Đà Nẵng cuối tuần

Về sự xuất hiện của thuật ngữ "chữ quốc ngữ"

06:56, 31/07/2022 (GMT+7)

* Thuật ngữ “chữ quốc ngữ” ở nước ta xuất hiện vào năm nào? (Hà Văn Nguyên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)

- Ngày trước, dưới các triều Trần, Lê ở nước ta, chữ quốc ngữ được gọi là chữ Nôm. Chữ Nôm (còn được gọi là quốc âm hay quốc ngữ) là bộ chữ được người Việt tạo ra dựa trên chữ Hán, các bộ thủ, âm đọc và nghĩa từ vựng trong tiếng Việt.

Trang đầu cuốn Phép giảng tám ngày của Alexande de Rhode, bên trái là chữ Latinh, bên phải là chữ Quốc ngữ. Alexande de Rhode có công lớn trong việc hệ thống hóa ký âm tiếng Việt bằng chữ Latinh và phổ biến chữ quốc ngữ qua việc in cuốn tự điển Việt-Bồ-La năm 1651. (Ảnh tư liệu)
Trang đầu cuốn Phép giảng tám ngày của Alexande de Rhode, bên trái là chữ Latinh, bên phải là chữ Quốc ngữ. Alexande de Rhode có công lớn trong việc hệ thống hóa ký âm tiếng Việt bằng chữ Latinh và phổ biến chữ quốc ngữ qua việc in cuốn tự điển Việt-Bồ-La năm 1651. (Ảnh tư liệu)

Chu Văn An (1292-1370) ngoài các tác phẩm bằng chữ Hán, còn có Quốc ngữ thi tập (nay đã bị thất lạc, chỉ còn một số bài thơ) viết bằng chữ Nôm. Cũng vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) có Bạch Vân quốc ngữ thi viết bằng chữ Nôm. Trong bài báo Nguyễn Bỉnh Khiêm với Bạch Vân quốc ngữ thi tập: Các hình thức diễn đạt về sự ẩn dật đăng trên Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Lê Văn Tấn cho biết, Bạch Vân quốc ngữ thi tập được đánh giá là sự kế thừa và tiếp nối xứng đáng tuyển tập thơ Nôm Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi ở nửa đầu thế kỷ XV, đồng thời đánh dấu một bước phát triển mới trên hành trình hoàn thiện mình của văn học viết Việt Nam.

Riêng thuật ngữ “chữ quốc ngữ” xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, khi loại chữ dùng chữ cái Latinh để phiên âm tiếng Việt được chính thức công nhận vào ngày 1-1-1882, đúng 140 năm trước. Đây là ngày chính quyền thực dân Pháp đã buộc người Việt ở Nam Kỳ “phải dùng chữ quốc ngữ”. Nội dung quan trọng này nằm trong nghị định ra ngày 6-4-1878 “về việc dùng tiếng An Nam bằng mẫu tự Latinh” do thống đốc Nam kỳ Lafont ký. Nghị định này ra đời sau 20 năm Pháp xâm chiếm nước ta và sau thế kỷ ra đời và phát triển của chữ Việt.

Bài báo 130 năm thăng trầm chữ Việt đăng trên Báo Tuổi Trẻ ngày 19-12-2011 đã đặt câu hỏi “Vì sao người Pháp ra nghị định 6-4-1878?” và dẫn lời tác giả Nguyễn Văn Trung trong “Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc” để giải thích rằng điều này được nói rõ trong nội dung nghị định với đoạn như sau:

“Xét rằng chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Latinh ngày nay đã khá phổ thông trong các tỉnh Nam kỳ, là thứ chữ dễ học hơn chữ Nho và tiện lợi nhiều so với chữ Nho trong việc làm cho những giao dịch giữa các quan cai trị với dân bản xứ được trực tiếp hơn. Xét rằng việc dùng hợp pháp thứ chữ đó chỉ làm cho dân chúng dễ đồng hóa với chính quyền ta, và vì thế thật là một đường lối chính trị tốt nếu bắt buộc dùng nó trong các giao dịch chính thức. Tuy nhiên, xét rằng một cải cách quan trọng như thế không thể thực hiện được ngay tức khắc, và để thực hiện nó cần có sự cộng tác của những tầng lớp lãnh đạo trong dân chúng. Chiếu đề nghị của quyền giám đốc nội vụ, sau khi hội đồng tư vấn đã được hội ý kiến, nay ra nghị định:

Điều 1: Kể từ ngày 1-1-1882, tất cả những văn kiện chính thức, nghị định, quyết định, sắc lệnh, phán quyết, chỉ thị... sẽ được viết, ký và công bố bằng chữ mẫu tự Latinh.

Điều 2: Kể từ ngày trên, không một tuyển dụng nào được thi hành, không một thăng trật nào được cho phép, trong ngạch phủ, huyện, tổng đối với bất cứ ai không ở trong tình trạng viết được chữ quốc ngữ”.

Có thể nói, kể từ ngày 1-1-1882, người Việt bắt đầu chính thức sử dụng thứ chữ viết từng được gọi là “chữ quốc ngữ, quốc ngữ hay tiếng An Nam dùng chữ Langsa”, thứ chữ viết hôm nay người Việt dù sống ở đâu, trên đất nước Việt Nam hay nơi nào đó trên thế giới đều xem là văn tự chính thống của người Việt.

ĐNCT

.