”. Bà Sinh vừa xuất bán lứa gà gần nhất ngay trước Tết nên trước ảnh hưởng của Covid-19, tình hình buôn bán, sản xuất của gia đình bà không bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Thơm (thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) vừa được vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. Bà Thơm chia sẻ: “Tôi được vay từ Ngân hàng CSXH theo chương trình “Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm”. Với số tiền 40 triệu đồng này, trước mắt vợ chồng tôi sẽ đầu tư xây tường rào bao quanh hồ nuôi cá để chống sạt lở bờ và đề phòng cá tràn ra ngoài vào những ngày mưa lũ; đồng thời sẽ đầu tư nâng cấp hệ thống lưới. Được Ngân hàng CSXH hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, thời hạn vay lâu dài, lại không phải thế chấp tài sản, bà con chúng tôi mừng lắm”.
Làm nghề tráng mì Quảng được hơn 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Hai (sinh năm 1968, tổ 46, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên chiểu) cũng vừa vay được 40 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để mở rộng sản xuất. Số tiền này bà sẽ đầu tư nâng cấp lò làm mì Quảng bằng điện hiện có. Trung bình mỗi ngày, bà Hai làm được khoảng 1 tấn mì Quảng. Dự kiến, sau khi lò làm mì Quảng bằng điện được nâng cấp thì chất lượng cùng sản lượng mì Quảng được sản xuất mỗi ngày sẽ tăng lên rất nhiều.
Ông Đoàn Ngọc Cẩm, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang cho hay: “Ngay sau khi kết thúc thời gian cách ly xã hội, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang đã tích cực giải ngân, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế, sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn huyện. Từ ngày 1 đến 16-5, phòng đã tổ chức giải ngân 402 lượt hộ vay vốn với số tiền 13,7 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, số vốn người vay trả là 6,1 tỷ đồng.
Các hộ vay vốn đa phần thuộc các chương trình vay “Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm” với 189 lao động vay với số tiền 8,3 tỷ đồng, “Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn” với 194 hộ vay với số tiền 3,8 tỷ đồng; nâng tổng dư nợ cho vay tại đơn vị trên 501 tỷ đồng với 14.725 hộ còn dư nợ”. Các hộ dân được tiếp cận vay vốn từ Ngân hàng CSXH thông qua “cấu nối” là các hội, đoàn thể và những người phụ trách các tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương, cụ thể là Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên.
Theo ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Đà Nẵng thông tin, tính từ ngày 1 đến 17-5, Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Đà Nẵng đã giải ngân cho 2.325 lượt hộ vay vốn với số tiền 99,284 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng cũng đã gia hạn nợ 336 triệu đồng/12 hộ vay vốn. |
MAI HIỀN