Người đi câu không về

.

Cầu Câu Lâu nối đôi bờ sông Thu Bồn trên tuyến quốc lộ 1A; phía bắc thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn; phía nam là thị trấn nam Phước, huyện Duy Xuyên. Theo “lý lịch” thì cầu Câu Lâu được người Pháp xây dựng từ rất sớm để phục vụ mục đích chiến lược quân sự ở khu vực Trung phần. Hồi thực dân Pháp cai quản, cầu Câu Lâu chỉ cho phép ô-tô qua lại, còn xe kéo, xe ngựa, xe đạp, người đi bộ thì không.

Hai cầu cùng một tên Câu Lâu: cầu mới (ảnh trái) và cầu cũ. Ảnh: T.M
Hai cầu cùng một tên Câu Lâu: cầu mới (ảnh trái) và cầu cũ. Ảnh: T.M

Đầu năm 1963, cầu bị hư hỏng, gãy đổ, nhiều nhịp bị nhấn chìm xuống đáy sông sâu, hiện nay vẫn còn dấu tích của một số trụ ẩn chìm dưới mặt nước. Xác định đây là cây cầu hết sức quan trọng nên chính quyền Sài Gòn tập trung nguồn lực để xây dựng lại ngay.

Nhà thầu nổi tiếng lúc bấy giờ là Đoàn Định Giác chịu trách nhiệm thi công. Mùa thu năm Giáp Thìn 1964, một trận lụt lịch sử, làm cho các vùng hạ lưu sông Thu Bồn nước dâng quá cao, gây ngập chìm nặng nề ruộng đồng, làng mạc, xóm thôn.

Lúc ấy cầu Câu Lâu còn đang trong giai đoạn thi công nên nhiều thợ cầu đường của ông Giác đã vớt được nhiều xác người từ phía thượng nguồn bị cuốn trôi theo dòng nước đỏ ngầu cuồn cuộn. Trận lụt khủng khiếp đó luôn là nỗi ám ảnh, sợ hãi đang còn lưu lại trong ký ức biết bao người dân xứ Quảng.

Chỉ riêng về cái tên cầu “Câu Lâu” cũng đã có nhiều điều bí ẩn, bởi mãi đến tận bây giờ vẫn không biết ai là người đặt tên gọi cho cây cầu này. Còn theo truyền thuyết thì ngày xưa, tại vùng đất ở ven sông Chợ Củi (tên gọi khúc sông Thu Bồn đi qua nơi đây) rất ít cư dân sinh sống. Bỗng một hôm có cặp vợ chồng trẻ chẳng biết từ đâu tới đây dựng một mái nhà tranh tre để lập cư sinh sống.

Những ngày họ mới đến, chưa quen biết, thân thiết với ai, côi cút, lẻ loi nên cuộc sống vô cùng nhọc nhằn, vất vả. Đêm ngày, người chồng xách giỏ, mang cần ra bờ sông Chợ Củi câu cá đem về cho vợ đổi lúa, gạo. Cô vợ trẻ ở nhà trông con, trồng rau, nuôi gà, phụ giúp chồng để có cái ăn, cái mặc. Tuy lam lũ nhưng họ hết mực thương yêu, hạnh phúc.

Mỗi khi ra bờ sông, người chồng thường chọn một hòn đá to nằm mấp mé ở mép sông làm chỗ ngồi câu ổn định. Nhiều lần ra sông tắm gội, giặt giũ nên người vợ biết rất rõ vị trí chồng thường ngồi câu. Như thường lệ, vào một hôm khi bóng đêm vừa bao phủ kín mít xóm làng thì người chồng cầm đồ đi câu.

Những cơn mưa ở đầu nguồn trút xuống ầm ầm và dòng nước xiết hung dữ bất ngờ tràn về, kéo theo không biết bao nhiêu đất đá, cây cối. Do mải mê câu, người chồng cũng như hòn đá ấy bị dòng nước cuốn trôi biệt tích.

Làng mạc bị đắm chìm vào cơn mưa lụt dữ dội. Chờ mãi vẫn không thấy chồng về, người vợ bắt đầu sốt ruột, lòng như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Đêm càng khuya, người vợ càng sợ sệt, lo lắng. Bồng đứa con thơ dại trên tay, người vợ cứ đi ra, đi vào nói với đứa con: “Cha mi câu chi mà câu lâu rứa không biết?”.

Người hàng xóm thấy mưa bão, tạt qua hỏi thăm, chỉ kịp nghe câu nói của người vợ thì đã thấy chị ta bồng con băng trong cơn mưa xối xả lao về phía bờ sông. Người hàng xóm theo sau, ra đến nơi chẳng thấy hòn đá cũng như bóng dáng người chồng ngồi câu như mọi khi, cả người vợ và đứa con cũng không. Có lẽ, khi biết chồng mình đã bị Hà Bá cướp đi mất rồi, trong cơn đau đớn tột cùng, người vợ ôm chặt đứa con gieo mình xuống dòng sông lạnh lẽo để giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng.

Dần dà, một chiếc cầu tạm của dân làng đôi bờ dựng lên và nhớ lại câu chuyện quá thương tâm của đôi vợ chồng nọ nên họ đặt tên cho chiếc cầu ngay tại bến sông là cầu Câu Lâu. Ngày xưa cầu nối đôi bờ từ làng Cầu Mống (xã Điện Phương ngày nay) qua làng Tiệm Rượu (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên bây giờ). Chính vì vậy, cầu Câu Lâu còn được dân địa phương gọi là cầu Mống. “Bao giờ Cầu Mống gãy đôi/ Sông Thu hết nước, em thôi thương chàng”, câu ca dao ấy còn có ý nghĩa ngợi ca tấm lòng sắt son, chung thủy về người vợ trẻ ngày xưa đã dành cho đức lang quân của mình.

Tuy tên gọi là cầu Câu Lâu, có người còn gọi cầu Mống, hai cái tên cho một cây cầu, song mỗi khi nhắc tới món bê thui nổi tiếng ngon của vùng đất Điện Phương thì người nào cũng nói bê thui Cầu Mống chứ chẳng ai gọi bê thui cầu Câu Lâu cả. Có người lý giải điều này là do người làng Cầu Mống rất sành điệu trong việc chế biến các món bê thui. Ngẫm nghĩ thấy có lý quá!

Do cây cầu Câu Lâu “già nua”, xuống cấp, tải trọng hạn chế và Dự án mở rộng quốc lộ 1A được triển khai, một cây cầu khác gần với cầu cũ được xây dựng mới hoàn toàn. Ngày 16-3-2004, Ban quản lý Dự án 18, Bộ GT-VT tổ chức khánh thành cây cầu mới, cũng lấy đồng tên cầu Câu Lâu. Sau khi có cầu Câu Lâu mới, cầu Câu Lâu cũ được ngành GT-VT giao cho chính quyền thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên quản lý. Do bị thời gian tàn phá, cầu Câu Lâu cũ xuống cấp, hư hỏng và nhiều lần được Công ty CP Xây dựng công trình 545, thuộc CIENCO 5 sửa chữa để phục vụ cho các phương tiện giao thông từ 10 tấn trở lại.

Nếu đi qua cây cầu Câu Lâu cũ, sẽ vào trung tâm thị trấn Vĩnh Điện, còn cầu Câu Lâu mới chạy theo tuyến tránh trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn hai xã Điện Phương và Điện Minh. Dù qua cầu cũ hay cầu mới, tên cầu cũng gợi nhớ một huyền thoại thấm đẫm một tình yêu sắt son, chung thủy.

THÁI MỸ

;
.
.
.
.
.
.