Hương vị hồn quê Trà Quế

.

Tạo hóa ban cho mỗi vùng đất những đặc trưng riêng, để định danh và cũng để lưu luyến lòng người. Nếu miền Tây Nam bộ có món gỏi cuốn, gói từ bánh tráng, tôm, thịt và rau thì miền Trung, có món tam hữu ở làng rau Trà Quế đậm đà hương vị đặc trưng, làm nên tên tuổi cho cả một vùng đất trồng rau lâu đời và nổi tiếng.

Món tam hữu. Ảnh: Internet
Món tam hữu. Ảnh: Internet

Nhìn từ trên cao, làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, Hội An, tỉnh Quảng Nam) như một tấm thổ cẩm đa sắc được dệt từ những mảng xanh đậm nhạt song song trải dài đến cuối chân trời. Từ trung tâm thành phố Hội An cổ kính, về phía đông bắc khoảng 2km, làng rau trăm tuổi nép mình bên nhánh sông Cổ Cò được phù sa bồi đắp. Được đất trời ưu ái, khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với tình yêu nghề và sự chịu thương chịu khó bao đời của người nông dân miền Trung mà Trà Quế đã trở thành một trong những làng nghề nổi tiếng nhất ở Việt Nam, làng nghề truyền thống hơn 300 năm tuổi. Thế nên ca dao có câu ca rằng: “Ai về Trà Quế quê ta/ Rau xanh thơm ngát mượt mà xưa nay”.

Hơn 40 loại rau xanh mơn mởn chen nhau tỏa một hương vị rất riêng mà không đâu có được, các loại rau gia vị như: húng, hành, rau mùi hay tía tô… được canh tác bằng phương pháp hữu cơ truyền thống, dưới bàn tay tỉ mỉ của người dân nơi đây cộng hưởng với không khí trong lành, thời tiết thuận hòa. Nước tưới rau được người dân gánh bằng gàu từ nguồn nước sạch trong lòng đất, phân bón được làm từ rong xanh của con sông Đế Võng quanh năm bồi đắp.

Hằng năm, cứ vào tháng Giêng, người dân trong làng Trà Quế tổ chức lễ hội Cầu Bông, với tâm niệm bày tỏ tấm lòng tạ ơn đất đai đã ban cho một mùa tươi tốt và gửi gắm ước mong mưa thuận gió hòa cho một vụ mùa mới. Trong mâm lễ, bao giờ cũng có đĩa tam hữu được bài trí chỉn chu và trang trọng mà người dân xứ Quảng vẫn hay gọi là “Tam (tôm) hữu” như một nét riêng suốt hàng trăm năm qua. Tam hữu là một món ăn không quá cầu kỳ, nguyên liệu và cách chế biến chỉ vỏn vẹn ba loại chính là tôm, thịt và rau thơm. Khi thưởng thức tam hữu ngay tại không gian trong lành của làng rau Trà Quế, ta mới cảm nhận trọn vẹn hương vị mặn, ngọt, cay nồng của một vùng đất.

Con tôm được đánh bắt trên dòng sông Đế Võng ngọt lành và mang theo nhiều dư vị. Heo được người dân trong làng nuôi trong chuồng nhà cho ăn cám gạo và rau. Rau thơm đặc trưng của vùng đất này được chăm bón bởi đôi tay và những giọt mồ hôi của người dân nơi đây. Tất cả hòa quyện vào nhau, được buộc lại khéo léo bằng lá hành trụng nồng đượm vị quê.

Gắp một cuộn tam hữu chấm vào chén nước mắm tự tay pha chua ngọt, rồi từ từ thưởng thức vị ngọt thanh, tươm ra từ con tôm đất vừa chín tới, vị beo béo của miếng thịt heo ba chỉ luộc được thái thành từng lát dài vừa cỡ ngón tay, hương thơm nồng của ngọn rau thơm vừa mới hái ngoài vườn, hương thơm nồng tiết ra từ lá hành trụng chín tái quyện với cái mặn mà, the the đầu lưỡi của nước mắm chua ngọt. Một lần được nếm thử cuộn tam hữu trên vùng đất Trà Quế như ôm trọn vị tươi ngon, tinh khiết của cả đất đai, sông hồ vào lòng. Dân dã nhưng là kết tinh của những nguyên liệu quê nhà không đâu có được.

Những ai đã từng thưởng thức qua cuộn tôm hữu đượm tình quê trên làng rau Trà Quế sẽ không khỏi xao xuyến vì vị ngon bình dị nhưng thấm thía. Món tam hữu không chỉ tinh tế về vị giác mà còn mang theo thông điệp nhân văn về tình đất và người. Với con tôm dưới nước, thịt heo trên bờ và rau thơm là đặc sản của làng, tất cả tạo nên nét tinh tế trong văn hóa ẩm thực xứ Quảng nồng hậu, ân tình.

LÊ MÂY

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích