.

Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

.

Ngày 16-11-2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2016/NĐ-CP (Nghị định) về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2017 thay thế cho Nghị định số 25/2013/NĐ-CP (NĐ 25). Theo đó, một số nội dung mới cần lưu ý như sau:

1. Bổ sung đối tượng chịu phí:

- Về nước thải công nghiệp: ngoài nước thải công nghiệp là nước từ  cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, Nghị định bổ sung thêm 15 trường hợp phải thu phí, gồm:

+ Cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến: Thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá;
+ Cơ sở chăn nuôi, giết mổ: Gia súc, gia cầm tập trung;
+ Cơ sở nuôi trồng thủy sản;
+ Cơ sở sản xuất thủ công nghiệp trong các làng nghề;
+ Cơ sở: Thuộc da, tái chế da;
+ Cơ sở: Khai thác, chế biến khoáng sản;
+ Cơ sở: Dệt, nhuộm, may mặc;
+ Cơ sở sản xuất: Giấy, bột giấy, nhựa, cao su;
+ Cơ sở sản xuất: Phân bón, hóa chất, dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, đồ gia dụng;
+ Cơ sở: Cơ khí, luyện kim, gia công kim loại, chế tạo máy và phụ tùng;
+ Cơ sở sản xuất: Linh kiện, thiết bị điện, điện tử;
+ Cơ sở: Sơ chế phế liệu, phá dỡ tàu cũ, vệ sinh súc rửa tàu;
+ Nhà máy cấp nước sạch;
+ Hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp;
+ Cơ sở sản xuất khác.

- Về nước thải sinh hoạt là nước thải từ:

+ Hộ gia đình;
+ Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân (trừ các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc các đơn vị vũ trang nhân dân);
+ Trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng của các tổ chức, cá nhân không gắn liền với địa điểm sản xuất, chế biến;
+ Cơ sở: Rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô-tô, sửa chữa xe máy;
+ Bệnh viện; phòng khám chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở đào tạo, nghiên cứu; cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác;
+ Các tổ chức, cá nhân và đối tượng khác có nước thải không được quy định tại nội dung nước thải công nghiệp nêu trên.

2. Chuyển 6 trường hợp không chịu phí sang diện miễn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và bổ sung thêm 2 trường hợp, đó là nước thải từ các phương tiện đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân; nước thải sinh hoạt tập trung do đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước tiếp nhận và đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định xả thải ra môi trường.

3. Về mức phí:

- Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (NĐ 25 tính theo tỷ lệ % trên giá bán của 1m3 nước sạch, tối đa không quá 10% nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Đối với nước thải sinh hoạt thải ra từ các tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng thì mức phí được xác định theo từng người sử dụng nước căn cứ vào số lượng nước sử dụng bình quân của một người trong xã, phường, thị trấn nơi khai thác và giá bán 1m3 nước sạch trung bình tại xã, phường, thị trấn.

(Theo NĐ 25 thì Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức phí tương ứng với số phí trung bình một người sử dụng nước từ hệ thống nước sạch phải nộp tại địa phương).
- Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp: không phân biệt nước thải chứa hay không chứa kim loại nặng đều áp dụng công thức:

F = f + C (trong đó: F là số phí phải nộp; f là mức phí cố định: 1,5 triệu đồng/năm; C là phí biến đổi, tính theo: Tổng lượng nước thải ra, hàm lượng thông số ô nhiễm và mức thu đối với mỗi chất).

(Tại NĐ 25 thì mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được phân loại nước thải có chứa và không chứa kim loại nặng; mức phí cố định f theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng tối đa không quá 2,5 triệu/năm).

Ngoài ra, Nghị định còn hướng dẫn cách xác định số phí phải nộp; kê khai, thẩm định tờ khai và nộp phí; quản lý và sử dụng phí...

Tham khảo toàn văn nội dung Nghị định tại Trang Thông tin điện tử Cục Thuế TP. Đà Nẵng, địa chỉ: http://danang.gdt.gov.vn.

CỤC THUẾ TP. ĐÀ NẴNG

;
.
.
.
.
.