Thoảng hương hoa dẻ

.

Sáng sớm tinh sương, ngọn gió nồm của những ngày cuối xuân mang theo mùi hương thơm dịu ngọt nồng nàn luồn vào khe cửa khiến tôi choàng tỉnh. Mùi hương tinh khiết đánh thức cả ký ức cũ càng đã ngủ vùi lâu lắm, ký ức về một thuở học trường làng, rón rén ngắt từng cánh hoa ép vào trang vở và hít hà mùi hương…

Cứ độ cuối xuân, đầu hè, hoa dẻ bắt đầu bung những bông hoa sáu cánh. Ảnh: T.L
Cứ độ cuối xuân, đầu hè, hoa dẻ bắt đầu bung những bông hoa sáu cánh. Ảnh: T.L

Không kiêu sa, đài các, cũng không nằm trong danh mục những loài hoa được chưng trồng trong sân vườn. Hoa dẻ sống đời bình dị lẫn vào những loài cây bụi khác ở những bãi đất hoang. Cứ độ cuối xuân, đầu hè, hoa dẻ bắt đầu bung những bông hoa sáu cánh, mùi thơm đầm dần khi cánh hoa chuyển từ màu xanh sang màu vàng. Ấy là khi hoa dẻ chín.

Thuở nhỏ, mẹ thường kể về hoa dẻ bằng chất giọng trầm buồn, rằng loài hoa ấy là tình yêu tinh khiết của một cô gái dành cho chàng trai con nhà vương giả. Sự trói buộc hà khắc của gia đình khiến họ xa nhau, cô gái biến thành loài hoa dại mang hương thơm kỳ lạ khiến nhân gian bao người vương vấn mùi hương. Mỗi mùa hoa dẻ, chúng tôi được mẹ tạo ra những chậu nước thơm phức từ hoa để tắm và gội đầu. Hương hoa cứ thế thoảng cả ngày trên mái tóc khét nắng của đứa trẻ lớn lên từ đồng làng, vương cả trên áo. Mẹ nói hoa dẻ không chỉ thơm mà còn khiến tinh thần trở nên thoải mái, nhẹ nhàng trước cuộc sống áo cơm.

Mẹ tôi cũng yêu thích mùi hương hoa dẻ, thương cảm trước phận đời cô gái với tình yêu trinh trắng trong câu chuyện dân gian truyền miệng về loài hoa này. Có lẽ vì thế, thuở ấu thơ, tôi bao lần lang thang hái hoa sau giờ tan học đến chiều xế bóng, giữa buổi nắng chang chang, quên cả giờ cơm trưa hay thậm chí trễ giờ vào lớp nhưng mẹ vẫn không hề la mắng khi thấy nét mặt hớn hở của chúng tôi ở đầu ngõ, hai tay úp đầy những chùm hoa vàng rộm.

Nhớ thời còn mài đũng quần trên ghế trường làng, hễ đến mùa hoa dẻ, tôi cùng lũ bạn thường đi học thật sớm hoặc trở về nhà thật muộn, dành thời gian lang thang ở những bãi đất hoang đầy cây bụi sau sân trường để hái hoa dẻ. Những cánh hoa mang về được ép cẩn thận vào từng trang vở học trò. Đêm đến, dưới ngọn đèn dầu, chúng tôi ngồi học bài và hít hà hương hoa thơm ngát. Những cánh hoa dẻ nhanh chóng đổi sang màu sẫm trong từng trang vở nhưng không hề mất đi mùi hương. Năm cuối cấp, chúng tôi còn ép hoa dẻ tặng nhau trong ngày chia tay rời trường cũ, thay vì những cánh hoa phượng đỏ rực.

Năm chị gái tôi mười tám tuổi, vào những đêm trăng quê sáng đằm dịu, chị cùng vài người bạn thường ra bờ đê, tìm đến gốc hoa dẻ tỏa hương để chuyện trò, ca hát trong tiếng guitar bập bùng. Thuở ấy, công nghệ số còn chưa phát triển, những chiếc smartphone có lẽ đang nằm trong ý tưởng của nhà sáng chế. Tình yêu của chị cũng đến từ những cánh thư tay thoảng mùi hoa dẻ. Mỗi lần nghe tiếng xe đạp lọc cọc và tiếng bóp phanh rít từ đầu ngõ của bác bưu tá, kèm theo tiếng gọi trầm đặc: “Thư đây”, gương mặt chị bất chợt rạng rỡ, chạy ào ra đón lấy, rồi từ từ mở phong thật nhẹ nhàng như sợ mùi hương theo cánh hoa bay đi mất. Với mỗi lá thư đọc xong, chị đều cẩn thận đặt lại cánh hoa dẻ vào đúng vị trí được ép ban đầu. Ngày cưới, chị gói ghém những phong thư xếp gọn vào một góc vali mang theo về nhà chồng. Chị nói, tình yêu hay mùi hương hoa dẻ đều cần được vun vén, nâng niu và gìn giữ mới đẹp và bền lâu.

Tháng năm cho chúng tôi khôn lớn, rời đi. Mùi hương hoa dẻ cùng kỷ niệm ấu thơ neo lại trong sâu thẳm ký ức. Thảng hoặc ký ức ấy được đánh thức khi có dịp về quê, tản bộ qua những nơi mình từng la cà, nhào lộn với đủ trò chơi trẻ con thuở nhỏ đúng mùa dẻ nở hoa.

Có lẽ vì nhớ thương, hoặc vì sự quyến rũ một mùi hương, hoa dẻ bây giờ được tìm tòi đưa lên phố, trồng vào chậu. Dù tán cây không thỏa sức bung rợp như sức sống tự nhiên trên đồng quê, biền bãi nhưng hoa vẫn ban mùi hương tinh khiết. Thứ mùi hương thoảng trong gió sớm, khi đường phố còn thông thoáng, chưa gợn chút ồn ả của xe cộ khiến những đứa dân quê sống đời thị thành như tôi thao thiết nhớ về những tháng năm đã qua...

THIÊN LAM

;
;
.
.
.
.
.