Đà Nẵng cuối tuần

Cổ vật bằng vàng của người Champa

14:46, 10/12/2023 (GMT+7)

Hiện vật bằng vàng của người Champa cổ chẳng những nhiều về số lượng mà còn phong phú, đa dạng về loại hình. Đây là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ thể hiện kỹ thuật chế tác, luyện kim của họ qua các thời kỳ đạt đến trình độ cao. Một số cổ vật đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Những lá vàng hình voi phát hiện ở tháp Cấm Mít, Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN TẤN VỊNH
Những lá vàng hình voi phát hiện ở tháp Cấm Mít, Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN TẤN VỊNH

Vùng đất Quảng Nam từng là kinh đô, thánh địa của người Champa với những di tích nổi tiếng như Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương... Nơi đây có mỏ vàng như Bồng Miêu và vàng sa khoáng ở rải rác khắp nơi. Tại mỏ vàng Bồng Miêu (Phú Ninh, Quảng Nam) có bãi đá dân gian gọi là bãi đá Chăm, là nơi mà người Chăm xưa mang quặng thô khai thác trong núi ra để đãi vàng.

Đây là nguyên liệu để chế tác đồ trang sức, vật dụng, tượng... để sử dụng, trao đổi và dâng cúng các vị thần linh. Ngoài địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng, các khu vực khác ở miền Trung, các nhà khảo cổ hay người dân cũng đã từng phát hiện, tìm thấy những cổ vật bằng vàng như đồ trang sức, nải chuối, những pho tượng..., dân gian thường gọi là vàng hời.

Đầu thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học người Pháp như Henry Parmentier, Charles Carpeaux phát hiện nhiều hiện vật bằng vàng ở các di tích, di chỉ văn hóa Chăm. Năm 1903, trong lúc khai quật khảo cổ di tích Mỹ Sơn, họ phát hiện một bình gốm đất nung chứa nhiều báu vật tại tháp C7. Trong bình có vương miện, vòng cổ, vòng cổ tay, vòng tay, vòng mắt cá chân bằng vàng chạm khắc tinh xảo gắn đá quý thô. Đây là những món trang sức để trang điểm cho một ngẫu tượng của thần Shiva tại Mỹ Sơn.

Cũng vào lúc đó, các nhà khảo cổ phát hiện tượng thần Shiva tại tháp Mỹ Sơn C7, kế bên C1, có niên đại khoảng thế kỷ VIII-IX, bằng sa thạch. Bức tượng này được trang điểm một bộ trang sức bằng vàng. Tại tháp Pô Naga (Khánh Hòa), tháng 2-1906, trong khi khai quật khảo cổ quy mô ở tháp, Henry Parmentier đã 2 lần tìm thấy kho báu của người Champa, trong đó nhiều hiện vật bằng vàng như nhẫn, vòng, độc bình, tượng voi, cá sấu... Qua đó cho thấy nguồn gốc các món trang sức quý báu này là khi hành lễ, người Chăm trang điểm cho các vị thần.

Cho đến nay, cổ vật bằng vàng có giá trị nhất còn lại ở Việt Nam là đầu tượng Siva Phú Long (được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2016). Hiện vật này đang lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam. Đây là đầu tượng Shiva - một bộ phận bị tách rời từ một Kosa-linga. Theo các nghiên cứu, hiện có ít nhất 9 Kosa-linga (đa số chỉ còn phần đầu tượng Siva) cùng loại hình này đang “lưu lạc” ở hải ngoại.

Trong đó, Bảo tàng Guimet (Pháp) sở hữu 2 hiện vật, Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á ở Berlin (Đức) sở hữu 1 hiện vật, Bảo tàng Văn minh châu Á ở Singapore sở hữu 3 hiện vật. Hai hiện vật ở Bảo tàng Guimet đều có tượng thần Shiva gắn trên bao kosa. Đặc biệt, hai tai tượng thần Siva đều có đeo hoa tai bằng vàng. Cùng loại hình hiện vật như vậy, có thể kể đến như Kosa Linga bằng vàng phát hiện tại Quy Nhơn, Bình Định, có niên đại vào thế kỷ XII-XIII, hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam hay Kosa kim loại pha vàng được khai quật năm 2012-2013 tại tháp Po Tằm thuộc xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.  

Đầu tượng Shiva ở Bảo tàng Guimet.  Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG GIANG
Đầu tượng Shiva ở Bảo tàng Guimet. Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG GIANG

Năm 2012, khi khai quật di chỉ Cấm Mít (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), các nhà khảo cổ học đã phát hiện những lá vàng hình voi nằm trong lòng tháp. Những hiện vật này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện được hiện vật bằng vàng Champa tại nhiều địa điểm như Mộ Đức, Tây Trà...

Riêng tại huyện Mộ Đức và di chỉ Trà Veo 3, Lâm Thượng (Tây Trà) các nhà khảo cổ đã tìm thấy 15 hiện vật trang sức gồm khuyên tai, nhẫn, bông tai (thế kỷ X-XII). Những hiện vật này được chế tác rất tinh xảo bằng kỹ thuật đúc và gia công kim hoàn đạt trình độ cao. Năm 2021, Bộ sưu tập trang sức 15 hiện vật vàng Champa thuộc Bảo tàng Quảng Ngãi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Hiện nay, tại nhà công chúa Nguyễn Thị Thềm (còn gọi là Nai Thềm), là hậu duệ vua Chăm, được kế thừa, lưu giữ bộ sưu tập báu vật hoàng tộc Chăm thuộc vương triều vua Po Klaong Mânai, Po Klaong Ghul - đó là các đời vua Chăm cuối cùng ở thế kỷ XVII-XVIII, với gần 100 hiện vật, trong đó có nhiều bộ trang phục, trang sức bằng vàng của vua và hoàng hậu. Đặc biệt quý hiếm là chiếc vương miện của vua Po Klaong Mânai và cái chụp tóc làm bằng vàng, hình nhủ của Hoàng hậu Po Bia Som. Đây là vương miện duy nhất còn lại của các vị vua Chăm hiện nay. Hoàng hậu Po Bia Som là người cuối cùng sử dụng cái chụp tóc này.

Hiện vật bằng vàng của người Champa cổ chẳng những nhiều về số lượng mà còn phong phú, đa dạng về loại hình. Đây là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ thể hiện kỹ thuật chế tác, luyện kim của họ qua các thời kỳ đạt đến trình độ cao. Do biến thiên của lịch sử, rất nhiều báu vật Chăm đã bị mất mát. Hiện nay chỉ còn một phần nhỏ được lưu giữ trong các viện bảo tàng hoặc bộ sưu tập cá nhân. Một số cổ vật bằng vàng của người Chăm là di sản quý báu, vô giá, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

TRẦN TẤN VỊNH

.