Khi trẻ được lên tiếng

.

Hơn 300 đại biểu trẻ em vừa trở thành Ủy viên thường trực 18 Hội đồng trẻ em cấp phường, xã trên địa bàn thành phố. Tại đây, các em được tham gia các vấn đề xã hội, y tế, giáo dục, môi trường với vai trò đồng hành, chia sẻ, phản biện cũng như bảo vệ quyền lợi của thiếu nhi.

Đại biểu Hội đồng trẻ em cấp phường, xã tham gia khóa tập huấn kỹ năng điều hành, đối thoại và xử lý thông tin. Ảnh: H.L
Đại biểu Hội đồng trẻ em cấp phường, xã tham gia khóa tập huấn kỹ năng điều hành, đối thoại và xử lý thông tin. Ảnh: H.L

Góp tiếng nói vào các vấn đề xã hội

Trở thành Chủ tịch Hội đồng trẻ em phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), nhiệm kỳ 2023-2024 là niềm vinh dự của Nguyễn Phạm Hương Giang, học sinh lớp 9/9, Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật. Giang chia sẻ, đây là cơ hội để em và các bạn góp tiếng nói vào các vấn đề xã hội, học đường, như phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em; an toàn trên môi trường mạng; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm lý, tinh thần cho học sinh; sân chơi cho trẻ…

Ở tầm vĩ mô, các thành viên trong hội đồng có nhiệm vụ chăm lo quyền, lợi ích chính đáng cho đội viên, thiếu nhi trên địa bàn phường Hòa Xuân và cụ thể hóa chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ vào các vấn đề đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chia sẻ về định hướng hoạt động của Hội đồng trẻ em phường Hòa Xuân, Giang cho biết em và thành viên hội đồng sẽ trở thành cầu nối giữa thiếu nhi với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể, qua đó bày tỏ chính kiến và đưa ra những mong muốn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Tâm đắc với các vấn đề thúc đẩy bảo vệ sức khỏe tâm thần cho học sinh, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Ngô Trần Bảo Ân, học sinh lớp 8/7, Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật, Ủy viên thường trực Hội đồng trẻ em phường Hòa Xuân cho hay, đây là vấn đề cấp bách, cần sự tham gia của nhà trường, gia đình và chính bản thân học sinh nhằm tránh bị kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân vào mục địch xấu. Theo Ân, hiện nay, hầu hết học sinh cấp THCS đều có một hoặc vài tài khoản mạng xã hội. “Thông qua Hội đồng trẻ em, em mong muốn có thể tổ chức những buổi sinh hoạt, tập huấn các vấn xã hội nhằm trang bị cho các bạn kiến thức và kỹ năng phòng tránh”, Ân hy vọng.

Trong khi đó, đại diện một số Hội đồng trẻ em các xã thuộc huyện Hòa Vang chia sẻ, điều thiếu nhi nông thôn quan tâm nhất hiện nay là vấn đề lao động trẻ em và sân chơi cho trẻ trên địa bàn. Em Nguyễn Hồng Huyền Trân, Chủ tịch Hội đồng trẻ em xã Hòa Nhơn cho biết: “Toàn xã có hơn 3.000 trẻ em độ tuổi 9-14. Do đó, chúng em sẽ cố gắng làm tốt vai trò kết nối, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với lãnh đạo Hội đồng nhân dân xã về những vấn đề liên quan đến trẻ em, trong đó tập trung vào nội dung lao động trẻ em, sân chơi và tiếp sức cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.

Cơ hội phát triển bản thân

Đến nay Đà Nẵng đã có 18 Hội đồng trẻ em cấp phường, xã được thành lập, với sự tham gia của hơn 300 đại biểu trẻ em. Chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố cho biết, Hội đồng trẻ em là một nhóm đại diện cho trẻ độ tuổi 9-14, định kỳ đối thoại với đại diện Hội đồng nhân dân các cấp về những vấn đề liên quan đến trẻ em trên địa bàn. Đặc biệt, mô hình được thành lập với thành phần ban lãnh đạo và các thành viên đều là trẻ em. Trẻ tham gia hội đồng được đào tạo kỹ năng tham vấn, phản biện, tập hợp ý kiến và có cơ hội nói lên tiếng nói của mình đối với các vấn đề bản thân quan tâm.

Để hỗ trợ đại biểu trẻ em phát triển kỹ năng tổ chức và điều hành các hoạt động của hội đồng, Thành Đoàn vừa phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF tại Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng cho 50 đại biểu. Nội dung tập huấn tập trung hướng dẫn kỹ năng thu thập và xử lý thông tin; kỹ năng tổ chức và điều hành kỳ họp hội đồng; kỹ năng quản lý thời gian và quản lý cảm xúc; kỹ năng tư duy phản biện…

Giai đoạn 2023-2027, tuổi trẻ Đà Nẵng tiếp tục xây dựng các mô hình phát huy quyền tham gia của trẻ, đồng thời hoàn thiện mô hình Hội đồng trẻ em tại 100% đơn vị quận, huyện, phường, xã. “Tham gia Hội đồng trẻ em không chỉ là cơ hội để thiếu nhi thành phố phát huy quyền tham gia, đóng góp ý kiến vào những vấn đề trẻ quan tâm, mà còn là môi trường phát triển bản thân thông qua học tập và rèn luyện các kỹ năng thực hành xã hội”, chị Anh Thảo nói thêm.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.