* Trong câu thơ của vua Lê Thánh Tôn “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền” có người bảo rằng chữ hạc ở đây không phải là con chim hạc. Nếu không phải chim hạc đối với long là rồng thì đây có phải là cách chơi chữ không? (Hoàng My, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
- Chữ hạc trong hai câu thơ của vua Lê Thánh Tôn (chép trong sách Thiên Nam dư hạ tập) khi ngài dừng chân ở Đà Nẵng trong buổi thân chinh mở cõi về phương Nam hơn 5 thế kỷ trước không phải là chim hạc(*). Hai câu thơ này nghĩa là: Trăng Ðồng Long ba canh đêm tĩnh/ Thuyền Lộ Hạc năm trống gió thanh. Ở đây, Ðồng Long là tên vùng biển Đà Nẵng lúc đó, nghĩa là con rồng đỏ; còn Lộ Hạc là phiên âm từ Locac - tên một nước thuộc bán đảo Mã Lai ngày nay, người nước này hay đi thuyền đến Đà Nẵng buôn bán.
Vậy nên, hạc trong “Lộ Hạc” thì không liên quan gì đến loài chim hạc cả, nhưng vua Lê đã mượn từ này để đối với long là rồng ở vế trên. Cách chơi chữ này gọi là “chơi lóng”. Vì sao gọi là “chơi lóng”? Bởi long đích thị là rồng rồi, nhưng hạc tất nhiên chẳng phải là chim hạc gì sất, nhưng ở đây tác giả đã biết mượn chữ để đối nghĩa, làm cho hai câu này đối nhau đến độ... thượng thừa, chuẩn không cần chỉnh!
Hồi nước ta mới tiếp cận với phương Tây, có một ông huyện nọ đã tự trào bằng hai câu theo cách “chơi lóng” như thế: “Ngựa hồng ngày cưỡi hầu hai buổi/ Súng lục đêm tuần đạn một viên”. Chưa bàn tới cái dí dỏm của chuyện “ngày cưỡi” và “đêm tuần”, ngay cách đem chữ “hồng” mà đối với chữ “lục” đã là một nghệ thuật rồi. Lục trong “súng lục” chẳng phải là màu lục, nhưng đem đối với hồng trong “ngựa hồng” thì “chơi lóng” hết chỗ chê!
Thời hiện đại, chơi chữ trong dân gian cũng ngày một hiện đại hơn. Một thời, khi bia hơi còn là thức uống lai rai của các ông, có một câu đối được giới bình dân lưu truyền trong lúc trà dư tửu hậu: “Lái xe ôm uống bia hơi, lái xe hơi uống bia ôm”. Quả là một câu đối hay, nhờ có được cái thần diệu của cách chơi chữ truyền thống nên dù có phá lệ bình trắc, vẫn phản ánh được một cách tài tình hơi thở của cuộc sống thời hiện đại.
Không hẳn giới “có chữ” mà ngay cả giới bình dân cũng biết chơi chữ một cách rất... bình dân. Một anh nọ gọi bạn bè ra ngồi quán lai rai. Nhậu một hồi, anh buông giọng não nùng: Mấy bạn ơi. Tui đã có đứa con gái đầu rồi, chừ thêm cái con nữa, buồn quá, uống cho say sự đời. Bạn bè dỗ dành: Thôi, trai mà chi gái mà chi. Trời cho sao hưởng vậy. Anh chàng càng thống thiết: Có con rồi, chỉ mong có cái thằng, mà chừ ra tiếp cái con nữa, răng không buồn được các bạn?! Anh chàng rót đầy ly mọi người rồi đứng dậy: Mời bà con uống một ly. Vợ tui khi hôm mới sinh cái con, mà thú thiệt với bà con, đó là con… chim mới ghê chớ! Khỏi nói cả bàn nhậu hôm đó xôm tụ như thế nào sau cú “bật mí” của anh chàng.
Khi Hòn Chảo (còn gọi là hòn Sơn Trà Con, Đảo Ngọc) còn nằm trong tranh chấp giữa Thừa
Thiên – Huế và Đà Nẵng, ngoài những chứng cứ do giới nghiên cứu cung cấp thì giới bình dân cũng đưa ra một chứng cứ đầy sức thuyết phục theo kiểu dân gian. Ông Đặng Dùng, một cư dân làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) kể, có một anh người huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên – Huế) vô Nam Ô chơi, cứ luôn miệng nói đó là Hòn Chổ. Ông Dùng cười: Anh nói rứa là công nhận cái hòn đó là của Đà Nẵng rồi nghe. Huế thì nói là Hòn Chạo, chỉ Đà Nẵng mới nói Hòn Chổ thôi!
ĐNCT
(*) Trên báo ĐNCT số 24-1-2010, mục CSTT trong phần “Lộ Hạc là nước nào” có giải thích về việc này, nhưng chưa nói rõ ý về việc chơi chữ của vua Lê Thánh Tôn.