Người mở cõi phương Nam

.

Trong giai đoạn đất nước lâm vào cảnh cực kỳ hiểm nghèo, khó khăn chồng chất, ông đã gây dựng nên cơ đồ cho các chúa Nguyễn và cả nhà Nguyễn sau này. Ông có những đóng góp lớn với lịch sử nước nhà, đặc biệt là công cuộc mở mang bờ cõi.

Đền thờ và Nhà truyền thống dòng họ Nguyễn Quảng Nam-Đà Nẵng (ảnh trái) và tôn tượng chúa Tiên Nguyễn Hoàng ở phía trước. Ảnh: V.T.L
Đền thờ và Nhà truyền thống dòng họ Nguyễn Quảng Nam-Đà Nẵng (ảnh trái) và tôn tượng chúa Tiên Nguyễn Hoàng ở phía trước. Ảnh: V.T.L

Sử xưa chép rằng, năm 1545, vua Lê Trang Tông phong Lượng Quốc công Trịnh Kiểm làm Thái sư. Nguyễn Hoàng đứng trước nỗi đau “họa vô đơn chí”, trước đó cha mình là Nguyễn Kim bị đầu độc chết, rồi đến người anh cả là Tả tướng Lãng Quận công Nguyễn Uông bị giết chết. Nguyễn Hoàng được phong làm Đoan Quận công sau khi lập chiến công cao, khiến ông như cái gai trước mắt Thái sư Trịnh Kiểm.
Sách Đại Nam thực lục chép rằng, Nguyễn Hoàng bèn cáo bệnh, cốt giữ mình kín đáo hơn để Trịnh Kiểm khỏi nghi ngờ. Sau khi bàn mưu với người cậu, ông ngầm sai sứ giả tới hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vị Trạng nguyên triều Mạc nổi tiếng giỏi nghề thuật số này nhìn hòn non bộ ở trước sân nhà mình mà ngâm lớn rằng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời được). Khi sứ giả về thuật lại câu ấy, Nguyễn Hoàng hiểu ý ngay.

Đoan Quận công Nguyễn Hoàng bèn nhờ chị mình là Ngọc Bảo xin với Trịnh Kiểm (chồng của bà Ngọc Bảo) cho vào trấn đất Thuận Hóa. Thuận Hóa vốn là nơi xa xôi, đất đai cằn cỗi, Trịnh Kiểm cho rằng Nguyễn Hoàng đi xa sẽ giảm bớt một thế lực đối trọng nên tâu vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ nơi này.

Tháng 10 năm 1558, Nguyễn Hoàng đã cùng gia quyến và những tướng sĩ thân tín thực hiện hành trình Nam tiến, rời vùng đất Thanh - Nghệ đi vào Thuận Hóa, đóng trại và chọn xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) làm nơi lập thủ phủ, gọi là dinh Ái Tử. Trang sử đầu ghi chép hành trình mở cõi về phương Nam của Đại Việt đã được ông – người đời sau tôn vinh là chúa Tiên – mở ra từ đó.

Tháng 3-1568, trấn thủ Quảng Nam là Trấn Quận công Bùi Tá Hán mất, Nguyên Quận công Nguyễn Bá Quýnh được thay làm tổng binh giữ đất ấy. Năm 1569, Nguyễn Hoàng ra Thanh Hóa yết kiến vua Lê Anh Tông, nộp quân lương giúp Nam triều đánh nhà Mạc, rồi đến phủ Thượng tướng lạy mừng Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm hài lòng, phong Nguyễn Hoàng trấn thủ đất Quảng Nam thay cho Nguyễn Bá Quýnh.

Đến lúc này, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng quản lãnh cả Thuận Hóa và Quảng Nam, một vùng lãnh thổ rộng lớn kéo dài từ đất Quảng Bình cho đến đất Bình Định - vùng đất phên dậu cực nam của Đại Việt giáp giới với nước Chiêm Thành. Từ đó, ông từng bước thiết lập nền độc lập, củng cố quyền bính, bảo vệ chủ quyền chống lại sự tấn công của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và mở rộng bờ cõi về phương nam.
Năm 1602, Nguyễn Hoàng tuần du phương nam, vượt núi Hải Vân đến phủ Điện Bàn và phủ Thăng Hoa của xứ Quảng nhằm khảo sát tiềm năng kinh tế của vùng đất giàu có và đông dân cư này để mưu định công việc lâu dài. Việc này, Nguyễn Khoa Chiêm có chép trong sách “Nam triều Công nghiệp Diễn chí” (Truyện kể về công lao sự nghiệp của Nam triều, viết vào khoảng thế kỷ XVIII): “Thấy xứ này đầy nguồn hiểm yếu, cửa biển vững chắc, bèn sai dựng hành điện, kho tàng để chứa trữ thóc tiền, mưu toan công việc lâu dài. Lại để công tử trấn thủ để bảo vệ cho dân lành”.

Nguyễn Hoàng cho lập dinh Thanh Chiêm ở Quảng Nam và giao cho con trai Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ. Dinh trấn Thanh Chiêm có vai trò hết sức quan trọng của Đàng Trong, không chỉ là cơ sở đào luyện các quan trấn thủ trước khi lên ngôi chúa Nguyễn mà còn là trung tâm điều hành việc phát triển và hậu cần kinh tế, nhất là việc chỉ đạo hoạt động của thương cảng quốc tế Hội An.

Vượt qua tư tưởng “trọng nông ức thương”, chỉ trong mấy thập niên, ông đã biến đổi Đàng Trong trở thành xứ giàu có và đủ mạnh để có thể duy trì nền độc lập. Với đường lối mở cửa buôn bán với nước ngoài, ông cho lập Phố Nhật vào năm 1589 và Phố Khách vào khoảng năm 1608 làm cho cảng thị Hội An trở thành thương cảng quốc tế lớn nhất Đông Nam Á thời đó. Các tàu thuyền của các nước Đông Nam Á như Trung Hoa, Nhật Bản, Xiêm La...; các tàu buôn phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan... cập bến cảng thị Hội An, làm cho kinh tế của vùng đất Thuận Hóa – Quảng Nam ngày càng phát triển, chính quyền Đàng Trong ngày thêm vững mạnh.

Việc giao thương với nước ngoài đã góp phần giúp ông củng cố chủ quyền của Đại Việt đối với các đảo ở Biển Đông. Tác giả Thệ Thủy, nói về việc này trong bài “Quần đảo Hoàng Sa và đội ghe của các chúa Nguyễn” (Tạp chí Huế Xưa & Nay, số 29, 1998) như sau:  

“Như vậy, các đảo hiện nay thuộc về lãnh thổ nước ta đã được các chúa Nguyễn, có thể bắt đầu từ thời chúa Nguyễn Hoàng. Vị chúa này được Vũ Thì An và Vũ Thì Trung và con cháu gốc người Chămpa giúp ông chiếm lĩnh Hoàng Sa. Sau đó, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), thương gia Nhật Bản Araki Sôtarô lấy công nữ của chúa nên được mang tên Việt là Nguyễn Đại Lương, tự Hiển Hùng, và trông coi việc buôn bán với nước ngoài, đã giúp chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên – NV) tổ chức một đội thuyền hàng năm ra Hoàng Sa thu vớt hàng hóa”.

Nhận định về chúa Tiên Nguyễn Hoàng, Lê Quý Đôn viết trong sách Phủ biên Tạp lục: “Đoan Quận công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn mười năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ (Thuận Hòa và Quảng Nam – NV) thân yêu tin phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp”.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là “cha đẻ” của Đàng Trong, là người viết nên trang sử đầu tiên trên hành trình mở cõi về phương Nam của Đại Việt. Ghi nhận công đức to lớn của ngài, sáng 27-12 vừa rồi, Hội đồng Dòng họ Nguyễn Quảng Nam – Đà Nẵng đã long trọng khánh thành Tượng đài chúa Tiên Nguyễn Hoàng tại Đền thờ và Nhà truyền thống của dòng họ ở thôn Uất Lũy, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn. Lời sấm ký (đã ứng nghiệm) của Trạng Trình thuở xưa được khắc vào vách đá phía sau tôn tượng của ngài: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại chung thân”.

VĂN THÀNH LÊ



 

;
;
.
.
.
.
.