.

Mấy giai thoại về hò khoan

.

Trong sinh hoạt hát hò khoan xứ Quảng, lực lượng nghệ nhân chủ yếu là những người chân lấm tay bùn, hai sương một nắng. Tuy nhiên, khi hò khoan phát triển cao với sinh hoạt hát đối đáp (hát đố, hát đối, hát nhân ngãi...) thì đã bắt đầu hình thành một lực lượng nghệ nhân bán chuyên nghiệp. Vì thế có thể chia lực lượng nghệ nhân trong hát hò khoan ra làm hai loại: Nghệ nhân dân gian “thuần túy” là những người nông dân chân lấm tay bùn, hai sương một nắng; nghệ nhân bán chuyên nghiệp là những người ít nhiều am hiểu chữ nghĩa thánh hiền, thường sáng tác những câu hát nặng màu chữ nghĩa.

Thật ra, nghệ nhân này trong hát hò khoan ở xứ Quảng không nhiều lắm, một số nghệ nhân nổi tiếng như Trần Hàn, Giáo Lươn, ông Bẩy Dậu, ông Bảy Tỏi, Bảy Nài, bà Bảy Út, cô Hai Nêm, bà Ba Đĩ... Dưới đây là một vài giai thoại hò khoan lý thú.

Chuyển từ sơ giao sang thân mật

Trần Hàn là nghệ nhân nổi tiếng nhất trong hát hò khoan xứ Quảng, ông không chỉ là người hát hay mà còn là người sáng tác rất nhiều câu hát hay. Chung quanh cuộc đời ông có nhiều giai thoại, đặc biệt là những giai thoại để hát hò khoan trong những lần ông đối đầu với những cô gái xứ Quảng.

Trần Hàn sinh khoảng năm 1877, mất năm 1928; người làng Quế Phong, huyện Quế Sơn. Ông còn có tên là Trần Luyện, tên chữ là Tinh Kim, ông là con thứ chín của ông Trần Chánh Nghị (tục gọi là ông Quyền Liệu).

Trần Hàn là người có học, đã nhiều lần thi hương, nhưng đến tam trường thì rớt. Ông bỏ con đường công danh thi cử về quê làm ruộng, có lúc dạy học, làm thơ đặc biệt là say mê hát hò khoan nên có câu hát: Tiếng ai như tiếng Trần Hàn/ Con ông Trần Liệu ở làng Xuân Quê/ Nhà thì ruộng đất bề bề/ Vợ năm bảy mụ sao lại theo nghề hò khoan?

Xuất thân nho học lại sử dụng thành thạo ngôn ngữ dân gian, ông thường ứng khẩu rất nhanh và thắng lớn trong những cuộc hát đối đáp. Giai thoại kể rằng ở một đám hò khoan nọ mấy ông đồ định dồn ông vào thế bí, ông gà cho một cô gái hát: Lộ đồ quan ải, quá ải quan/ Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng/ Thứ ba Sơn Hậu lão Phàn con ai?

Câu hò vừa Nôm vừa Hán rút từ sự tích vở tuồng Sơn Hậu. Xưa nay từ kịch bản đến diễn xuất không có nơi nào ghi rõ lai lịch nhân vật Phàn Đình Công, chỉ biết nhân vật này là một trung thần nhà Hán. Thế mà Trần Hàn tự tin hát đáp rất nhanh: Nan thế nan lưu, nan thế sự/ Bần cư gia thất hữu thất gia/ Thiếp hỏi chàng: Chàng phải nói ra/ Phàn Đình Công thuở trước con bà già ông sinh...

Tất nhiên, đó là một câu trả lời có tính đối phó, nhưng ở đây từ thế bí ông chuyển thành thế chủ động. Do đó ông được thể phản công luôn: Thế gian ai chẳng có thân huynh/ Chớ chàng hỏi thiếp đôi đứa mình ai sinh?

Trần Hàn không chỉ dành thế chủ động tấn công mà còn chuyển từ chỗ tình cảm sơ giao thành tình cảm thân mật các từ đôi đứa mình sao thật gần gũi, thật gắn bó vì từ này chỉ dành cho những người đang yêu nhau.

Kẻ tám lạng, người nửa cân

Ông Bảy Tỏi là người rất giỏi hò khoan. Giai thoại kể rằng trong một lần đi hát, ông bị cô Út hát trước đánh phủ đầu bằng cách đem tên ông ra châm chọc: Lâu lâu mới gặp bạn Ta/ Làm ăn có khấm khá hay sát da như mình.

Ông Bảy Tỏi có tên tục là Ta. Việc gọi xách mé tên tục của đối phương là một cách châm chọc. Chữ sát da có hai nghĩa: thứ nhất, ý nói công việc làm ăn khó khăn nên người gầy ốm sát da; thứ hai, chỉ bộ phận kín của phụ nữ (tỏ ý châm chọc).

Ông Bảy Tỏi hiểu ngay nên trả lời rất lý thú: Làm ăn không khá không không/ Đu đưa đủng đởn như ông ở nhà.

Ông dùng từ hình tượng “đu đưa đủng đởn” để chỉ bộ phận sinh dục nam, thật là câu trả lời đắc ý. Có lẽ từ câu hát hò khoan này mà có câu ca dao đối đáp bông đùa ở xứ Quảng:

Gặp anh Ba đây khiến hỏi anh Ba/ Lâu nay làm ăn có khấm khá hay cũng sát da như bọn mình? (Nữ hỏi). Thời buổi bây giờ công việc sớt sưa/ Dư không dư, thiếu không thiếu, cùng đua đưa như mọi ngày (nam trả lời).

Một lần khác, cô Út hát: Hai bên rừng núi rậm rì/ Ở giữa có khe nước chảy, anh đi đường nào? Ông đáp ngay: Hai tay anh nương hai cái cù lao/ Nước chảy mặc nước, anh chống sào anh qua.

Cô Út “tấn công” tiếp: Em đưa cho anh một nắm bắp rang khô/ Đố anh tỉa cho mọc, em xin vô kết nguyền.

Bắp đã rang khô rồi thì làm sao mà tỉa cho mọc được. Ông Bảy ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời: Anh biết em có miếng đất bỏ không/ Mưa ba năm không ướt, nắng sáu tháng ròng cũng không khô/ Vậy thì có khó chi mô/ Em đưa đây cho anh mượn, anh tỉa vô mọc liền.

Thật là một cuộc “khẩu chiến” bằng câu hát hò khoan ngang sức ngang tài.

ĐINH THỊ HỰU

;
.
.
.
.
.