Đưa "Ngâm Kiều toàn truyện" lên mạng

.

Từ khi ra đời đến nay, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du không chỉ mở ra một chương mới của nền văn học Việt Nam mà còn mang đến một đời sống nghệ thuật mới. Người ta ngâm Kiều, đọc Kiều, lẩy Kiều, ví Kiều, làm phim, dựng kịch từ Kiều… Ở thời mạng xã hội phát triển, 3.254 câu Kiều đã được ngâm và phát trên YouTube hứa hẹn là nhịp cầu kết nối với giới trẻ.

NSND Thanh Hoài (giữa) thể hiện một trích đoạn ngâm Kiều. Ảnh: HÒA NGUYỄN
NSND Thanh Hoài (giữa) thể hiện một trích đoạn ngâm Kiều. Ảnh: HÒA NGUYỄN

Tôn vinh một lối ngâm độc đáo

Người khởi sự dự án “Ngâm Kiều toàn truyện” là nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long. Ấp ủ đã lâu, nhưng phải tới cuối năm 2020, đầu năm 2021, khoảng thời gian ở nhà thực hiện giãn cách xã hội do Covid-19, anh mới bắt tay lập đề án, mở lời với các nghệ sĩ. NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần, NSƯT Quốc Khanh… sẵn sàng hợp tác. Nhiều nghệ sĩ như Trần Quế Hương (đàn tranh), Phạm Đức Bình (đàn nguyệt), Lê Hữu Trung (sáo, bầu), NSƯT Xuân Hải (nhị)… cũng đồng lòng nhận lời.

“Ngâm Kiều toàn truyện” là dự án tôn vinh lối ngâm độc đáo gắn liền với kiệt tác văn học Việt Nam - Truyện Kiều. Lối ngâm này còn được các nghệ sĩ nghệ thuật và âm nhạc truyền thống dân tộc gọi là lẩy Kiều. Nhưng để hoàn thành dự án và đưa miễn phí lên mạng xã hội thì còn nhiều khó khăn, áp lực.

“Khó khăn đầu tiên là kinh phí”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long - chủ dự án tiết lộ. Nhưng may mắn anh được quỹ Thiện Tâm tài trợ 35%. “Làm nghề nhiều năm, tôi thấy hầu như loại hình nghệ thuật truyền thống ít có tài trợ. Năm vừa qua, khi nào tình hình dịch bệnh được kiểm soát và có thể đi biểu diễn, tôi lại tích góp kinh phí dồn vào dự án. Phần thu âm được thực hiện tại phòng thu cá nhân của nghệ sĩ Chu Cường. Đảm nhiệm phần vẽ tranh minh họa là nhóm của họa sĩ Nguyễn Quỳnh; phần kỹ thuật dựng do Ngọc Tiến (VTVcab) thực hiện”, nhạc sĩ Quang Long chia sẻ.

Cháy hết mình vì nghệ thuật

Tham gia dự án, NSND Thanh Hoài là người cao tuổi nhất. Bà kể rằng, khi Nguyễn Quang Long mời bà tham gia dự án, bà rất đồng cảm. “Tôi nghĩ cần giữ lại vốn cổ của cha ông để truyền lại cho đời con cháu. Mai sau con cháu cần biết thế nào là ru Kiều, lẩy Kiều. Theo tôi, Truyện Kiều chính là hồn cốt Việt Nam. Tôi muốn tham gia cùng các nghệ sĩ trẻ để sau này mọi người hiểu thêm về Truyện Kiều, giữ làn điệu dân gian của cha ông ta”, nghệ sĩ Thanh Hoài bộc bạch. Vì thế, dù kinh phí hạn hẹp, thù lao cho nghệ sĩ hết sức khiêm tốn, nghệ sĩ Thanh Hoài vẫn vui vẻ, toàn tâm toàn ý ngâm Kiều.

Còn NSƯT Thúy Ngần đánh giá, “Ngâm Kiều toàn truyện” là “công trình thế kỷ”. Bà tâm sự: “Tôi vinh dự khi được Nguyễn Quang Long mời tham gia dự án. Được lao động nghệ thuật là hạnh phúc. Tôi sẵn sàng cháy hết mình vì nghệ thuật. Tôi là diễn viên chèo, thỏa sức hóa thân các nhân vật trên sân khấu. Khi ngâm Kiều thì có nhiều rung động về từng tính cách nhân vật mà Nguyễn Du phác họa qua lời thơ... Khi ngồi uống chén trà, ăn kẹo lạc đồng quê mà nghe giọng Kiều qua âm nhạc truyền thống, thật không có gì hấp dẫn bằng”.

Có thể nói, đến thời điểm này, đây là dự án đầu tiên và duy nhất giới thiệu Truyện Kiều hoàn toàn theo đúng lối ngâm Kiều. Sau khi được âm nhạc chắp cánh, toàn bộ 3.254 câu thơ trong tác phẩm Truyện Kiều có tổng thời lượng 561 phút, tức tương đương gần 10 tiếng âm thanh. Để khán giả dễ dàng tiếp cận, nhóm dự án chia thành 12 chương theo nội dung của truyện, mỗi chương có độ dài trên 30 phút cho tới 100 phút.

Các chương này sẽ được lần lượt giới thiệu lúc 20 giờ các ngày thứ Ba, Năm, Bảy từ ngày 1-4 đến 24-4-2021 trên kênh YouTube Dân ca & nhạc cổ truyền do nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long sáng lập, giới thiệu và tôn vinh nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam.

“Trong thời internet phát triển, người nghe được cung cấp quá nhiều lựa chọn để giải trí và phần nào dễ thờ ơ với nghệ thuật truyền thống. Nhưng ngược lại, cũng nhờ internet và mạng xã hội, những người tâm huyết và cùng quan tâm nghệ thuật truyền thống lại có thể kết nối với nhau dễ dàng. Nếu tôi không có những nghệ sĩ tài năng hiểu và cùng chia sẻ, tôi không thể thực hiện được dự án này”, anh chia sẻ.

Còn nhà thơ Hồng Thanh Quang nói rằng, ông rất khâm phục nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long và các thành viên tham gia nhóm Ngâm Kiều. “Dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du vừa qua, có nhiều tác phẩm liên quan Truyện Kiều”. Tôi nghĩ Truyện Kiều hay là nhờ câu chữ Nguyễn Du, còn các thể loại khác (chuyển thể từ Truyện Kiều - PV) là nhờ tài năng người nghệ sĩ hiện đại.

“Ngâm Kiều toàn truyện” của Nguyễn Quang Long cùng các nghệ sĩ giữ nguyên bản ngôn từ Truyện Kiều với tất cả sự trân trọng đối với đại thi hào Nguyễn Du vẫn truyền đạt được cảm xúc cá nhân của các nghệ sĩ đương đại bằng cách thể hiện.

Và tôi nghĩ đây là dự án gần với cụ Nguyễn Du nhất trong dịp kỷ niệm này”, nhà thơ Hồng Thanh Quang nhấn mạnh, đồng thời nói thêm: “Trước đây, các bậc trí giả trong túi có một cuốn Truyện Kiều, khi cần thì bói Kiều. Tôi nghĩ trong thời đại này, chúng ta sẽ có một băng hay USB “Ngâm Kiều toàn truyện” để khi có điều gì thì nghe một câu ngâm và nghĩ cách xử lý vấn đề”.

Vậy là giờ đây, những câu chữ trong Truyện Kiều được vang lên trên YouTube. Bảo giới trẻ đọc Truyện Kiều bây giờ e là khó, nhưng chỉ cần lướt bàn phím điện thoại có thể nghe những câu Kiều ngân nga trầm bổng thì hy vọng sẽ nhận được sự hưởng ứng của những người trẻ.

..."Không phải ngẫu nhiên mà dân ta ru con cũng bằng Truyện Kiều. Khi đang phân vân, khi đang áy náy, khi đang không hiểu điều gì đó, người ta cũng tìm đến Kiều bằng cách bói Kiều. Khi cần hiểu điều gì tinh tế, tế nhị thì lẩy Kiều, tập Kiều, tức đưa 1-2 câu Kiều ra, sửa đổi một vài chi tiết để hợp tình hợp cảnh”…

Nhà thơ Hồng Thanh Quang

THƯ HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.