Các nước "mạnh tay" với những người từ chối tiêm vắc-xin

.

Để ứng phó với Covid-19, thảm họa y tế chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nhiều quốc gia đã chọn những cách hành xử “xưa nay hiếm”: Việc từ chối tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 bị coi là hành vi phạm pháp và phải đối mặt với các hình thức chế tài nghiêm khắc.

Một phụ nữ đang được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Jakarta, Indonesia.  Ảnh: THX/ZUMA PRESS
Một phụ nữ đang được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/ZUMA PRESS

“Sẽ bị bỏ lại phía sau”

Trong khi Indonesia áp mức phạt tiền lớn đối với người không chịu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, một số chính phủ khác chọn cách hạn chế những người nói không với vắc-xin đến những nơi công cộng hoặc ngăn họ di chuyển tự do theo nhu cầu. Một số nước đang cố gắng tìm mọi giải pháp từ thuyết phục, thúc ép cho tới bắt buộc người dân phải tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 với mong muốn sớm đạt được miễn dịch cộng đồng để kiểm soát đại dịch và vực dậy nền kinh tế.

Hãng tin Reuters cho hay, theo quy định sửa đổi vừa được Tổng thống Indonesia Joko Widodo ký ban hành, nước này sẽ phạt tới 356 USD với người không chịu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Kết quả khảo sát dư luận do hãng tư vấn và nghiên cứu Saiful Mujani của Indonesia thực hiện từ giữa tháng 12-2020 cho thấy, khoảng 37% người được hỏi nói rằng sẽ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19; 17% nói không và 40% nói vẫn chưa quyết định. “Các biện pháp trừng phạt là nỗ lực mới nhất của chúng tôi nhằm thuyết phục người dân tham gia tiêm phòng”, bà Siti Nadia Tarmizi, quan chức thuộc Bộ Y tế Indonesia chia sẻ với Reuters.

Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người (chiếm 2/3 tổng số hơn 270 triệu dân) trong vòng 15 tháng nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Không phạt tiền như Indonesia, Israel - quốc gia đang dẫn đầu thế giới về tiến độ triển khai chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho toàn dân - đặt quy định phân biệt rõ ràng giữa những người đã tiêm và chưa tiêm vắc-xin trong các kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế. Theo đó, những người đã được xác nhận tiêm vắc-xin, được gọi là những người có “hộ chiếu xanh”, có thể đến các phòng gym, khách sạn và đi du lịch mà không phải thực hiện cách ly y tế bắt buộc. Những người “ngoan cố” không tiêm vắc-xin “sẽ bị bỏ lại phía sau”, Bộ trưởng Y tế Israel từng nhấn mạnh.

Liên minh châu Âu (EU) và Úc cũng đã cân nhắc áp đặt các hạn chế đi lại với những người không có chứng nhận đã tiêm vắc-xin. Tòa án tối cao Brazil ra phán quyết những người từ chối tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 có thể bị cấm đến hoặc tham gia một số điểm hay sự kiện cộng đồng. Người dân Brazil cũng đã tổ chức một số cuộc biểu tình phản đối chính sách bắt buộc tiêm vắc-xin.

Trong lúc đó, Singapore tuyên bố sẽ không dự trữ số liều vắc-xin cho những người từ chối tiêm. Ở Hàn Quốc, những ai thuộc đối tượng được tiêm nếu từ chối sẽ bị đẩy xuống cuối danh sách được tiêm.

“Củ cà rốt” hay “cây gậy”?

Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất do Công ty nghiên cứu thị trường IPSOS thực hiện trong tháng 2-2021, so với thời điểm cuối năm ngoái, hiện có nhiều người hơn muốn tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Khảo sát của IPSOS được thực hiện với những người từ 75 tuổi trở xuống tại 15 quốc gia lớn. Tuy nhiên, tại những nước tham gia khảo sát, vẫn còn ít nhất 1/5 số dân có tâm lý chần chừ nên các nhà chức trách đang nỗ lực tìm giải pháp tác động tốt nhất tới họ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo việc bắt buộc người dân phải tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 có thể gây phản tác dụng. Theo WHO, các quốc gia có quyền tự triển khai các chiến dịch tiêm chủng của riêng mình, nhưng việc bắt buộc người dân sử dụng vắc-xin có thể là quyết định sai lầm. Bác sĩ Ranit Mishori, chuyên gia cố vấn y tế cấp cao tại tổ chức phi chính phủ Physicians for Human Rights (Mỹ) nói: Trong vấn đề sức khỏe cộng đồng, nhìn chung tốt nhất là nên triển khai với “củ cà rốt” hơn là với “cây gậy”.

Một số quốc gia như Mỹ, Nhật và phần lớn các nước châu Âu đều chọn cách tiếp cận để người dân tự nguyện lựa chọn tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, để khuyến khích họ làm việc này, các chính trị gia đã chủ động tiêm trước và việc tiêm của họ được tường thuật trực tiếp trên truyền hình. Bên cạnh đó, các chính phủ cũng triển khai nhiều chiến dịch tuyên truyền vận động người dân tiêm vắc-xin để bảo vệ bản thân và những người thân yêu của họ cũng như cộng đồng.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Wall Street Journal, Reuters)

;
;
.
.
.
.
.