"Kẻ ngốc" trên sân cỏ

.

Trên tài khoản Instagram cá nhân, thủ thành David De Gea đăng bức ảnh chụp với người đồng đội cũ ở Manchester United là Bruno Fernandes kèm trạng thái đầy hài hước: “Dumb and Dumber” (tạm dịch: Kẻ ngốc và kẻ ngốc hơn). Đó cũng là tên một bộ phim điện ảnh thuộc thể loại hài hước lập dị của Mỹ năm 1994 do Peter Farrelly đạo diễn.

Bruno Fernandes đang chịu nhiều áp lực về mặt phong độ trong mùa này.  Ảnh: Reuters
Bruno Fernandes đang chịu nhiều áp lực về mặt phong độ trong mùa này. Ảnh: Reuters

De Gea đã rời M.U được gần 1 năm và vẫn thất nghiệp. Đây là nghịch lý, khi với đẳng cấp và kinh nghiệm, anh thừa sức bắt chính trong khung gỗ tại một CLB khác, có thể là tầm trung ở Lục địa già hoặc xa hơn là Giải nhà nghề Mỹ (MLS) hoặc xứ Ả Rập, như con đường của một đồng đội cũ khác là Cristiano Ronaldo. Vấn đề duy nhất cản trở sự nghiệp De Gea lúc này có lẽ là mức lương cao khiến các CLB e ngại. Nên nhớ lúc còn khoác áo M.U, anh từng là cầu thủ có lương cao nhất đội hình với thu nhập 375.000 bảng/tuần. Đáng tiếc, không phải khi nào phong độ của thủ môn này cũng tương xứng với mức lương ngất ngưỡng. Dù xuất sắc trong các tình huống phản xạ hay sở hữu các pha bay người cứu thua ngoạn mục, De Gea vẫn mắc không ít sai lầm ngớ ngẩn trong giai đoạn cuối khoác áo Quỷ đỏ. Ở khía cạnh khác, khi các thủ môn giỏi chơi chân và có khả năng “build-up” (phát triển bóng tốt từ tuyến dưới) như Alisson (Liverpool), Ederson (M.C), Jordan Pickford (Everton)… hay Onana - người được HLV Ten Hag đưa về thay thế De Gea tại M.U ngày càng được trọng dụng, ngôi sao người Tây Ban Nha rõ ràng không còn phù hợp với các chiến thuật phổ biến hiện thời.

Bên cạnh De Gea, đội trưởng của Quỷ đỏ là Bruno cũng vấp phải nhiều chỉ trích do phong độ trồi sụt mùa này và bị đánh giá không phù hợp với chiến thuật chung. Dẫu năng nổ với những bàn thắng xuất thần mà gần nhất là pha chớp thời cơ lập siêu phẩm từ giữa sân vào lưới Liverpool cuối tuần trước, Bruno vẫn nhận nhiều tiếng la ó từ cổ động viên khi liên tục mất bóng và chuyền hỏng đầy ngớ ngẩn. Anh không thể đi bóng đột phá hay giữ trái bóng trong chân đủ lâu. Điều này dẫn tới một câu châm biếm trên mạng xã hội: “Như một kẻ ngốc, khi Bruno chuẩn bị chuyền bóng, các đồng đội anh ấy chuẩn bị tinh thần chạy về chống phản công”.

Thời kỳ hay nhất của Bruno là thời HLV Ole Gunnar Solskjær - khi M.U mạnh với lối phản công tốc độ, ở đó các tiền đạo có thể ghi bàn sau một đường chuyền nhanh vượt tuyến vào khoảng trống từ ngôi sao người Bồ Đào Nha. Còn bây giờ, với chiến thuật xây dựng lối chơi tấn công - phối hợp nhóm của Erik Ten Hag, ông cần một tiền vệ có kỹ thuật ổn để kéo bóng tốt, đủ bình tĩnh để tạo các đường chuyền hợp lý hơn là một cầu thủ dễ mất bóng và có thói quen chuyền các đường bóng sai địa chỉ vào chân đội bạn. Trên bình diện Ngoại hạng Anh, các đội nhóm đầu đều sở hữu những cái tên như vậy. M.C có De Bruyne và Foden, Liverpool có Mac Allister, Arsenal có Ødegaard, Tottenham có Maddison…

Về lý thuyết, đội hình M.U hiện có Eriksen phần nào đáp ứng được các yêu cầu trên, tuy nhiên thể lực và tuổi tác của ngôi sao Đan Mạch không còn đáp ứng kịp các bước chạy, trong khi Mason Mount cũng chỉ mới trở lại sau chấn thương. Tài năng trẻ Mainoo có những bước tiến lớn, tuy nhiên không thể trông cậy hoàn toàn vào một cầu thủ 18 tuổi. Đó là lý do cơ bản để một cầu thủ có thể lực sung mãn và trên hết là đang mang băng đội trưởng như Bruno được đá chính. Tuy nhiên, về lâu dài, khi đội chủ sân Old Trafford “thay máu” từ thượng tầng đến phòng thay đồ sau sự xuất hiện của Sir Jim Ratcliffe, Bruno rõ ràng cần thay đổi nếu không muốn phải ra đi như người bạn De Gea mùa trước. Khi bóng đá ngày một phát triển, cầu thủ nào cũng cần học cách thích nghi, bởi chẳng ai muốn bị gọi là... kẻ ngốc trên sân cỏ cả.

NAM ĐỊNH

;
;
.
.
.
.
.