.

Bia đá, bia miệng

.

Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội do hai nhân vật hàng đầu của Quảng Nam là Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo có sự tham gia của vua Duy Tân diễn ra cách đây đúng 100 năm. Từng ấy năm đủ để mài mòn bia đá, nhưng bia miệng thì dễ gì. Góp nhặt chuyện xưa để nghiệm ra một điều rằng: Lịch sử là vậy, luôn vô tư và lạnh lùng. Và giữa khen/chê, công/tội, bia đá/bia miệng chỉ cách nhau một lằn ranh… mong manh!

Thượng thư Hồ Đắc Trung (1961-1941) (Ảnh Internet)
Thượng thư Hồ Đắc Trung (1861-1941) (Ảnh Internet)

Bia đá 1: Cao cả nghĩa vua tôi, tình đồng chí

Phan Khôi trong bài viết “Địa vị của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong cuộc biến ở Huế năm 1916” đăng trên Tạp chí Sông Hương số 7 tháng 10-1936 cho biết đã có lần cụ Phan Bội Châu nói với ông rằng khi cuộc khởi nghĩa thất bại, trong ngân quỹ vẫn còn 30 vạn đồng. Các cơ sở Quang phục hội đề nghị đưa Trần Cao Vân và Thái Phiên thoát đi để tính kế lâu dài. Nhưng hai ông không nỡ để cho ông vua trẻ Duy Tân ở lại chịu tội một mình nên không đi, quyết định ở lại để cho Pháp bắt.

Trong tù hai ông nghe Thượng thư Hồ Đắc Trung bấy giờ được triều đình và thực dân Pháp giao nhiệm vụ làm án cuộc khởi nghĩa. Cụ Trần Cao Vân đã dùng giấy hút thuốc viết cho Hồ Đắc Trung một bức thư với hai câu: “Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt!/ Trời còn đó! Đất còn đó! Xã tắc sơn hà còn đó! Mong sao thánh thượng sanh toàn”.

Hồ Đắc Trung vốn không ưa vua Duy Tân(1) nhưng lại rất kính phục nghĩa khí của hai ông Trần và Thái nên quyết cứu nhà vua bằng việc lấy cớ là khi đưa vua lên ngôi đã tăng thêm cho nhà vua một tuổi và đến lúc lâm sự nhà vua cũng chỉ là một người vị thành niên. Mặt khác, “Nước Nam còn chế độ quân chủ, hôm nay anh em mình lên án vua rồi ngày mai còn mặt mũi nào đối xử với vua mới mà mình tôn lên để khuôn phò”. Với lý lẽ như vậy, Hồ Đắc Trung đã thuyết phục được các vị trong Cơ Mật viện và Tòa Khâm. Nhờ thế nhà vua mới thoát án chém mà chỉ bị đi đày.

Tấm lòng và nghĩa khí của Thái Phiên và Trần Cao Vân được người đời nhắc mãi đã đành, việc Hồ Đắc Trung vì “nghĩa” đã gạt “tình riêng” để cứu vua Duy Tân cũng được người đời sau ghi nhận một cách trân trọng.

Bia đá 2: Bất tử trong lòng nhân dân

Cử nhân Hà Ngại (người làng Na Kham, nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) khi đến nhậm chức Tri huyện Phù Cát (Bình Định) nhiều năm sau cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội, qua tìm hiểu dân tình đã phát hiện ra một điều làm ông kinh ngạc. Người dân Phù Cát vẫn lén lút làm đám giỗ cho Trần Cao Vân; thường sắm sẵn lễ vật và viết văn tế, chờ đến nửa đêm mới bày ra cúng cụ.

Có người còn cho là cụ Trần Cao Vân vẫn chưa chết. Hà Ngại viết “Còn có một nguồn dư luận chuyền riêng với nhau trong bóng tối: Cụ Trần còn sống” và ông kết luận “Tôi chưa thấy ở đâu mà quần chúng tôn thờ lãnh tụ như thế”(2).

Quả đúng như vậy, những người lẫm liệt hy sinh cho Tổ quốc thì luôn bất tử trong lòng nhân dân!

Bia miệng 1: Được minh oan… một phần

Theo cuốn sách nghiên cứu về Trần Cao Vân của Hành Sơn Lương Vĩnh Thuật(3), cuộc khởi nghĩa bị bại lộ từ Quảng Ngãi do việc Võ An (hội viên của Việt Nam Quang phục hội Quảng Ngãi) đã dặn em là Võ Huệ – một lính khố xanh trong dinh Án sát của Phạm Liệu – về ngày khởi nghĩa để em biết mà tránh đi. Khi Võ Huệ xin phép về quê trong ngày 3-5, Phạm Liệu sinh nghi nên bắt Võ Huệ tra khảo. Võ Huệ khai ra sự thực. Án sát họ Phạm đem báo với Tuần vũ Trần Tiễn Hối và Công sứ De Tastes. Công sứ điện cho Khâm sứ Trung Kỳ ở Huế.  Khâm sứ Trung Kỳ ra lệnh cho giới nghiêm toàn xứ Trung Kỳ và điện cho Công sứ của các tỉnh cũng như  canh phòng cẩn thận. Cuộc khởi nghĩa vì thế thất bại.

Sau này Nguyễn Q. Thắng(4) và một số tác giả khác cho biết không chỉ việc bại lộ ở Quảng Ngãi mà còn từ Huế do sự rò rỉ thông tin từ Đại tá Hermandes và sự phản bội của Trần Quang Trứ, một yếu nhân của cuộc khởi nghĩa. Tiến sĩ Phạm Liệu, nhân vật hàng đầu của “Ngũ phụng tề phi” Quảng Nam được minh oan một phần nhưng không vì thế mà vô can và vẫn phải nhận một phần trách nhiệm cũng như chịu búa rìu dư luận từ miệng thế gian.

Bia miệng 2: Nộp sắc bằng cho Pháp

Nguyễn Hiển Dĩnh (1853 - 1926) người làng An Quán, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn). Ở trang 148 của hồi ký Khúc tiêu đồng, Cử nhân Hà Ngại cho biết một số thông tin về Nguyễn Hiển Dĩnh: “Tôi lại nghĩ khi xưa cụ xuất thân tú tài trong thời kỳ Nghĩa hội, cụ theo bọn triều giúp Pháp  được bổ tri phủ (Hà Đông) rồi lần hồi thăng đến Tuần vũ về hưu”.

Ông Hà Ngại còn cho biết, sau đêm khởi nghĩa không thành của Việt Nam Quang phục hội, Nguyễn Hiển Dĩnh đã gọi ông đến định giao một bó sắc bằng của Hội, bảo ông đem nộp cho Công sứ Pháp để nhờ đó mà được bổ dụng làm quan. Hà Ngại đã từ chối. Ở trang 151 sách đã dẫn, Hà Ngại viết: “Cái bó sắc bằng có đóng ấn vua do ông Xã Mãi làng Phước Kiều đúc ấn, được sự đồng ý ban phát của vua Duy Tân trên nguyên tắc đã lọt vào tay cụ Tuần An Quán (tức Nguyễn Hiển Dĩnh – ĐNCT), rồi cụ đem nộp cho Công sứ, giúp cho nhà đương cuộc một tài liệu quý để họ lùng bắt tất cả những nhà cách mạng thực tế có liên quan công cuộc khởi nghĩa này”.

Thực hư không biết thế nào. Nhưng nghe nói vì việc này mà thành phố Đà Nẵng đã có lần hoãn lại việc đặt tên đường cho Nguyễn Hiển Dĩnh mặc dù ông là người có công lớn với nghệ thuật Tuồng ở Quảng Nam.

LÊ THÍ


(1) Vua Duy Tân đã 2 lần từ chối Hồ Đắc Trung. Một lần chọn Mai Khắc Đôn thay vì Hồ Đắc Trung để làm giáo đạo và một lần chọn Mai Thị Vàng để nạp phi thay vì con gái Hồ Đắc Trung.

(2) Khúc tiêu đồng, NXB Trẻ, 2014, trang 116

(3) NXB  Minh Tân, Paris, 1951

(4) Dựa vào Dật sử Hoàng Thị Tòng

;
.
.
.
.
.