Hào hứng trải nghiệm Tết cổ truyền

.

Học làm bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả hay tự tay chế biến các món ăn truyền thống là những trải nghiệm thú vị của lưu học sinh, nghiên cứu sinh người nước ngoài đang học tập và sinh sống tại Đà Nẵng dịp Tết cổ truyền năm nay.

Sinh viên Lào trình diễn điệu múa truyền thống tại Ngày hội giao lưu sinh viên quốc tế chào đón năm mới 2024. Ảnh: K.N
Sinh viên Lào trình diễn điệu múa truyền thống tại Ngày hội giao lưu sinh viên quốc tế chào đón năm mới 2024. Ảnh: K.N

Để tự tin tham gia “Ngày hội giao lưu sinh viên quốc tế chào đón năm mới 2024” do Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tổ chức, sinh viên Phetmeuangneua Thao (Lào) nhờ bạn bè hướng dẫn cách gói bánh chưng và nấu một số món ăn đơn giản thường xuất hiện trên mâm cơm gia đình Việt ngày Tết như thịt xào củ quả, canh khổ qua nhồi thịt… Dù không phải lần đầu ăn Tết tại Đà Nẵng, nhưng Thao cho biết mình vẫn háo hức mong đợi Tết như nhiều sinh viên Việt Nam và xem đây là cơ hội hiểu sâu hơn văn hóa, truyền thống của người Việt. Theo Thao, nếu Tết Bunpimay của Lào có tục té nước cầu may mắn, thì Tết cổ truyền Việt Nam có tục đi chùa hái lộc, cầu bình yên cho cả năm. Bên cạnh đó, Tết Việt có nhiều tục, lệ phong phú như tục cúng tất niên, cúng giao thừa, lì xì và coi trọng việc đi chùa vào buổi sáng đầu năm mới.

Năm nay, tự tay làm bánh chưng hay mua vài chậu hoa trang trí phòng trọ giúp Thao hòa nhập hơn với Tết Việt. Cô sinh viên người Lào cho biết, khó nhất là kỹ thuật gói và nấu bánh, bởi đôi tay phải thật khéo léo để mọi góc bánh đều vuông vức, có màu xanh đẹp mắt và nhân bánh không khô hay nhão. Tuy nhiên, nhờ được bạn bè hướng dẫn từ trước, Thao khá tự tin khi tham gia gói bánh tại ngày hội giao lưu sinh viên quốc tế chào đón năm mới 2024.

Chia sẻ kế hoạch đón Tết cổ truyền tại Đà Nẵng, Thao nói ngoài chương trình đón giao thừa trên bãi biển, cô và nhóm bạn đã chuẩn bị sẵn bộ áo dài mặc đi lễ chùa ngày đầu năm mới. Thao chia sẻ: “Tết năm ngoái, tụi mình rủ nhau đi chùa Linh Ứng (quận Sơn Trà) thắp hương. Đến nơi, khi thấy nhiều phụ nữ Việt Nam mặc áo dài rất đẹp, mình cảm thấy tiếc vì trang phục mang theo lúc đó khá đơn giản và tự hứa năm nay sẽ trải nghiệm mặc áo dài du xuân”.

Ngày hội giao lưu sinh viên quốc tế chào đón năm mới 2024 thu hút hơn 50 sinh viên Trung Quốc, Lào, Campuchia đang học tập tại Trường Đại học Sư phạm trải nghiệm hoạt động gói bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả cũng như tham gia trò chơi dân gian. Bên cạnh đó, chương trình đố vui có thưởng cũng chia sẻ những kiến thức về phong tục đón Tết của người Việt như tục bày mâm ngũ quả, tục cúng ông Công ông Táo, cúng tất niên, giao thừa… PGS.TS Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm khẳng định, Tết Nguyên đán luôn là nét đẹp văn hóa của người Việt, do đó, việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Tết đến sinh viên quốc tế là điều cần thiết và trở thành cầu nối văn hóa giữa các quốc gia. Tuy nhiên, những hoạt động trong ngày hội chỉ có thể phác thảo một phần nhỏ về Tết, còn lại, các em vẫn cần tự mình trải nghiệm và khám phá.

Cho rằng Tết cổ truyền Việt Nam có khá nhiều hoạt động văn hóa đáng chờ đợi, Kim Tae Kyu, nghiên cứu sinh ngành Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết bản thân cảm thấy may mắn khi được hòa chung vào không khí đón Tết của người Việt. “Đây là lần đầu tôi đón Tết tại Việt Nam, mọi thứ đều mới mẻ và hào hứng. Với 10 ngày nghỉ, tôi đang lên kế hoạch cùng bạn bè du xuân và tham gia các trò chơi, lễ hội được thành phố tổ chức. Mọi người “bật mí” rằng bánh chưng ăn kèm kim chi rất ngon nên tôi đang mong chờ được thưởng thức chúng trong ngày đầu năm mới”, Kim Tae Kyu bày tỏ.

Đại học Đà Nẵng hiện là “điểm đến” thu hút hơn 700 lưu học sinh, thực tập sinh đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc, Myanmar, Malaysia, Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Úc, Hungary, Đức, Thụy Điển, Litva, Nigeria… đến học tập và nghiên cứu. ThS. Hồ Lộng Ngọc, Phó trưởng ban Khoa học và Hợp tác quốc tế Đại học Đà Nẵng cho biết, cùng với việc thúc đẩy các chính sách hợp tác, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Đà Nẵng, các trường đại học thành viên thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của lưu học sinh. Dịp Tết cổ truyền năm nay, các trường đều tổ chức hoạt động gặp gỡ, qua đó tạo điều kiện cho lưu học sinh, thực tập sinh được học tập, trải nghiệm, giao lưu học thuật, ngôn ngữ và văn hóa. “Chúng tôi mong muốn sinh viên quốc tế có điều kiện đón một cái Tết vui vẻ, đậm đà bản sắc Việt và góp thêm nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong quãng thời gian sinh sống, học tập tại Đà Nẵng”, bà Ngọc cho hay.

KỲ NAM

;
;
.
.
.
.
.