Đà Nẵng cuối tuần

Thơ tình thời chiến

22:14, 27/04/2024 (GMT+7)

Trong không khí kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đọc lại những bài thơ tình viết trong thời chiến của những nhà thơ - chiến sĩ từng hoạt động trên chiến trường Quảng Đà để hiểu thêm về thời kỳ mà hạnh phúc mỗi con người gắn liền với hạnh phúc chung của cả dân tộc. Bước vào cuộc chiến bảo vệ non sông chính là “đi vào hạnh phúc”, buộc cái chết phải cúi đầu cho tình yêu lên tiếng...

Xin ghi lại đôi dòng cảm nhận khi đọc Thanh Quế với tập “Trong mỗi ngày đời tôi” (NXB Đà Nẵng, 1986); Dương Hương Ly với tập “Bài thơ về hạnh phúc” (NXB Đà Nẵng, 1986) và Lưu Trùng Dương với “Bài thơ tình về chim hải âu” (Hội Văn nghệ Đà Nẵng, 1988), để thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về những cung bậc tình yêu trong thơ tình thời chiến...

Chiến trường trui rèn cho tình yêu thêm rạng rỡ

21 năm kháng chiến chống Mỹ là thời kỳ mà cái tôi cá nhân hòa quyện trong cái ta chung của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại như nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân từng viết: “Phải nhờ lý tưởng chói chang/ Hoa tình yêu mới thơm hương mặt trời (Lê Anh Xuân - Nguyễn Văn Trỗi). Tình yêu đôi lứa gắn liền cùng lý tưởng chung: "Em, em ơi, trên đường dài lý tưởng/ Ta cầm tay nhau: vui sướng nào hơn?" (Lưu Trùng Dương - Nói với người yêu).

Đó là thời kỳ mà hạnh phúc mỗi con người gắn liền với hạnh phúc chung của cả dân tộc, cho nên bước vào cuộc chiến bảo vệ non sông chính là “đi vào hạnh phúc”, buộc cái chết phải cúi đầu cho tình yêu lên tiếng: "Ta nắm tay nhau vào cuộc chiến đấu này/ Như đi vào hạnh phúc/ Ta nắm tay nhau bao lần đạp qua cái chết/ Cái chết cúi đầu/ Tình yêu cất lời ca" (Dương Hương Ly - Bài thơ về tình yêu). Đọc thơ tình thời chiến, ta mới thấu đáo đến tận cùng câu nói nổi tiếng C.Mác trả lời con gái: “Hạnh phúc là đấu tranh”, "Hạnh phúc là gì?/ Bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra/ Cho đến ngày cất bước đi xa/ Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt (Dương Hương Ly - Bài thơ về hạnh phúc). 

Trong cuộc kháng chiến, bên cạnh tình yêu lứa đôi, còn là tiếng nói thủy chung của tình chồng vợ: "Anh đi xa, em cũng đi xa/ Giữa hai đứa ồn ào mặt trận/ Suốt mấy năm dài đói khổ đạn bom, chiến trường rất bận/ Anh vẫn hát thầm những bài hát ngày xưa" (Dương Hương Ly - Anh vẫn hát cùng em). Dường như chính đạn lửa chiến trường đã trui rèn cho tình yêu thêm rạng rỡ, cho nỗi nhớ vợ chồng càng như ngọc sáng trong: "Phải chăng trong đạn lửa/ Tình yêu càng rạng rỡ?/ Phải chăng ở chiến trường/ Nỗi nhớ càng sáng trong?" (Lưu Trùng Dương - Ở chiến trường nhận tin vợ sắp đẻ).

Tiêu biểu nhất cho tình vợ chồng cao đẹp của những tháng năm chống Mỹ trên chiến trường khu V, chính là tình yêu của cặp vợ chồng tài hoa Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly) - Dương Thị Xuân Quý (nữ nhà văn đã anh dũng hy sinh và “nằm lại với đất lành Duy Xuyên”): "Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống/ Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu/ Em trong anh là mùa xuân náo động/ Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu" (Dương Hương Ly - Bài thơ về hạnh phúc).

Những cung bậc tình yêu

Thơ tình thời chiến, tuy hòa cái tôi riêng trong cái ta chung, nhưng không hề khô khan, khuôn sáo, mà mỗi cung bậc tình yêu đều có những phát hiện riêng qua tài năng của mỗi nhà thơ. Đó là những khoảnh khắc đặc biệt dí dỏm, rất lính, khi vợ bế theo con đến thăm chồng ngay nơi đơn vị đóng quân: "Lính ta vui bữa liên hoan ngọt/ Thơm má thằng cu kêu chút chút/ Khi ngoảnh lại nhìn hai vợ chồng/ Họ đã biến đi đằng nào mất." (Thanh Quế - Thăm chồng). Là những lời thơ chân thật mà chỉ có tình yêu ở chiến trường mới có thể tìm ra những thi tứ ấy: "Anh đã từng yêu mái tóc của em/ thuở mái tóc vừa dày vừa đẹp/ Bây giờ tóc rụng tóc thưa/ sao anh lại yêu gấp mười lần, em có biết?" (Lưu Trùng Dương - Tặng người yêu mắc bệnh rụng tóc). Thơ tình thời chiến cũng không kém phần lãng mạn: "Trước nhà em sông Vu Gia/ Sau nhà em cũng lại là dòng sông" (Thanh Quế - Trước nhà em sông Vu Gia).

Cũng cháy bỏng những nụ hôn và ngát hương tình hòa trong hương rừng thanh khiết: "Chiếc hôn đêm này say mãi mãi mùi hương/ Hương của rừng thanh khiết" (Dương Hương Ly - Em nghĩ gì), những chiếc hôn thời chiến làm xao động cả núi rừng và rung động cả trời sao: "Anh không thể quên em/ Chiếc hôn đằm thắm/ Dưới vòm cây xao động/ Một đêm hè đầy sao" (Thanh Quế - Anh không thể quên em). Thơ tình trong chiến tranh không chỉ phản ánh hiện thực, mà từ trong hiện thực, nhà thơ còn rút ra những triết lý sâu sắc về tình yêu và cuộc sống: "Có khi nào trên đường đời tấp nập/ Ta vô tình đã đi lướt qua nhau/ Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất/ Một tâm hồn ta đã đợi từ lâu?..." (Dương Hương Ly - Có khi nào?).

Đọc những câu thơ này, ai cũng nghĩ nó chỉ có thể ra đời trong thơ đương đại hôm nay, nhưng đó là bài thơ được viết từ năm 1962 ngay trong thời chiến. Nghĩa là, thơ tình, khi được nói bằng chính rung động chân thật của lòng mình thì dù thời chiến hay thời bình, vẫn mang đến cho người đọc rất nhiều rung cảm.

MAI BÁ ẤN

.