Theo chân người thợ cầu

.

Giữa những ngày Đà Nẵng nóng như đổ lửa, chúng tôi theo chân đội nhân viên kỹ thuật, tuần tra, vận hành Xí nghiệp Quản lý cầu thuộc Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng đi một vòng khắp các cây cầu trên địa bàn thành phố. Gần như mặc định, họ mang theo bút, sổ ghi chép, đèn pin, dây thừng, máy đo nhiệt độ, sức gió và một số dụng cụ hỗ trợ kiểm tra cầu ở những vị trí khó...

Xe chuyên dụng của Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng hỗ trợ đưa cán bộ kỹ thuật, tuần tra xuống kiểm tra vị trí dầm cầu tại cầu Khuê Đông, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Ảnh: TIỂU YẾN
Xe chuyên dụng của Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng hỗ trợ đưa cán bộ kỹ thuật, tuần tra xuống kiểm tra vị trí dầm cầu tại cầu Khuê Đông, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Ảnh: TIỂU YẾN

Vượt qua chính mình

Chiếc thang máy nằm trong trụ tháp nghiêng cầu Trần Thị Lý chỉ đủ rộng cho 3 người lớn đứng nép vào nhau. Trong lúc đưa chúng tôi lên đỉnh tháp cao 145m, anh Tán Thịnh, Đội phó Đội Vận hành tranh thủ áp tai vào gần hệ thống vận thăng, lắng nghe âm thanh ròng rọc quay. Theo anh Thịnh, với kinh nghiệm của người cán bộ kỹ thuật, chỉ cần nghe tiếng ròng rọc quay trong quá trình vận hành thang máy, sẽ ít nhiều đoán được một số triệu chứng như khô dầu mỡ hay trục vít, hệ thống bánh răng, puly dẫn hướng có vấn đề.

Sau vài phút chầm chậm đưa 3 người lên cao, thang máy dừng lại khi vừa chạm đỉnh trụ. Từ bên trong, chúng tôi khó khăn bước ra, luồn người leo thêm vài bậc thang di động để lên đỉnh tháp. Vừa đi trước dẫn đường, anh Thịnh vừa ngoái đầu dặn người đi sau cẩn thận. Câu nói chậm rãi dường như đối lập với những giọt mồ hôi đang túa ra trên khuôn mặt anh.

Đứng giữa đỉnh tháp, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là nắng và gió. Khuôn viên trụ tháp rộng hơn 10m2 chằng chịt dây cáp cố định cột thu phát tín hiệu. Theo lịch phân công, hôm nay đội của anh Thịnh sẽ tiến hành bảo dưỡng hệ thống vận thăng cây cầu này. Công việc bắt buộc họ phải theo thang máy lên đỉnh tháp và lần theo hộp kỹ thuật kiểm tra các mối nối, hệ thống điện, pa lăng cũng như bôi dầu mỡ vào hệ thống bánh răng, puli dẫn hướng…

Độ cao, nắng nóng cùng hệ thống dây cáp, máy móc chằng chịt khiến người quen việc như anh Thịnh cũng phải lần dò từng bước chân chậm rãi. “Làm việc ở độ cao giữa thời tiết nắng nóng, chúng tôi dặn nhau không được chủ quan. Bởi nắng to thì người mất nước nhanh, dễ chóng mặt, choáng, buồn nôn nên chỉ cần một phút lơ là, hậu quả sẽ khó lường. Chưa kể đang làm giữa trưa nắng mà gặp cơn mưa giông thì sức khỏe bị ảnh hưởng”, anh Thịnh phân trần.

Di chuyển lên đỉnh tháp cầu Trần Thị Lý để kiểm tra, bảo trì, xử lý lỗi kỹ thuật đã khó, lên đỉnh đầu cầu Rồng, cầu Thuận Phước càng khó hơn. Độ khó ấy đến từ những rủi ro, tình huống nguy hiểm khó lường khi di chuyển trong hộp kỹ thuật chật hẹp hoặc trên hệ thống dây võng cao, dài hàng trăm mét. Để tự tin sải bước trên hệ thống cầu treo dây võng dài 655m tại cầu Thuận Phước, nữ cán bộ kỹ thuật Nguyễn Kiều Hạnh luôn tự trấn an mình bằng nhiều cách.

Đầu tiên, chị động viên bản thân “người khác làm được mình cũng làm được”, tiếp đó là chuẩn bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ, hít một hơi thật sâu trước khi chậm rãi đặt chân lên hệ thống dây văng. Là thành viên đội kỹ thuật, nhiệm vụ của chị là phối hợp với đồng nghiệp kiểm tra, đánh giá các thông số kỹ thuật ở hệ thống cáp treo, đỉnh tháp, dầm hộp, gối cầu… Chị Hạnh nói, trời quang, ít gió giúp việc đi lại trên dây võng, trụ tháp đỡ căng thẳng.

Nhưng đó chỉ là mơ ước của đội ngũ cán bộ chăm sóc, bảo dưỡng cầu. Bởi lẽ, đứng trước “họng gió” cửa sông, cây cầu dây võng này thường xuyên đón từng cơn gió lộng. Lúc ấy, hệ thống dây cáp đung đưa như đánh võng khiến người thần kinh yếu dễ say sóng, chao đảo, mất thăng bằng. Dù vậy, với người cán bộ kỹ thuật, những khi như thế, chân vẫn phải tiếp tục bước về phía trước bởi nhiệm vụ an toàn cầu là trên hết.

Là nữ cán bộ kỹ thuật đầu tiên di chuyển trên hệ thống cầu treo dây võng dọc theo cầu Thuận Phước làm nhiệm vụ đánh giá hiện trạng công trình, chị Hạnh phải vượt qua hội chứng sợ độ cao khi đứng trên đỉnh tháp cao hơn 80m tính từ mực nước sông. Càng leo lên cao, sức gió càng thổi mạnh. Theo chị Hạnh, phần nhịp chính dây võng của cầu Thuận Phước gồm ba nhịp dầm hộp thép liên tục, dài 655m, tổng 69 đốt dầm nối với nhau bằng liên kết hàn.

Ba nhịp dầm này nối qua hai trụ tháp cao 80m với kết cấu dạng khung bằng bê -tông cốt thép. Cáp chủ gồm 2 bó cáp, đường kính 360mm và cáp treo gồm 114 bó bố trí cách nhau trung bình 9,9m… Với kết cấu kỹ thuật phức tạp cộng những thách thức về khí động học tác động lên bề mặt cầu, đội ngũ kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc sớm tìm ra các lỗi kỹ thuật dù là nhỏ nhất nhằm tiết kiệm chi phí bảo trì cũng như bảo đảm xuyên suốt mạch giao thông đường bộ.

Nhân viên vận hành Xí nghiệp Quản lý cầu đang kiểm tra hộp kỹ thuật tại cầu Trần Thị Lý. Ảnh: TIỂU YẾN
Nhân viên vận hành Xí nghiệp Quản lý cầu đang kiểm tra hộp kỹ thuật tại cầu Trần Thị Lý. Ảnh: TIỂU YẾN

Không chờ hư mới sửa

Sau khi cẩn thận dùng tay, đèn pin rà soát những vết nứt nhẹ dưới dầm cầu Khuê Đông, anh Nguyễn Hữu Hợp, nhân viên tuần tra cầm viên phấn đánh chéo tại vị trí hư hỏng và ghi những lưu ý vào sổ ghi chép. Ở vị trí khó quan sát như dầm cầu Khuê Đông, anh phải nhờ xe chuyên dụng hỗ trợ đưa mình xuống. Theo kế hoạch, nhóm của anh sẽ phối hợp đội ngũ kỹ thuật kiểm tra cầu Khuê Đông trong 2 ngày, qua quan sát bằng mắt thường lẫn sử dụng các thiết bị chuyên dụng soi lỗi kỹ thuật phát sinh.

Mỗi năm, từ đầu tháng 4 đến hết tháng 5, trong điều kiện thời tiết khô hanh, Xí nghiệp Quản lý cầu tổ chức đợt kiểm tra quy mô lớn nhằm sớm phát hiện những khe nứt bê-tông cũng như đánh giá lại khả năng chịu lực của các khe co giãn, mối nối, hộp kỹ thuật lẫn lực căng của hệ thống dây văng, dây võng… Công việc âm thầm diễn ra giữa cực nhọc, nắng gió, quần áo lấm lem nhưng chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Như anh Hợp, những ngày này đôi tay thường xuyên phồng rộp do liên tục chạm tay lên các vết nứt bê-tông giữa thời tiết nắng nóng để ước lượng diện tích khe nứt. Thậm chí, để giảm hiện tượng sốc nhiệt, thỉnh thoảng, anh phải yêu cầu người lái xe chuyên dụng chuyển hộp kỹ thuật ra xa trụ cầu, dầm cầu để tránh hơi nóng tích tụ trong các dầm trụ bê-tông sau thời gian dài hấp nhiệt.

Do đặc thù quản lý 53 cây cầu trên địa bàn thành phố nên công việc của 37 cán bộ, công nhân trực tiếp bảo dưỡng, sửa chữa cầu tại Xí nghiệp Quản lý cầu khá vất vả, nặng nhọc. Mỗi ngày, tùy theo lịch trình được phân công, mỗi người sẽ tỏa đi các hướng làm nhiệm vụ. Đối với lỗi hư hỏng gây mất an toàn giao thông hoặc ảnh hưởng đến kết cấu, mỹ quan công trình sẽ được xí nghiệp sửa chữa, khắc phục trong thời gian không quá 48 giờ kể từ thời điểm phát hiện. Anh Lê Hùng Thạnh, sau 10 năm làm nhân viên tuần tra đã chuyển hẳn sang bộ phận vận hành vì muốn có mặt trên hầu khắp các cây cầu Đà Nẵng.

Theo anh, mỗi vị trí công việc đều có những cực nhọc riêng. Nếu ở bộ phận tuần tra, anh phụ trách kiểm tra các cây cầu trên suốt tuyến đường dài 20-25km, sớm hôm, mưa nắng chi cũng đi một mình. Nhưng khi chuyển qua bộ phận vận hành, anh thường xuyên làm ca đêm để xử lý, phân luồng giao thông trước, trong thời điểm cầu Rồng phun lửa và cầu Sông Hàn quay trong đêm. Chưa kể, vào những tháng cuối năm, tình trạng mưa bão thường xuyên diễn ra, không ít lần anh phải đội mưa ra khỏi nhà giữa khuya để làm nhiệm vụ rào chắn, chốt trực các vị trí.

Nếu chưa từng nghe qua, chẳng ai có thể hình dung khối lượng công việc của đội ngũ chăm sóc, bảo trì, vận hành cầu nhiều đến thế. Và, khối lượng công việc ấy càng nhiều hơn tại những cây cầu vừa phục vụ mục đích giao thông, vừa phục vụ khách du lịch như cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý… Ông Lê Ngọc Biên, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý cầu nói, công việc của đội ngũ kỹ thuật vận hành cầu hiện nay có sự hỗ trợ của máy theo dõi quan trắc.

Tuy nhiên, để cẩn thận hơn, họ vẫn ra hiện trường kiểm tra bằng mắt thường và ghi lại lịch trình, thời gian vào sổ công tác. Tùy theo hạng mục, xí nghiệp sẽ lên kế hoạch kiểm tra hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, hằng quý và sớm lên kế hoạch hàn bù, sơn mới, đề xuất hướng xử lý nếu phát hiện tình trạng xuống cấp, lỗi kỹ thuật. Hiện nay, toàn bộ lực lượng cán bộ, nhân viên xí nghiệp đang làm việc với tinh thần “không chờ hư mới sửa” nhằm góp phần kéo dài tuổi thọ cầu và tiết kiệm chi phí trùng tu, sửa chữa. Các dữ liệu kỹ thuật đều được xí nghiệp lưu lại phục vụ hoạt động đánh giá tình trạng cầu sau thời gian sử dụng.

Đứng giữa nhịp cầu lộng gió, chúng tôi cảm nhận những nắng mưa, vất vả, cực nhọc của người thợ kỹ thuật, vận hành bỗng trở nên nhẹ tênh khi họ cất tiếng cười hào sảng. Anh Lê Hùng Thạnh, sau khi đặt xong barie phân luồng giao thông phục vụ việc tuần tra, sửa chữa cầu Khuê Đông đã kịp mở điện thoại khoe với chúng tôi hình cô con gái xinh, ngoan đang là học sinh cấp 3.

Dường như, làn da rám nắng, công việc vất vả không làm mất đi tinh thần nhiệt huyết, vui vẻ và luôn hướng về gia đình của người đàn ông từng là Bí thư Đoàn phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Cũng như anh Tán Thịnh, ngay khi vừa kết thúc nhiệm vụ bảo dưỡng hệ thống vận thăng cầu Trần Thị Lý, đã có mặt tại hộp kỹ thuật cầu Rồng để kiểm tra thiết bị, máy móc phục vụ cầu phun lửa, phun nước dịp cuối tuần.

Có thể nói, để mỗi cây cầu trường tồn với thời gian thì công tác bảo trì, bảo dưỡng giữ một vai trò quan trọng. Nếu không túc trực, kiểm tra thường xuyên, khi có sự cố dễ dẫn đến tình trạng bị động hoặc kéo dài thời gian sửa chữa, ảnh hưởng huyết mạch giao thông. Lẽ vì thế mà công việc của họ chẳng lúc nào vơi, thậm chí kéo dài như một vòng tròn khép kín.

“Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đội ngũ cán bộ, nhân viên phải tiếp cận sửa chữa, sơn sửa, khắc phục các hư hỏng ở vị trí cao, khó, cheo leo như trụ tháp cầu, giữa các dầm biên, dầm hộp thép, dầm bê-tông, mố neo vừa ngột ngạt, vừa nóng bức. Chưa kể, trong thời điểm cuối năm, khi nhiều cây cầu xảy ra sự cố do lũ lụt, mưa bão, toàn bộ nhân viên xí nghiệp được huy động ra hiện trường 24/24, thi công ngày 3 ca để đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, bảo đảm giao thông thông suốt cho người dân”.
Ông Tống Ngọc Quang, Giám đốc
Xí nghiệp Quản lý cầu

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.